Mỹ chăm sóc sức khỏe tinh thần cho giới trẻ hậu COVID-19, Trung Quốc cảnh giác với dịch bệnh trước các kỳ nghỉ lễ

Chia sẻ Facebook
12/09/2022 06:11:32

Đến sáng 12/8, thế giới có trên 613,66 triệu người mắc COVID-19, trong đó hơn 6,51 triệu trường hợp đã tử vong vì đại dịch này.


Mỹ là nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch COVID-19 với tổng cộng trên 97,08 triệu ca mắc, trong đó có khoảng hơn 1,075 triệu trường hợp tử vong do bệnh này.


Trẻ em là đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19 do đang ở lứa tuổi hiếu động, thích giao tiếp nhưng lại phải trải qua một thời gian dài giãn cách xã hội và học trực tuyến. Nhiều em đã rơi vào trạng thái lo lắng, trầm cảm, ngại giao tiếp và mất tập trung. Vì thế, trong năm học mới này, các trường học trên khắp nước Mỹ đã triển khai nhiều biện pháp chăm sóc sức khỏe tinh thần cho các em khi trở lại trường.


Hiện hầu hết các trường học trên toàn nước Mỹ đã dỡ bỏ yêu cầu đeo khẩu trang, giãn cách hay cách ly và trở lại điều kiện học tập bình thường như trước khi đại dịch COVID-19 xảy ra. Tuy nhiên, rất nhiều học sinh đã không còn bình thường như trước. Một báo cáo mới được Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ công bố cho thấy, có tới 44% học sinh phổ thông được hỏi cho biết đã trải qua tâm lý chán nản và vô vọng trong mùa dịch, dẫn tới sa sút về sức khỏe tinh thần, gia tăng lên mức báo động số em có biểu hiện trầm cảm, lo âu, thậm chí cả ý định tự sát. Vì thế, chăm sóc sức khỏe tinh thần cho học sinh được các trường học tại Mỹ xác định là nhiệm vụ trọng tâm của năm học này.


Tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới Ấn Độ , vào ngày 11/9, nước này ghi nhận tổng cộng trên 44,49 triệu người nhiễm virus SARS-CoV-2 , bao gồm hơn 528.000 trường hợp thiệt mạng vì COVID-19.


Pháp hiện là điểm nóng dịch bệnh lớn thứ 3 thế giới với hơn 154.400 bệnh nhân COVID-19 không qua khỏi trong tổng số trên 34,7 triệu người nhiễm bệnh ở quốc gia này.


Brazil có số người tử vong cao thứ hai thế giới, chỉ sau Mỹ với trên 684.900 trường hợp trong tổng số hơn 34,57 triệu người nhiễm, sau Mỹ, Ấn Độ và Pháp.

Các trường học tại Mỹ sẽ tập trung chăm sóc sức khỏe tinh thần của học sinh trong năm học này. (Ảnh: AP)


Bộ Y tế Canada đã phê duyệt sử dụng vaccine phòng COVID-19 của Pfizer cho trẻ em từ 6 tháng đến 4 tuổi. Sau khi xem xét kỹ lưỡng và độc lập các bằng chứng khoa học, Bộ trên kết luận rằng lợi ích của vaccine Comirnaty của Pfizer-BioNTech lớn hơn những nguy cơ tiềm ẩn đối với trẻ em.

Đây là loại vaccine thứ hai được phê duyệt cho nhóm tuổi trên, sau khi Bộ Y tế Canada phê duyệt vaccine Spikevax của Moderna vào tháng 7. Bộ này đã phê duyệt ba mũi tiêm cho trẻ em dưới 5 tuổi, với khoảng cách 3 tuần giữa mũi đầu tiên và mũi thứ hai, 8 tuần giữa mũi thứ hai và mũi thứ ba. Các mũi tiêm dùng vaccine được bào chế phòng chủng virus SARS-CoV-2 ban đầu vẫn có hiệu quả trong việc ngăn ngừa nguy cơ bị bệnh nặng, nhập viện và tử vong.

Ước tính Canada có khoảng 1,7 triệu trẻ trong độ tuổi từ 6 tháng đến 4 tuổi. Theo dữ liệu liên bang, tính đến ngày 14/8, đã có 47.363 trẻ em dưới 5 tuổi được tiêm ít nhất một mũi vaccine phòng COVID-19.


Dù số ca mắc ít nhưng hiện nay, hầu hết các tỉnh thành tại Trung Quốc đều có các chuỗi lây nhiễm trong cộng đồng bởi học sinh sinh viên đi học trở lại. Trước các đợt nghỉ lễ lớn như Tết Trung thu và kỳ nghỉ Quốc khánh kéo dài một tuần vào đầu tháng 10, Trung Quốc đã triển khai nhiều giải pháp dập dịch quyết liệt.

Theo Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc, từ đầu tháng 9 đến nay, 29/31 tỉnh thành nước này đã có các chuỗi lây nhiễm trong cộng đồng, tình hình phòng chống dịch vẫn khó khăn phức tạp. Công tác phòng chống dịch vẫn phải quyết liệt, dập dịch với thời gian sớm nhất. Trong dịp Tết Trung thu và Quốc khánh sắp tới, từ ngày 10/9 đến ngày 31/10, cơ quan chức năng Trung Quốc khuyến khích người dân nghỉ lễ tại chỗ, đi máy bay, tàu cao tốc phải có kết quả xét nghiệm axit nucleic âm tính trong 48 tiếng, giảm các hoạt động tập trung không cần thiết.

