Mỹ câu lưu hơn 1000 lô hàng năng lượng mặt trời vì dính líu lao động nô lệ Tân Cương

Chia sẻ Facebook
12/11/2022 01:48:52

Trên 1000 lô hàng năng lượng mặt trời từ Trung Quốc, trị giá hàng trăm triệu đô-la, đang bị câu lưu tại các kho cảng Mỹ quốc kể từ tháng Sáu.

Trên 1000 lô hàng năng lượng mặt trời, trị giá hàng trăm triệu đô-la, đang bị câu lưu tại các kho cảng Mỹ quốc kể từ tháng Sáu đến nay, bởi luật cấm nhập khẩu hàng hóa từ Tân Cương (Trung Quốc) do dính líu tới lao động nô lệ, theo nguồn tin từ quan chức hải quan liên bang và ngành năng lượng.

Ông Biden đang cân nhắc lệnh cấm pin mặt trời từ Tân Cương vì lao động cưỡng bức


Theo Reuters đưa tin hôm 11/11, một quan chức cho hay Hải quan và Bảo vệ Biên giới Hoa Kỳ (CBP) đã giữ tổng cộng 1.053 lô hàng các sản phẩm liên quan năng lượng mặt trời tính từ 21/6 đến 25/10, và cũng khẳng định rằng chưa có lô hàng nào trong đó được giải tỏa.

Từ các nguồn tin khác, hầu hết lô hàng này chủ yếu là các tấm và ô bản polysilicon, có thể có công suất lên tới 1 gigawatt, và chủ yếu là thương phẩm của 3 hãng Trung Quốc — Longi Green Energy Technology Co Ltd, Trina Solar Co Ltd, và JinkoSolar Holding Co.

Nhìn chung, gộp nhập khẩu từ 3 công ty này sẽ chiếm tới 2/3 thị phần tấm bản năng lượng mặt trời ở Mỹ quốc, và khoảng một nửa nguồn cung polysilicon của thế giới là đến từ Tân Cương. Hiện nay 3 công ty này đã ngừng xuất khẩu sang Mỹ vì sợ hàng hóa của họ sẽ lại bị câu lưu.


Mỹ vẫn luôn chỉ trích Trung Quốc về vấn đề nhân quyền tại Tân Cương, nơi Trung Quốc bị cáo buộc là giam giữ hàng triệu người Duy Ngô Nhĩ bất đồng quan điểm, trong đó nhiều người bị cưỡng ép lao động. Hầu hết hàng hóa xuất từ Tân Cương đều dính líu tới vấn nạn lao động nô lệ này. Bộ Ngoại giao Mỹ từng gọi hành vi của Đảng Cộng sản Trung Quốc ở Tân Cương là “tội diệt chủng”.


Trung Quốc vẫn luôn bác bỏ những cáo buộc như vậy, và cũng không thừa nhận hiện đang tồn tại các trại giam cũng như hoạt động nô lệ cưỡng bức. Nhưng sau này cũng thừa nhận rằng có tồn tại các “trung tâm dạy nghề” cần thiết để uốn nắn những ai mà họ gọi là các phần tử khủng bố, phần tử ly khai, và phần tử tôn giáo cực đoan ở Tân Cương.

Chính sách cấm nhập khẩu hàng hóa dính líu tới lao động nô lệ, một mặt gây áp lực cho Bắc Kinh về vấn đề nhân quyền, nhưng một mặt khác, cũng gây thách thức đến chủ trương của chính quyền Biden về xóa bỏ carbon hóa trong khí thải để chống biến đổi khí hậu.

Quý III này, việc triển khai điện mặt trời ở Hoa Kỳ đã giảm tốc độ tới 23%, và các dự án tới 23 gigawatt đang bị trì hoãn, chủ yếu là vì thiếu nguồn các bản năng lượng quang điện mà ta quen gọi là pin mặt trời.

Cũng vì lý do nhân quyền, tại EU đã từng có kiến nghị lệnh cấm nhập hàng hóa từ Tân Cương, nhưng không được thông qua.


Thiên Đức (T/h)

Ông Biden đang cân nhắc lệnh cấm pin mặt trời từ Tân Cương vì lao động cưỡng bức

Hiện tại, khoảng một nửa nguồn cung polysilicon của thế giới đến từ Tân Cương, nơi chính phủ Trung Quốc bị cáo buộc đã bắt giữ hàng triệu người Hồi giáo Duy Ngô Nghĩ trong…

Chia sẻ Facebook