Mỹ chuẩn bị viện trợ khủng cho Ukraine, TT Putin ký sắc lệnh khẩn
Thượng viện Mỹ ngày 29-9 thông qua dự luật chi tiêu tạm thời cho chính phủ, trong đó có khoản viện trợ kinh tế và quân sự trị giá 12,3 tỉ USD cho Ukraine.
Dự luật này nhiều khả năng cũng sẽ được Hạ viện Mỹ thông qua, trước khi được trình lên Tổng thống Joe Biden, đài Al Jazeera khẳng định.
Theo báo The New York Times, dự luật sẽ cung cấp 4,5 tỉ USD cho quỹ hỗ trợ chính phủ Ukraine duy trì hoạt động và khôi phục kinh tế, bên cạnh 3 tỉ USD để Washington mua khí tài cho Ukraine. Dự luật còn cho phép Tổng thống Biden ủy quyền chuyển 3,7 tỉ USD khí tài trong kho vũ khí của Mỹ đến Ukraine.
Mỹ đến giờ là quốc gia viện trợ tích cực nhất cho Ukraine.
Trong khi đó, TASS cho biết Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 30-9 đã ký 2 sắc lệnh công nhận "độc lập và chủ quyền" của 2 tỉnh Kherson và Zaporizhzhia ở miền Nam Ukraine.
Theo sắc lệnh có hiệu lực tức thì, quyết định của Tổng thống Putin được cho là "dựa trên các nguyên tắc và thông lệ của luật pháp quốc tế được công nhận rộng rãi, nguyên tắc bình đẳng, quyền tự quyết của các dân tộc được nêu rõ trong Hiến chương Liên Hợp Quốc", cũng như "mong muốn của người dân tại cuộc trưng cầu dân ý".
Các cuộc trưng cầu dân ý về việc sáp nhập vào Nga đã diễn ra ở Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR) và Cộng hòa Nhân dân Lugansk (LPR) tự xưng ở vùng Donbass (miền Đông Ukraine), hai vùng Kherson và Zaporizhzhia tại miền Nam Ukraine từ ngày 23-9 đến ngày 27-9.
Ở Zaporozhye và Kherson, câu hỏi trên lá phiếu có nội dung như sau: "Bạn có ủng hộ việc khu vực này rời khỏi Ukraine, thành lập một nhà nước độc lập và gia nhập Liên bang Nga không?".
Theo kết quả trưng cầu dân ý do Nga công bố, tỉ lệ cử tri đồng ý sáp nhập vào Nga ở Kherson, Zaporizhzhia, Donetsk, Lugansk lần lượt là 87,05%, 93,23%, 99,23% và 98,42%.
Tổng thống Biden ngày 29-9 nhấn mạnh Washington sẽ "không bao giờ" công nhận kết quả của các cuộc trưng cầu dân ý này.
Cùng ngày, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc (LHQ) Antonio Guterres tuyên bố: “Mọi quyết định tiếp tục động thái sáp nhập các tỉnh Donetsk, Luhansk, Kherson và Zaporizhzhia của Ukraine sẽ không có giá trị pháp lý và đáng bị lên án” - theo hãng tin TASS.
Khẳng định quan điểm của LHQ về các cuộc trưng cầu dân ý là rất rõ ràng, ông Guterres nhấn mạnh: “Cái gọi là 'cuộc trưng cầu dân ý’ được tiến hành trong thời gian xung đột vũ trang đang diễn ra, tại các khu vực mà Nga giành quyền kiểm soát và bên ngoài khuôn khổ luật pháp và hiến pháp của Ukraine. Không thể nói các cuộc trưng cầu dân ý này phản ánh chính xác nguyện vọng của người dân”.