Mỹ điều tra nghi vấn công ty pin mặt trời Trung Quốc trốn thuế
Mỹ nghi ngờ các nhà sản xuất thiết bị năng lượng mặt trời của Trung Quốc có thể đang gửi linh kiện đến các nước Đông Nam Á như Malaysia, Thái Lan, và Campuchia để lắp ráp trước khi vận chuyển thành phẩm sang Mỹ.
Theo Hãng tin Bloomberg, Mỹ đang mở một cuộc điều tra về việc liệu các nhà sản xuất thiết bị năng lượng mặt trời của Trung Quốc có đang trốn thuế bằng cách gửi linh kiện sang các quốc gia châu Á khác để lắp ráp trước khi vận chuyển thành phẩm đến Mỹ hay không.
Trong hồ sơ công bố hôm 28-3, Bộ Thương mại Mỹ cho biết họ sẽ mở cuộc điều tra theo đề nghị của Công ty Auxin Solar, nhà sản xuất các tấm pin mặt trời ở bang California của Mỹ. Điều này đánh dấu bước chính thức đầu tiên của cuộc điều tra vốn có thể kéo dài một năm và có thể dẫn tới tăng thuế đối với hàng nhập khẩu.
Hồi tháng 2, Auxin Solar đã nộp đơn đề nghị mở cuộc điều tra. Công ty này cáo buộc các nhà sản xuất ở những nước Đông Nam Á đang sử dụng các linh kiện từ Trung Quốc, từ đó trốn các mức thuế của Mỹ, và điều này gây thiệt hại cho các nhà sản xuất lĩnh vực năng lượng mặt trời của Mỹ.
Theo Hiệp hội Năng lượng sạch của Mỹ, các quốc gia Đông Nam Á này chiếm tới 80% nguồn cung cấp tấm môđun năng lượng mặt trời cho Mỹ.
Các mức thuế nói trên được đưa ra từ năm 2012 (thời tổng thống Mỹ Barack Obama), khi Mỹ áp thuế đối với các môđun và pin mặt trời từ Trung Quốc sau khi nước này xác định các công ty do Bắc Kinh hỗ trợ đang bán sản phẩm với giá thấp. Sau đó, nhiều nhà máy nhanh chóng mọc lên ở Đông Nam Á để sản xuất tấm pin mặt trời - vốn không phải chịu mức thuế quan như Trung Quốc.
Cuộc điều tra nói trên có nguy cơ ảnh hưởng đến lĩnh vực năng lượng mặt trời của Mỹ, quốc gia vốn phụ thuộc nhiều vào các tấm pin mặt trời châu Á.
Các công ty xây dựng trang trại năng lượng mặt trời cảnh báo việc mở cuộc điều tra sẽ làm tăng giá và có khả năng khiến các nhà nhập khẩu phải chịu thêm thuế.
Điều đó cũng có thể làm chậm tốc độ phát trưởng năng lượng sạch ở Mỹ và phá hoại mục tiêu của Tổng thống Joe Biden là loại bỏ phát thải khí carbon khỏi ngành năng lượng vào năm 2035.
"Quyết định của Bộ Thương mại Mỹ báo hiệu việc chính quyền ông Biden tuyên bố hỗ trợ năng lượng mặt trời chỉ là lời nói suông. Nếu cam kết của họ về một tương lai sử dụng năng lượng sạch là có thật, chính quyền ông Biden sẽ cần đảo ngược quyết định này ngay lập tức" - bà Heather Zichal, giám đốc điều hành của Hiệp hội Năng lượng sạch Mỹ, bình luận.
Bộ Thương mại Mỹ có 150 ngày để điều tra và đưa ra kết luận sơ bộ. Kết quả cuối cùng dự kiến được đưa ra sau 300 ngày, với khả năng được gia hạn thêm 65 ngày.
Sau thông tin Quần đảo Solomon có ý định ký thỏa thuận an ninh với Trung Quốc, Thủ tướng Manasseh Sogavare của đảo quốc này xác nhận quả thật họ đang đàm phán với Bắc Kinh, nhưng khẳng định sẽ không chọn phe.