Mỹ chạm mốc 96 triệu ca mắc, Hàn Quốc xem xét bỏ quy định xét nghiệm COVID-19 trước khi nhập cảnh

Chia sẻ Facebook
31/08/2022 10:01:00

Đến sáng 31/8, thế giới có trên 606,89 triệu người mắc COVID-19, trong đó hơn 6,49 triệu trường hợp đã tử vong vì đại dịch này.


Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch COVID-19 vẫn là Mỹ với trên 96 triệu ca mắc và hơn 1,069 triệu trường hợp tử vong.

Hãng tin NBC ngày 29/8 dẫn lời một viên chức cao cấp trong chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết, Chính phủ nước này sẽ ngừng phát miễn phí bộ xét nghiệm COVID-19 tại nhà do không còn đủ kinh phí, trong bối cảnh kho dự trữ đang dần cạn kiệt và Chính phủ Mỹ muốn bảo đảm đáp ứng được nhu cầu phòng bệnh khi tình huống khẩn cấp xảy ra.

Trước đó, người dân Mỹ có thể đăng ký qua địa chỉ Covidtests.gov để nhận bộ xét nghiệm miễn phí qua đường bưu điện. Chính quyền liên bang ước tính đã phân phối khoảng 600 triệu bộ xét nghiệm thông qua trang web này. Chương trình được khởi động lần đầu vào tháng 1/2022 khi biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 hoành hành khắp nước Mỹ. Theo thông báo, chương trình sẽ kết thúc vào ngày 2/9 tới trừ khi có nguồn kinh phí đột xuất từ Quốc hội Mỹ. Thông báo nhấn mạnh việc giữ lại các bộ xét nghiệm còn lại để phân phối vào cuối năm nay là "lựa chọn tốt nhất".


Tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới Ấn Độ , vào ngày 30/8, nước này ghi nhận tổng cộng trên 44,41 triệu người nhiễm virus SARS-CoV-2 , bao gồm hơn 527.800 trường hợp thiệt mạng vì COVID-19 tại quốc gia Nam Á này.


Pháp hiện là điểm nóng dịch bệnh lớn thứ 3 thế giới với hơn 154.000 bệnh nhân COVID-19 không qua khỏi trong tổng số trên 34,5 triệu người nhiễm bệnh ở quốc gia này. Ngày 30/8, Pháp ghi nhận 27.358 ca mắc COVID-19 mới.


Brazil đứng sau Pháp về tổng số ca nhiễm với hơn 34,39 triệu trường hợp, nhưng lại có số ca tử vong vì COVID-19 cao thứ hai thế giới với trên 683.700 bệnh nhân, chỉ sau Mỹ.

Brazil có số người tử vong do COVID-19 cao thứ 2 thế giới, chỉ sau Mỹ. (Ảnh: AP)


Indonesia đã đưa ra quy định hành khách đi máy bay phải xuất trình chứng nhận đã tiêm mũi tăng cường vaccine ngừa COVID-19. Với quy định mới này, hành khách mới chỉ tiêm 1 hoặc 2 mũi vaccine ngừa COVID-19 sẽ không được đi lại trong nước bằng máy bay, ngoại trừ các trường hợp không thể tiêm vaccine vì lý do sức khỏe, du khách trong nước từ 6 - 17 tuổi và người nước ngoài. Du khách trong nước từ 6 - 17 tuổi chỉ cần tiêm đủ 2 mũi vaccine.

Các du khách trong nước không thể tiêm chủng vì lý do sức khỏe sẽ phải xuất trình chứng nhận do các bệnh viện nhà nước cung cấp. Trong khi đó, người nước ngoài di chuyển trên các chuyến bay nội địa chỉ cần cài đặt ứng dụng truy vết COVID-19 của Chính phủ Indonesia và tuân thủ các quy định hiện hành về đi lại.


Hàn Quốc để ngỏ khả năng Chính phủ nước này sẽ bãi bỏ quy định xét nghiệm COVID-19 trước khi khởi hành đối với người nhập cảnh trước khi bước vào kỳ nghỉ lễ Trung thu (Chuseok) sắp tới. Trả lời phóng viên về thời điểm Chính phủ sẽ nới lỏng hơn nữa các quy định về kiểm soát dịch COVID-19 đối với du khách nước ngoài, bao gồm yêu cầu xét nghiệm PCR trước khi khởi hành, ngày 30/8, Thủ tướng Hàn Quốc Han Duck-soo cho biết, Chính phủ đang "xem xét kỹ lưỡng" vấn đề. Ông cho biết: "Tôi nghĩ quyết định sẽ được đưa ra trước kỳ nghỉ lễ Chuseok và có thể nhanh hơn bạn nghĩ".

Kỳ nghỉ lễ Chuseok của Hàn Quốc năm nay bắt đầu từ ngày 9/9 và kéo dài trong 4 ngày.

Trước đó, ngày 28/8, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) cho biết sẽ hoàn thành quy trình đánh giá và thông báo có duy trì yêu cầu xét nghiệm COVID-19 trước khi nhập cảnh đối với du khách nước ngoài hay không vào ngày 2/9 tới. Cơ quan này cho biết đang xem xét toàn diện tác động của việc bãi bỏ quy định trên đối với công tác kiểm dịch trong nước thông qua tham vấn các chuyên gia và các bộ/ngành liên quan.

Hiện tại, Hàn Quốc yêu cầu xuất trình kết quả xét nghiệm COVID-19 âm tính trong vòng 48 giờ đối với xét nghiệm PCR hoặc trong vòng 24 giờ đối với xét nghiệm kháng nguyên nhanh trước khi nhập cảnh. Sau đó, tất cả du khách đều được yêu cầu làm xét nghiệm PCR trong vòng 24 giờ sau khi nhập cảnh.


