Mỹ có động thái phản ứng việc Nga dừng tham gia hiệp ước hạt nhân New START

Chia sẻ Facebook
29/03/2023 21:15:20

Mỹ và Nga nắm giữ gần 90% đầu đạn hạt nhân của thế giới.


Nga dừng tham gia hiệp ước hạt nhân New START" src="http://media1.nguoiduatin.vn/m24/upload/1-2023/images/2023-03-29/My-co-dong-thai-phan-ung-viec-Nga-dung-tham-gia-hiep-uoc-hat-nhan-New-START-1-1680077943-999-width1200height676.jpg?v=1680093901" />


Mỹ tuyên bố ngừng trao đổi dữ liệu chi tiết về kho dự trữ hạt nhân của nước này với Nga. Ảnh minh họa: AP

Al Jazeera ngày 29/3 đưa tin, Mỹ tuyên bố sẽ ngừng trao đổi dữ liệu chi tiết về kho dự trữ hạt nhân của nước này với Nga. Nhà Trắng gọi đây là động thái phản ứng với việc Nga dừng tham gia Hiệp ước Cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới (New START).


"Nga không tuân thủ đầy đủ và từ chối chia sẻ dữ liệu mà 2 nước đã thống nhất chia sẻ 6 tháng một lần theo Hiệp ước New START", John Kirby, phát ngôn viên Hội đồng An Ninh Quốc gia Mỹ, phát biểu trong một hội nghị ngày 28/3.

"Vì họ đã từ chối tuân thủ, nên chúng tôi quyết định không chia sẻ dữ liệu của mình. Chúng tôi sẵn sàng chia sẻ dữ liệu khi Moscow cũng phải sẵn sàng làm điều đó", ông Kirby nói thêm.

Vedant Patel, phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ, cho biết: "Mỹ và Nga có nghĩa vụ trao đổi cơ sở dữ liệu hạt nhân toàn diện 2 lần/năm. Chúng tôi đề nghị tiếp tục duy trì việc này nhưng Nga đã thông báo với Mỹ rằng Moscow sẽ không chia sẻ dữ liệu vì đã dừng tham gia hiệp ước New START".

Theo các điều khoản của hiệp ước New START, được ký vào năm 2010 và hết hạn vào năm 2026, Moscow và Washington có thể triển khai không quá 1.550 đầu đạn hạt nhân chiến lược và 700 tên lửa, máy bay ném bom để vận chuyển số đầu đạn đó.

Theo mục "trao đổi dữ liệu 2 lần/năm", Nga và Mỹ phải cung cấp cho nhau thông tin về các phương tiện vận chuyển chiến lược, bệ phóng và đầu đạn.

Hiệp ước New START còn quy định có các cuộc thanh tra để xác minh sự tuân thủ hiệp ước của Nga và Mỹ.


Tuy nhiên, các cuộc thanh tra đã bị tạm dừng kể từ năm 2020 vì đại dịch Covid-19 . Các cuộc thảo luận để nối lại việc thanh tra được lên kế hoạch diễn ra vào tháng 11/2022 nhưng Moscow đã hủy bỏ với lý do Washington ủng hộ Kiev.

Vào tháng 2, Nga chính thức dừng tham gia hiệp ước New START. Trong thông điệp liên bang thường niên ngày 21/2, ông Putin nói rằng Nga chỉ đình chỉ việc tham gia, không phải rút khỏi hiệp ước.

Theo Al Jazeera, Nga và Mỹ nắm giữ gần 90% đầu đạn hạt nhân của thế giới. Hiệp ước New START được đưa ra nhằm giới hạn số lượng đầu đạn hạt nhân chiến lược mà 2 cường quốc này triển khai.


Nguyễn Thái - Al Jazeera

Chia sẻ Facebook