Mỹ cấp phép vắc xin đầu tiên trên thế giới dành cho ong mật

Chia sẻ Facebook
05/01/2023 17:58:47

Loại vắc xin đầu tiên trên thế giới dành cho ong mật đã làm dấy lên hy vọng về một phương pháp mới chống lại những căn bệnh tàn phá các đàn ong.


Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) đã cấp giấy phép có điều kiện cho một loại vắc xin do Công ty công nghệ sinh học Dalan Animal Health sản xuất để giúp bảo vệ ong mật khỏi bệnh tật.

Vắc xin này là một bước đột phá trong việc bảo vệ loài ong mật.


Annette Kleiser, Giám đốc điều hành của Dalan Animal Health cho biết : "Vắc xin của chúng tôi là một bước đột phá trong việc bảo vệ loài ong mật. Chúng tôi sẵn sàng thay đổi cách chăm sóc côn trùng, tác động đến quá trình sản xuất lương thực trên quy mô toàn cầu".


Loại vắc xin này ban đầu sẽ được cung cấp cho những người nuôi ong thương mại, nhằm hạn chế căn bệnh thối ấu trùng châu Mỹ do vi khuẩn Paenibacillus larvae gây ra, có thể làm suy yếu và giết chết tổ ong. Hiện nay, chưa có cách chữa trị căn bệnh này, do đó, khi đàn ong mắc bệnh, những người nuôi ong phải đốt tổ ong và sử dụng thuốc kháng sinh để ngăn chặn sự lây lan.


Keith Delaplane, nhà côn trùng học tại Đại học Georgia (Mỹ), người đã hợp tác với Dalan để phát triển vắc xin, cho biết: "Đó là điều mà những người nuôi ong có thể dễ dàng nhận ra vì căn bệnh này sẽ biến ấu trùng thành màu hơi đục, không còn nếp nhăn và thối rữa".


Vắc xin hoạt động bằng cách kết hợp một số vi khuẩn trong sữa ong chúa do ong thợ tiết ra để nuôi ong chúa và ấu trùng ong chúa. Ấu trùng ong chúa sau đó có khả năng miễn dịch với vi khuẩn Paenibacillus khi chúng nở ra. Các nghiên cứu của Dalan cho thấy, cơ chế hoạt động này của vắc xin sẽ làm giảm tỷ lệ tử vong do bệnh thối ấu trùng châu Mỹ.

Công ty Dalan Animal Health cho biết, với bước đột phá này, họ có thể tìm ra vắc xin ngừa các bệnh khác trên loài ong.

Nhiều loài ong hoang dã đang suy giảm đáng báo động, do mất môi trường sống, ảnh hưởng do con người sử dụng thuốc trừ sâu và khủng hoảng khí hậu. Điều này làm dấy lên lo ngại về cuộc khủng hoảng toàn cầu về số lượng côn trùng, đe dọa hệ sinh thái, an ninh lương thực và sức khỏe của con người.

Chia sẻ Facebook