Chính quyền thành phố Thượng Hải đã vừa quyết định duy trì xét nghiệm miễn phí đại trà cho 25 triệu dân từ nay đến hết tháng 10, mỗi tuần một lần. Nếu không xét nghiệm, mã quét QR sức khỏe chuyển sang màu vàng thì hầu như phải ở nhà. Các hoạt động đông người như triển lãm, biểu diễn nghệ thuật bị cấm. Ngoài ra, chính quyền thành phố bắt buộc những ai vào Thượng Hải trước đó phải khai báo y tế qua mã quét trực tuyến của thành phố. Người nào không chấp hành nếu để lây lan dịch sẽ bị xử lý hình sự. Những ai đến vùng nguy cơ dịch trung bình và cao trong một tuần được khuyến cáo không đến Thượng Hải.

Thành phố Bắc Kinh cũng duy trì liên tục xét nghiệm một tuần 3 lần cho 23 triệu dân từ hơn 3 tháng nay. Những động thái siết chặt quản lý dịch của các địa phương cũng nằm trong kế hoạch đảm bảo trật tự an toàn xã hội cho sự kiện Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc dự kiến vào giữa tháng 10 tới.

Trung Quốc tích cực phòng chống dịch COVID-19 trước và trong nhiều kỷ nghỉ lễ vào tháng 10. (Ảnh: AP)


Làn sóng dịch bệnh thứ 5 tại đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc) đang bùng phát mạnh trở lại. Vì vậy, nhà chức trách Hong Kong đã quyết định hạ độ tuổi tối thiểu áp dụng "hộ chiếu vaccine" từ 12 xuống 5 tuổi.

Cụ thể, trong giai đoạn 1 tính từ ngày 30/9, trẻ từ 5 đến 11 tuổi phải tiêm một mũi vaccinne ngừa COVID-19 mới có thể đến các cơ sở được chỉ định như nhà hàng. Nếu trẻ đã tiêm mũi 1 được trên 3 tháng thì phải tiêm mũi thứ 2 mới có thể được sử dụng "hộ chiếu vaccine". Trong giai đoạn 2 tính từ ngày 30/11, trẻ em trong độ tuổi này sẽ phải tiêm hai mũi vaccine mới được vào các cơ sở chỉ định.

Hiện 83% số trẻ em ở Hong Kong được tiêm một mũi vaccine và 70% số trẻ được tiêm hai mũi. Hiện còn 68.000 trẻ chưa được tiêm vaccine.

Ngoài ra, chính quyền Hong Kong cũng sẽ điều chỉnh yêu cầu đối với "hộ chiếu vaccine". Trong giai đoạn 1 tính từ ngày 30/9, khoảng cách giữa mũi tiêm thứ 2 và thứ 3 cho những người từ 12 tuổi trở lên sẽ giảm từ 6 tháng xuống 5 tháng. Trong giai đoạn 2 kể từ ngày 30/11, những người từ 12 tuổi trở lên phải tiêm đủ ba mũi vaccine mới đáp ứng đủ điều kiện của "hộ chiếu vacccine".


Đến nay, Hong Kong đã ghi nhận trên 1,65 triệu ca mắc COVID-19 và 9.799 bệnh nhân qua đời.


Ngày 10/9, Bộ Y tế Malaysia thông báo ghi nhận 1.990 ca mắc mới COVID-19. Trong số các ca mắc mới có 2 trường hợp nhập cảnh. Số ca tử vong vì COVID-19 tại nước này hiện là 36.2747 người .

Cho đến nay, 86% dân số Malaysia đã tiêm ít nhất một mũi vaccine ngừa COVID-19, 84,2% đã hoàn thành 2 mũi cơ bản, 49,7% đã tiêm mũi 3 và 1,5% đã tiêm mũi 4.

Kết quả nghiên cứu do Đại học Bar-Ilan (Israel) công bố cho thấy, bệnh nhân COVID-19 nếu được tiêm từ 2 mũi vaccine trở lên có khả năng giảm đáng kể nguy cơ bị các triệu chứng có thể xuất hiện nhiều tháng sau khi khỏi bệnh.


Nghiên cứu được thực hiện dưới sự chủ trì của Giáo sư Michael Edelstein, Khoa Dược Azrieli thuộc Đại học Bar-Ilan, phối hợp với các nhóm chuyên gia về bệnh truyền nhiễm và chuyên gia công nghệ thông tin của một số bệnh viện tại Israel. Dữ liệu trích xuất của gần 3.500 bệnh nhân trưởng thành trong giai đoạn từ tháng 7 - 11/2021 cho thấy, những người được tiêm ít nhất 2 mũi vaccine đã giảm được 50-80% nguy cơ mắc 8 trong số 10 triệu chứng phổ biến nhất của bệnh nhân hậu COVID-19 .


Đến nay, vẫn chưa có nhiều nghiên cứu về tác dụng của vaccine đối với các triệu chứng hậu COVID-19. Bên cạnh vấn đề này, nghiên cứu của Đại học Bar-Ilan còn xem xét tác dụng của vaccine đối với các biến thể khác nhau của virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 và chất lượng cuộc sống của người bệnh trong thời gian dài sau nhiễm bệnh.

Chia sẻ Facebook