Mỹ gây khó cho Nga trong việc thanh toán các khoản nợ

Chia sẻ Facebook
25/05/2022 16:53:00

Mỹ quyết định để lệnh miễn trừ hết hiệu lực từ hôm 25/5, hai ngày trước khi Nga đến hạn khoản thanh toán nợ tiếp theo.


Mỹ đang đẩy Nga tiến gần hơn đến khả năng vỡ nợ sau khi Bộ Tài chính cho biết sẽ để lệnh miễn trừ trừng phạt có lợi cho các nhà đầu tư Mỹ hết hiệu lực. Theo đó, các ngân hàng và cá nhân của Mỹ bị cấm chấp nhận thanh toán trái phiếu từ Chính phủ Nga sau 00:01 sáng theo giờ New York vào hôm 25/5.


Trước đó, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đã cho biết trong một cuộc họp báo hôm 18/5: “Lúc đầu khi áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Nga, chúng tôi đã tạo ra một sự miễn trừ để cho phép diễn ra một khoảng thời gian chuyển tiếp có trật tự và để các nhà đầu tư có thể bán chứng khoán". Vào thời điểm đó, bà nhận định không chắc giấy phép này sẽ được gia hạn.


Việc được miễn trừ các lệnh trừng phạt sâu rộng mà Mỹ áp đặt lên Nga đã cho phép Moscow tiếp tục trả các khoản nợ của mình kể từ tháng 2 sau khi cuộc xung đột tại Ukraine bùng nổ. Tuy nhiên, theo thông báo mới, Mỹ đã quyết định không gia hạn sự miễn trừ này và để nó hết hiệu lực từ hôm 25/5, hai ngày trước khi Nga đến hạn khoản thanh toán nợ tiếp theo .


Bộ Tài chính Mỹ cho biết trong một tuyên bố được đăng từ Văn phòng Kiểm soát Tài sản Nước ngoài (OFAC): "OFAC sẽ không gia hạn các điều khoản của sự miễn trừ hết hạn vào ngày 25/5/2022". Như vậy, Nga sẽ không thể thanh toán một số khoản nợ và lãi trái phiếu do các nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ.


Quyết định cho thấy Mỹ thà buộc Nga rơi vào tình trạng vỡ nợ hơn là cho phép quốc gia này chi tài sản vì lợi ích của các nhà đầu tư Mỹ. Nga vốn đang chịu hàng loạt biện pháp trừng phạt của các quốc gia phương Tây liên quan đến cuộc xung đột Ukraine.

Người dân xếp hàng bên ngoài một chi nhánh của ngân hàng quốc doanh Nga Sberbank tại thủ đô Pra-ha của Séc để rút tiền vào ngày 25/2/2022. Ảnh: Getty Images.


Sự thay đổi các hạn chế của Mỹ đã gây thêm trở ngại cho Nga trong việc thanh toán trái phiếu cho các nhà đầu tư nước ngoài, nhưng vẫn chưa rõ liệu điều này có đủ để đẩy Moscow vượt qua ranh giới vỡ nợ hay không.


Theo công ty môi giới hàng đầu của Nga ITI Capital, t rái chủ bên ngoài Mỹ vẫn có thể nhận được thanh toán. Hầu hết những người nắm giữ trái phiếu Nga là ở châu Âu, do đó sẽ không đủ chủ nợ để tuyên bố Nga vỡ nợ.


Cho đến nay, Nga đã cố gắng thực hiện các khoản thanh toán trái phiếu quốc tế bất chấp các lệnh trừng phạt của phương Tây khiến việc chuyển tiền qua biên giới trở nên khó khăn.


Nếu một quốc gia không thực hiện thanh toán trái phiếu trong khung thời gian được xác định trước hoặc theo đơn vị tiền tệ được chỉ định thì sẽ bị coi là vỡ nợ. Nếu khoản thanh toán không tới được người nhận ​​do hoàn cảnh chứ không phải do quốc gia đó không có khả năng hoặc không sẵn sàng thanh toán thì sẽ tạo thành vụ vỡ nợ kỹ thuật.


Nga đã bị chặn khỏi các thị trường vay nợ quốc tế do lệnh trừng phạt, một vụ vỡ nợ xảy ra sẽ khiến nước này không thể tiếp cận các thị trường đó cho đến khi các chủ nợ được thanh toán đầy đủ và mọi trường hợp pháp lý bắt nguồn từ việc vỡ nợ được giải quyết.


Nó cũng có thể tạo ra rào cản cho các giao dịch thương mại của Nga nếu quốc gia hoặc công ty thường giao dịch với Nga có các quy tắc ngăn cấm kinh doanh với một tổ chức bị vỡ nợ.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen phát biểu trong một cuộc họp báo vào ngày 5/6/2021. Ảnh: CNBC.


Nga dự kiến ​​sẽ thanh toán khoảng 100 triệu USD nợ nước ngoài vào ngày 27/5 tới. Do đã dự báo về việc hết hạn lệnh miễn trừ , Nga đã bắt đầu chuyển tiền đến đại lý thanh toán là Trung tâm Lưu ký Thanh toán Quốc gia vào tuần trước để ứng phó với các hạn chế mới.


Nếu không thanh toán đúng hạn, Nga sẽ được gia hạn thời gian lên đến 30 ngày để tìm kiếm giải pháp, chẳng hạn như vào đầu tháng 5 Nga đã gửi tiền cho các nhà đầu tư vào phút cuối sau khi các khoản thanh toán ban đầu bị chặn.


Nga hiện nợ tổng cộng khoảng 1 tỷ USD thanh toán bằng phiếu giảm giá (coupon) cho đến hết năm 2022. Trên thực tế, không phải tất cả các khoản thanh toán của Nga cho người Mỹ đều bị cấm sau ngày 25/5. Theo giấy phép do Bộ Tài chính cấp vào ngày 7/4, các nhà đầu tư Mỹ có thời hạn đến ngày 30/6 để thoái vốn khỏi tổ chức tài chính Nga Alfa-Bank AO và thời hạn đến ngày 1/7 để thoái vốn khỏi công ty kim cương Alrosa PJSC.


Đồng Rúp, hiện ở mức cao nhất trong vòng 4 năm, đã ít biến động sau thông báo mới từ phía Mỹ. Nội tệ của Nga đã trở thành đồng tiền hoạt động tốt hàng đầu trên toàn thế giới trong năm 2022, tăng khoảng 30% giá trị so với đồng USD kể từ đầu năm đến nay bất chấp những lệnh trừng phạt của các nước phương Tây nhắm liên quan đến xung đột Ukraine .


Phạm Hà Thanh (theo Aljazeera, Reuters)

Chia sẻ Facebook