Mỹ giảm đơn hàng, nhiều doanh nghiệp Việt Nam buộc sa thải hàng nghìn công nhân

Chia sẻ Facebook
03/03/2023 15:21:53

Theo các doanh nghiệp, những tháng đầu năm 2023, tình trạng số lượng đơn hàng vẫn thấp hơn cùng kỳ 30-40% khiến hàng loạt người lao động chịu cảnh cắt giảm giờ làm, thậm chí buộc cho nghỉ việc. Gần đây, Công ty TNHH PouYuen Việt Nam (TP.HCM) đã công bố sẽ không tái ký hợp đồng với hàng nghìn lao động có hợp đồng lao động từ 1–3 năm khi hết hạn hợp đồng cũ.

Ba tháng cuối năm 2022, hơn 53.600 hay gần 118.000 công nhân mất việc?

Công ty PouYuen Việt Nam. (Ảnh: chinhphu.vn)

Thống kê của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho thấy tính đến hết tháng 1/2023, có khoảng 1.300 doanh nghiệp (tại 50 tỉnh, thành phố) bị giảm số lượng đơn hàng, phải cắt giảm giờ làm của hơn 546.800 người lao động.


Tại Hội chợ xuất khẩu đồ gỗ và nội thất (HawaExpo 2023) diễn ra ở TP.HCM cuối tháng 2/2023, bà Đỗ Thị Kim Loan, Tổng giám đốc Công ty Thương mại và sản xuất Sao Nam, cho biết Mỹ là thị trường xuất khẩu chính, chiếm khoảng 90% lượng xuất khẩu của công ty này, Tạp chí Kinh tế Sài Gòn đưa tin.

Tuy vậy, nhu cầu từ Mỹ tiếp tục giảm mạnh trong các tháng đầu năm 2023, điều này khiến lượng đơn hàng chỉ đạt khoảng 60-65% của cùng kỳ năm ngoái.


“Mới 2-3 tuần sau Tết, chúng tôi đã thấy có dấu hiệu hủy hoặc lùi đơn hàng từ đối tác nhập khẩu. Hiện đơn hàng giảm 20-25% so với cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu từ Mỹ, thị trường chiếm khoảng 50% lượng đơn hàng của công ty”, ông Phùng Quốc Cường, Giám đốc marketing của công ty Bảo Hưng nói, và cho biết điều này buộc công ty phải giảm giờ làm với người lao động.

Theo số liệu từ Bộ Công thương, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong tháng 1/2023 đạt 806 triệu USD, giảm đến gần 49% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, trị giá xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt gần 492 triệu USD, giảm gần hơn 58% so với cùng kỳ.

Đáng chú ý, Mỹ là thị trường xuất khẩu chính của mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ Việt Nam (chiếm gần 60% tổng kim ngạch) nhưng trong tháng đầu năm chỉ đạt 367,3 triệu USD, tương ứng giảm hơn 60% so với cùng kỳ năm ngoái.

Không chỉ xảy ra với ngành gỗ, các lĩnh vực khác như: may mặc, giày dép, điện tử… cũng đang bị ảnh hưởng nặng nề của lạm phát tăng cao và khó khăn kinh tế ở các thị trường xuất khẩu lớn.

48.000 lao động ở Đồng Nai, Bình Dương bị mất việc

Đơn cử với ngành da giày, Công ty TNHH PouYuen Việt Nam với số lượng công nhân lớn nhất ở TP.HCM gần đây đã công bố sẽ không tái ký hợp đồng với hàng nghìn lao động có hợp đồng lao động từ 1–3 năm khi hết hạn hợp đồng cũ.


Anh Lâm Văn Hồ (33 tuổi, quê Cà Mau) cho biết: “Tôi làm ở PouYuen ngót nghét 10 năm rồi. Lúc đầu hay tin bị cắt hợp đồng thấy cũng chạnh lòng lắm, suy nghĩ hoài không biết sẽ xoay xở như thế nào. Nhưng rất may là công ty thực hiện chế độ cho công nhân rất tốt, ai cũng có chút đỉnh vốn để làm ăn. Bản thân tôi nhận được khoảng 70 triệu đồng”, báo Dân Trí đưa tin.

Được biết, Công ty PouYuen Việt Nam thuộc Tập đoàn quốc tế Pouchen Đài Loan, hoạt động ở lĩnh vực sản xuất giày với hơn 50.000 người lao động ở TP.HCM.

Theo thông báo của công ty PouYuen , tổng số tiền chi trả hỗ trợ cho đợt cắt giảm lao động này là khoảng 275 tỷ đồng (bình quân làm việc một năm sẽ được hỗ trợ 0,8 lần một tháng lương).

Trước đó, trong quý 4/2022, theo Tuổi Trẻ, dù tình hình chung của ngành và công ty gặp khó khăn, nhưng đại diện Công ty PouYuen Việt Nam – bà Chen cho biết đã cố gắng sắp xếp để lao động có một năm làm việc ổn định và cái Tết đầy đủ. Công nhân vẫn hưởng chế độ thưởng Tết như bình thường, có lao động nhận 2,2 tháng lương.

Ngoài ra, Tổng cục Thống kê Việt Nam cho biết số lượng các doanh nghiệp ngừng hoạt động (có thời hạn, giải thể, phá sản,…) trong 2 tháng đầu năm tới 51.400 đơn vị. Một trong những nguyên nhân được cho là lãi vay liên tục tăng cao, thị trường ngày càng khó khăn,… khiến các doanh nghiệp khó có thể cầm cự.


Tại Hội nghị giữa Cộng đồng doanh nghiệp và ngân hàng ở TP.HCM hôm 28/2, nhiều ý kiến bức xúc cho rằng trong khi doanh nghiệp khốn đốn, nhiều ngân hàng đạt lợi nhuận khủng là điều rất bất hợp lý trong mối quan hệ cộng sinh.


Ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch Hội Cơ khí – Điện TP.HCM, cho biết nhiều doanh nghiệp trong hội đang phải vay vốn với lãi suất mười mấy phần trăm. Ông Tống cho hay Ngân hàng Nhà nước tuyên bố cho vay 5 lĩnh vực ngành nghề ưu tiên với lãi suất 5,5%/năm. Đây là lãi suất “trong mơ” mà không biết vay ở đâu. “Hỏi nhân viên ngân hàng thì họ nói không có, không lẽ nói cho vui? Lãi suất 5,5%/năm, lên tivi mà vay”.


Tuấn Minh

'Hơn 42.000 lao động mất việc đồng nghĩa với từng ấy gia đình lao đao'

Ngoài 42.000 lao động bị mất việc hiện tại, Cục Việc làm dự báo trong 3 tháng tới, thị trường sẽ tiếp tục giảm khoảng 75.000 lao động.

Chia sẻ Facebook