Mỹ hạn chế xuất khẩu chip, Trung Quốc bắt đầu bị ảnh hưởng

Chia sẻ Facebook
16/11/2022 16:05:28

Sản lượng vi mạch Trung Quốc giảm mạnh do nhu cầu trong nước suy yếu và những nỗ lực của Mỹ trong việc ngăn chặn Bắc Kinh phát triển ngành chip của riêng mình.

Sản lượng vi mạch tích hợp (IC) tháng 10 của Trung Quốc giảm 26,7% so với cùng kỳ năm ngoái xuống còn 22,5 tỷ đơn vị, theo số liệu do Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) công bố hôm 15/11.

Đây là mức giảm hàng tháng lớn nhất được ghi nhận đối với ngành công nghiệp bán dẫn nước này trong bối cảnh nhu cầu giảm mạnh khiến sản lượng xuất khẩu giảm lần đầu tiên trong hơn 2 năm.

Mức giảm sản lượng trong tháng 10 thậm chí còn cao hơn mức 24,7% trong tháng 8, và là mức giảm hàng tháng lớn nhất kể từ khi dữ liệu bắt đầu được thu thập vào năm 1997.

Sản lượng chip tháng 10 của Trung Quốc cũng thấp hơn so với 25,9 tỷ đơn vị được sản xuất vào tháng 4, khi các biện pháp hạn chế Covid làm gián đoạn hoạt động sản xuất ở Thượng Hải và các trung tâm sản xuất khác của đại lục.

Dữ liệu của NBS cho thấy, tổng sản lượng IC của Trung Quốc trong 10 tháng đầu năm 2022 đạt 267,5 tỷ chiếc, giảm 12,3% so với cùng kỳ năm ngoái.


Nhu cầu trong nước giảm

Sự sụt giảm trong sản xuất chất bán dẫn hàng tháng ở Trung Quốc cho thấy tình hình ảm đạm của các nhà máy trên cả nước do nhu cầu giảm mạnh. Chỉ số quản lý thu mua (PMI) đo lường tình trạng hoạt động của ngành sản xuất giảm từ 50,1 trong tháng 9 xuống 49,2 trong tháng 10.

Theo NBS, sản lượng IC ở Trung Quốc trong 7 tháng đầu năm 2022 đã giảm 8% so với cùng kỳ năm ngoái.


Tập đoàn Sản xuất Chất bán dẫn Quốc tế (SMIC), nhà sản xuất chip hợp đồng hàng đầu của Trung Quốc đại lục, tuần trước vừa lên tiếng cảnh báo rằng nhu cầu đối với các sản phẩm điện tử tiêu dùng yếu hơn dự kiến sẽ ảnh hưởng đến triển vọng kinh doanh của họ trong nửa đầu năm 2023.

Nhân viên làm việc tại một nhà máy sản xuất chip của SMIC ở Bắc Kinh. Ảnh: The China Project

Hôm 11/11, ông Zhao Haijun, đồng giám đốc điều hành của SMIC cho biết, rất nhiều đại lý không muốn đặt mua điện thoại thông minh và các mặt hàng điện tử tiêu dùng mới vì chi tiêu của người tiêu dùng vẫn còn yếu. Tuy nhiên, nhu cầu từ người dùng công nghiệp là “tương đối ổn định”.

Theo dữ liệu công bố vào tháng 10 của công ty nghiên cứu Canalys, nhu cầu giảm khiến doanh số điện thoại thông minh trong quý III ở Trung Quốc đại lục chỉ đạt 70 triệu chiếc, giảm 11% so với một năm trước.


Mỹ tăng cường hạn chế

Sự sụt giảm về sản lượng IC của Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh Mỹ nỗ lực ngăn chặn việc Trung Quốc phát triển ngành công nghiệp chip của riêng mình.

Hồi tháng 8, chính quyền Tổng thống Mỹ Biden ra đạo luật Khoa học và Chip, yêu cầu các công ty công nghệ nhận tài trợ của chính quyền liên bang sẽ bị cấm xây dựng các nhà máy mới, tiên tiến ở Trung Quốc trong ít nhất 10 năm.

Hôm 7/10, chính quyền ông Biden đã áp đặt một loạt các biện pháp mới buộc các công ty Mỹ phải ngừng cung cấp thiết bị sản xuất chip cho đối tác Trung Quốc, trừ khi họ có giấy phép.

Mỹ cũng tăng cường kiểm soát xuất khẩu các sản phẩm bán dẫn, phần mềm, công nghệ, v.v., được sử dụng để phát triển và sản xuất IC sang Trung Quốc.

Trong khi đó, nhập khẩu chip của Trung Quốc đã giảm 13,2% xuống còn 458 tỷ đơn vị trong 10 tháng đầu năm, giảm so với mức 527,9 tỷ đơn vị trong cùng kỳ năm ngoái, theo dữ liệu do Tổng cục Hải quan Trung Quốc công bố vào tuần trước.


Sự sụt giảm này một phần do các nhà cung cấp phương Tây như ASML (Hà Lan), KLA hay Lam Research (Mỹ) đã bắt đầu cắt đứt quan hệ với các đối tác Trung Quốc theo sau các biện pháp hạn chế của Mỹ. Bên cạnh đó, ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu cũng bước vào thời kỳ suy thoái sau khi tình hình đảo chiều từ khan hiếm sang dư thừa chip .


Nguyễn Tuyết (Theo SCMP, Money Control, The Guardian)

Chia sẻ Facebook