Mỹ chỉ trích 'hai thành viên' phản đối LHQ trừng phạt Triều Tiên, nghi là Nga và Trung Quốc
Ngày 11-5, Mỹ chỉ trích việc "hai thành viên" của Hội đồng Bảo an (HĐBA) phản đối động thái của Liên Hiệp Quốc (LHQ) đối với Triều Tiên, nhiều khả năng là Nga và Trung Quốc.
Theo Hãng tin Reuters, Đại sứ Mỹ tại LHQ Linda Thomas-Greenfield đã đề cập đến "hai thành viên hội đồng" và lập luận rằng sự kiềm chế của HĐBA sẽ khuyến khích Triều Tiên "ngừng leo thang và thay vào đó đến bàn đàm phán".
Bà Thomas-Greenfield cảnh báo HĐBA "không thể im lặng thêm nữa" khi Bình Nhưỡng chuẩn bị cho vụ thử hạt nhân lần thứ 7.
"Rõ ràng, im lặng và kiềm chế đã không có tác dụng. Đã đến lúc ngừng việc cho phép điều này và bắt đầu hành động", bà Thomas-Greenfield phát biểu trong cuộc họp HĐBA do Mỹ triệu tập về vụ phóng tên lửa đạn đạo mới nhất của Triều Tiên.
Từ năm 2006, LHQ đã đặt ra các lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên vì các chương trình tên lửa đạn đạo và hạt nhân của họ.
Trong tháng 5 này, Mỹ mong muốn HĐBA gồm 15 thành viên bỏ phiếu cho một nghị quyết nhằm áp thêm trừng phạt đối với Bình Nhưỡng do Hoa Kỳ soạn thảo.
Bà Thomas-Greenfield khẳng định Mỹ "không thể đợi" cho đến khi Triều Tiên tiến hành thêm một vụ thử hạt nhân mới. "Washington đánh giá Triều Tiên có thể sẵn sàng tiến hành một cuộc thử nghiệm như vậy sớm nhất là trong tháng này", bà nói.
Tuy nhiên, Trung Quốc và Nga vẫn phản đối việc LHQ đặt ra thêm trừng phạt đối với Triều Tiên. Cả hai nước này từ lâu đã thúc đẩy LHQ giảm nhẹ các biện pháp đó đối với Triều Tiên vì lý do nhân đạo.
Đáp lại, Mỹ cho rằng đây chưa phải là lúc để nới trừng phạt cho Triều Tiên.
Ngày 11-5, Đại sứ Trung Quốc tại LHQ Zhang Jun cho biết nghị quyết do Hoa Kỳ soạn thảo "không phải là cách thích hợp để giải quyết tình hình hiện tại".
"Đáng tiếc, Mỹ đã làm ngơ trước các đề xuất hợp lý của Trung Quốc và các thành viên liên quan khác trong hội đồng, cũng như vẫn lầm tưởng về sức mạnh ma thuật của các biện pháp trừng phạt", ông Zhang nói.
Trong khi đó, phó đại sứ Nga tại LHQ Anna Evstigneeva cho biết nghị quyết do Nga và Trung Quốc soạn thảo nhằm giảm bớt các biện pháp trừng phạt Triều Tiên vẫn cần được cân nhắc và "có thể khuyến khích các bên đẩy mạnh nỗ lực đàm phán".
HĐBA đã thắt chặt các biện pháp trừng phạt Bình Nhưỡng lần cuối vào năm 2017. Song, Triều Tiên được cho là đã né tránh một số lệnh trừng phạt của LHQ.
Trung Quốc cáo buộc Mỹ "thao túng chính trị" và cố gắng thay đổi hiện trạng, sau khi Bộ Ngoại giao Mỹ lặng lẽ xóa bỏ một đoạn với nội dung Mỹ "không ủng hộ Đài Loan độc lập" trên trang web của bộ này.