Ngày 30/8, Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản cho biết tỷ lệ việc làm sẵn có ở nước này trong tháng 7 tăng 0,02 điểm so với tháng 6, lên 1,29 điểm. Điều này đồng nghĩa 129 việc làm đang sẵn có cho 100 người tìm việc. Theo các chuyên gia, nguyên nhân chủ yếu khiến tỷ lệ thất nghiệp không đổi bất chấp dịch COVID-19 tái bùng phát ở Nhật Bản là do Chính phủ nước này không áp dụng bất cứ biện pháp quyết liệt nào, cho dù số ca nhiễm mới ở nước này liên tục ở trên ngưỡng 200.000 ca/ngày. Điều này giúp các hoạt động kinh tế - xã hội vẫn diễn ra bình thường.

Thông báo của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản cho biết, trong ngày 29/8, nước này ghi nhận 95.919 ca nhiễm mới và 233 ca tử vong vì dịch COVID-19. Đây là lần đầu tiên số ca nhiễm mới ở nước này ở dưới ngưỡng 100.000 ca/ngày trong vòng 41 ngày qua. Tuy nhiên, đên ngày 30/8, Nhật Bản lại có thêm 125.907 ca mắc mới và 248 người thiệt mạng.

Ngày 30/8, Nhật Bản có thêm 125.907 ca mắc mới. (Ảnh: AP)


Chính quyền thành phố Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc đã đóng cửa trung tâm bán linh kiện, thiết bị điện tử được xem là lớn nhất thế giới để ngăn chặn dịch bệnh này bùng phát. Qua xét nghiệm định kỳ, trung tâm này đã phát hiện 9 ca COVID-19 trong 24 giờ.

Trước mắt, 3 tòa nhà chính của trung tâm với hàng nghìn quầy hàng sẽ đóng cửa tới ngày 2/9. Đây là trung tâm thiết bị điện tử bán buôn khắp Trung Quốc và xuất đi nhiều nước. Trừ các doanh nghiệp thiết yếu như siêu thị, hiệu thuốc, toàn bộ cửa hàng trong khu vực phong tỏa phải đóng cửa. Các quán ăn chỉ được bán hàng mang về. Ngoài ra, 24 ga tàu điện ngầm tại quận Phúc Điền, La Hồ dừng hoạt động. Thành phố Thâm Quyến đang đẩy mạnh xét nghiệm đại trà nhiều khu vực để ngăn chặn nguồn lây.

Thâm Quyến với 18 triệu dân, trung tâm công nghệ hàng đầu của Trung Quốc và châu Á, được xem là mô hình kiểu mẫu trong hài hòa mục tiêu chống dịch theo chiến lược "Zero COVID" và phát triển kinh tế nhờ khống chế nhanh đợt bùng phát hồi tháng 3 vừa qua.

Một loạt thành phố lớn nhất của Trung Quốc vào ngày 30/8 đã áp đặt các biện pháp nghiêm ngặt hơn nhằm kiềm chế dịch COVID-19 lây lan. Cụ thể, một loạt các thành phố lớn từ Thâm Quyến ở khu vực miền Nam đến Thành Đô nằm ở Tây Nam và cảng Đại Liên ở phía Đông Bắc của Trung Quốc đã ban hành nhiều biện pháp phòng dịch, trong đó có lệnh phong tỏa tại một loạt huyện lớn phát hiện ổ dịch COVID-19, đóng cửa nhiều doanh nghiệp và cơ sở sản xuất để ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Với các biện pháp vừa được công bố, nhiều trường học nằm trong khu vực thực hiện lệnh phong tỏa sẽ phải lùi thời gian khai giảng năm học mới.


Báo Khmer Times ngày 30/8 đưa tin, Siem Reap là tỉnh chịu thiệt hại nặng nề nhất ở Campuchia do dịch COVID-19, trong bối cảnh đại dịch này làm gián đoạn sự phát triển kinh tế toàn cầu. Phó Quốc vụ khanh đồng thời là người phát ngôn Bộ Du lịch Campuchia Top Sopheak cho biết, khoảng 90% cơ sở kinh doanh tại tỉnh Siem Reap, điểm du lịch thu hút nhiều du khách nhất tại Campuchia, đã phải tạm dừng hoạt động hoặc đóng cửa khi đại dịch COVID-19 bùng phát mạnh tại nước này.

Theo số liệu của bộ trên, hiện khoảng 50% cơ sở kinh doanh tại Siem Reap chưa hoạt động trở lại, trong khi các điểm du lịch khác trên toàn đất nước Campuchia đang có dấu hiệu phục hồi. Tính đến nay, vẫn còn khoảng 46% các cơ sở làm dịch vụ liên quan đến du lịch tại Siem Reap như khách sạn, nhà nghỉ, nhà hàng đang đóng cửa. Tính trên cả nước, trong tổng số 739 khách sạn và dịch vụ phòng ở, có 520 cơ sở nối lại hoạt động, còn 190 cơ sở khác vẫn tạm ngừng hoặc đóng cửa. Trong tổng số 2.529 nhà hàng trên toàn đất nước Campuchia có 2.000 nhà hàng đã hoạt động trở lại.

Một số chuyên gia về du lịch của Campuchia cho rằng mặc dù du khách trong nước tăng, nhưng chưa đủ để khuyến khích các cơ sở kinh doanh du lịch tại Campuchia nối lại hoạt động đầy đủ.

Chia sẻ Facebook