Mỹ có thêm “trợ thủ đắc lực” trong cuộc đua về chip với Trung Quốc
Quyết định của Nhật Bản cùng với Mỹ và Hà Lan hạn chế xuất khẩu thiết bị sản xuất chip sang Trung Quốc mang đến vũ khí mới đầy sức mạnh cho các đồng minh trong bối cảnh cuộc chiến công nghệ với Trung Quốc leo thang, theo hãng tin Bloomberg.
Cụ thể, Bộ Thương mại Nhật Bản tuần trước cho biết các nhà cung cấp 23 loại công nghệ chip sẽ cần sự chấp thuận của chính phủ để xuất khẩu sang các nước bao gồm Trung Quốc. Quy định này sẽ có hiệu lực sớm nhất tháng 7 tới. Điều đó ảnh hưởng đến nhiều công ty đóng vai trò trung tâm trong nỗ lực xây dựng ngành công nghiệp chip nội địa của Trung Quốc, bao gồm Tokyo Electron, Nikon Corp và Screen Holdings.
Dù không nổi tiếng như các đối tác ở Mỹ hoặc Hà Lan song việc các công ty Nhật Bản bị kiểm soát các bước quan trọng trong chuỗi cung ứng chất bán dẫn có thể được sử dụng như nút thắt tiềm năng chống lại Trung Quốc. Cụ thể, Screen Holdings là nhà sản xuất thiết bị làm sạch đĩa bán dẫn hàng đầu. Lasertec Corp. là nhà cung cấp máy duy nhất kiểm tra thiết kế chip tiên tiến, sử dụng phương pháp sản xuất chip bằng kỹ thuật in khắc cực tím.
Chris Miller, một nhà sử học kinh tế kiêm tác giả cuốn sách “Chip War: the Fight for the World’s Most Critical Technology” , cho biết sáng kiến làm chậm sự phát triển công nghệ của Trung Quốc sẽ giúp nới rộng khoảng cách giữa khả năng quân sự của Trung Quốc với Mỹ và các đồng minh.
Tháng 10/2022, khi chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden công bố các biện pháp hạn chế đối với hoạt động xuất khẩu liên quan đến chip sang Trung Quốc, các công ty Mỹ như Applied Materials đã bị ảnh hưởng trực tiếp bởi các quy định này. Với việc Hà Lan và bây giờ là Nhật Bản gia nhập, tất cả các quốc gia lớn sản xuất thiết bị sản xuất chip đều tham gia vào cuộc chiến cô lập Trung Quốc.
Akira Minamikawa, nhà phân tích tại công ty nghiên cứu Omdia, cho hay: “Việc Nhật Bản tham gia hạn chế xuất khẩu sẽ gây tổn hại lớn đến khả năng sản xuất và phát triển chip nhỏ hơn 16 nanomet của Trung Quốc” .
Liên minh ba nước chắc chắn sẽ buộc Bắc Kinh phải tăng cường nỗ lực phát triển nguồn cung thiết bị và vật liệu sản xuất chip của mình, để nước này không còn phụ thuộc vào các nhà cung cấp nước ngoài. Nhưng quá trình đó sẽ mất nhiều năm và làm tăng chi phí sản xuất chất bán dẫn cho thị trường Trung Quốc.
Nhà phân tích Hideki Yasuda của công ty tư vấn Toyo Securities nhận định rằng: “Ngay cả khi Trung Quốc phát triển công nghệ chip của riêng mình, các tiêu chuẩn sẽ hoàn toàn khác với các tiêu chuẩn tại những nước còn lại. Điều đó có nghĩa là những con chip đắt tiền hơn sẽ không còn khả năng cạnh tranh về mặt công nghệ” .
Mới đây, Ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương kêu gọi người đồng cấp Nhật Bản kiềm chế không hỗ trợ các nỗ lực của Mỹ nhằm ngăn chặn ngành công nghiệp bán dẫn của Trung Quốc. Nhà chức trách nhấn mạnh một cuộc phong tỏa về lĩnh vực sản xuất chip sẽ chỉ củng cố quyết tâm của Bắc Kinh nhằm đạt được khả năng tự lực.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Nhật Bản Yoshimasa Hayashi đã từ chối đưa ra bất kỳ cam kết nào trong chuyến đi tới Bắc Kinh. Nhà ngoại giao hối thúc người đồng cấp Trung Quốc nhanh chóng trao trả một công dân Nhật Bản bị Bắc Kinh giam giữ.