Mỹ cách Nga bao xa? Câu trả lời khiến nhiều người giật mình khi hai cường quốc quân sự cách nhau chưa đầy 4km
Mối quan hệ địa chính trị giữa Nga và Mỹ thường được nhìn nhận qua lăng kính địa lý, với việc cả hai quốc gia đều chứng tỏ sức mạnh của mình ảnh hưởng trên nhiều múi giờ ở hai phía đối nhau của Trái đất.
Hai cường quốc hạt nhân lớn nhất thế giới đang chẳng hề hòa thuận bởi những lệnh trừng phạt liên tiếp trong thời gian qua. Tuy nhiên, ở giữa eo biển Bering, có những người Mỹ có thể nhìn thấy nước Nga từ chính ngôi nhà của họ.
Edward Soolook, 55 tuổi, cư dân Diomede, nói với Insider trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại: "Chúng tôi là cửa sau của đất nước - hay cửa trước thì đúng hơn".
Quân đội Nga đóng trên đảo Diomede lớn, nằm cách đó 3,8 km, sẽ hét lên bằng tiếng Anh với bất kỳ tàu thuyền nào đi quá gần bờ biển của họ. Soolook nói rằng quân đội Nga thậm chí còn được biết là có thể bắn cảnh cáo nhưng không thường xuyên. Tuy nhiên, cá nhân ông chưa bao giờ nghe thấy một phát súng cảnh cáo nào cả.
"Chúng tôi an toàn, miễn là chúng tôi ngủ ngon vào ban đêm", Soolook nói với Insider. Ông nói với Insider rằng cuộc sống trên hòn đảo không thay đổi đáng kể dù Nga tiến hành chiến lược quân sự đặc biệt tại Ukraine. "Chúng tôi để tai để mắt, quan sát và lắng nghe động tĩnh."
Thị trấn Diomede ở Alaska, nằm trên đảo Diomede nhỏ, có dân số 83 người, theo điều tra dân số năm 2020.
Đảo Diomede lớn có phong cảnh cằn cỗi tương tự như đảo Diomede nhỏ. Thế nhưng, nơi đây cũng là một căn cứ quân sự nhỏ của Nga và còn có một chiếc máy bay Lisunov Li-2 của Liên Xô bị rơi từ năm 1972.
Diomede lớn "chạy trước" Diomede nhỏ tới 21 giờ đồng hồ, nhưng cả hai hòn đảo đều có tầm nhìn rõ ràng về nhau. Thị trấn của Alaska đối diện trực tiếp với các vách đá của hòn đảo lớn hơn.
Đến chơi Diomede nhỏ chẳng dễ dàng
Hầu hết người Mỹ vẫn chưa biết đến đảo Diomede nhỏ. Nhưng điều đó đã thay đổi một chút trong vài tuần qua.
Du lịch ảo đến đảo Diomede nhỏ vẫn là con đường tốt nhất để đi đến đó. Trừ khi bạn có đặc quyền hoặc chỉ huy được một chiếc thuyền được dùng cho quân đội vào lúc đại dương không bị đóng băng. Nếu không thì chỉ có một cách để đến Diomede chính là dùng trực thăng.
Pathfinder Aviation cung cấp các chuyến trực thăng đến và đi từ Diomede, Nome, trên bờ biển phía tây của Alaska. Các chuyến trực thăng của họ bao gồm các chuyến bay khẩn cấp, mà công ty cho biết hoạt động 24 giờ một ngày. Một đại diện của Pathfinder từ chối bình luận về câu chuyện này.
Bering Air cũng từ chối bình luận về câu chuyện này. Họ đã ngừng các chuyến bay đến Diomede sau khi một cơn bão đã làm vỡ đường băng để hạ cánh vào năm 2018. "Chúng tôi hy vọng sẽ phục vụ trở lại trong tương lai!" công ty cho biết trên trang web của mình.
Theo Tạp chí Alaska, năm 2018 là năm chưa từng có trong lịch sử của những hòn đảo và vẫn còn tiếp diễn kể từ lúc đó.
Opik Okinga, điều phối viên môi trường của Diomede, nói với tạp chí: "Biến đổi khí hậu là có thật, và đòi hỏi người dân chúng tôi phải học cách sống khi xuất hiện những mùa mới, thời tiết, điều kiện băng giá và thậm chí là sự mất đi nền văn hóa của mình. Chẳng bao lâu nữa, chúng tôi sẽ không còn nhìn thấy phong tục, những cách thức để tồn tại mà tổ tiên chúng tôi đã truyền lại."
Trong hơn 3.000 năm, người Ingalikmiut đã sống trên các hòn đảo và các tảng băng xung quanh, chinh phục các điều kiện và bề mặt đá để sinh sống nhờ cá và các nguồn tài nguyên thiên nhiên khác ở eo biển Bering.