Musk - Twitter, màn PR tốn kém hay “trò mèo” thế kỷ?

Chia sẻ Facebook
11/10/2022 09:13:05

Tưởng chừng như là trò đùa, nhưng giờ đây tỷ phú Elon Musk buộc phải mua đứt Twitter nếu không muốn mất oan 1 tỷ USD tiền bồi thường.


Đến bây giờ người ta vẫn chưa biết đích xác tỷ phú Elon Musk định làm gì với mạng xã hội Twitter - sau khi ngả giá 44 tỷ USD, rồi ve vãn với nó suốt nửa năm trời mà không thể có quyết định khép lại thương vụ.

Các luật sư của Twitter đã kiện Musk lên tòa án Delaware đòi bồi thường ít nhất 1 tỷ USD sau khi nền tảng này bị thiệt hại do xáo trộn vì nhiễu loạn thông tin trên thị trường M&A.

Phiên tòa dự kiến mở ngày 17/10 tới, nhưng tỷ phú Mỹ đã hoãn binh cho đến trước 5 giờ chiều ngày 28/10/2022, thanh toán 44 tỷ USD và sở hữu Twitter hoặc hầu tòa.

Một con người đậm đặc khoa học thực nghiệm như Musk, đang cần rất nhiều tiền cho sự tồn tại và phát triển của SpaceX, Tesla chẳng lẽ nào lại theo đuổi dự án phi lợi nhuận đến 44 tỷ USD?

Còn chính bản thân ông ta lại muốn thực hiện sứ mệnh cao cả “bảo vệ quyền tự do ngôn luận” trên hành tinh. Nhưng điều cao cả cuối cùng với một nhà tư bản cỡ bự cũng là lợi nhuận bao nhiêu mà thôi. Vậy, nếu ông ta muốn “chơi” mạng xã hội thì có cần thiết đầu tư khởi nghiệp một khoản vô tiền khoáng hậu như thế?

Các giả thiết ban đầu cho rằng, Elon dùng thương vụ này để đánh bóng tên tuổi, huy động vốn cho các dự án đầy tham vọng trên bầu trời đang bị đình trệ. Bằng cách sở hữu Twitter, Musk có thể sử dụng ảnh hưởng và sự nổi tiếng của mình trên nền tảng này để mang lại lợi ích tài chính cho các công ty khác như Tesla và SpaceX.

Đáng chú ý, Tesla là công ty xe hơi duy nhất trên trái đất không tốn một xu nào cho quảng cáo. Musk, ngoài danh vị tỷ phú giàu nhất thế giới, còn là chuyên gia thượng thặng về Marketing - đã quảng bá công việc làm ăn trên Twitter và các mạng xã hội tương đương.


Giới thạo tin phương Tây cho rằng, trở ngại lớn nhất với Musk chính là tiền, đại ngân hàng Morgan Stanley và một số định chế tài chính khác từng đảm bảo 25,5 tỷ USD, cá nhân tỷ phú tự xoay xở phần còn lại từ sàn tiền ảo Binance và một số nhà đầu tư.

Cổ phiếu Tesla hiện không ở thời kỳ hoàng kim

Nhưng chính sự lừng khừng đã khiến ông chủ Tesla tự mua dây buộc mình. Các ngân hàng hoàn toàn có lý do chính đáng để rút khỏi thỏa thuận cấp vốn cho Musk, do Twitter không còn hấp dẫn như cách đây 6 tháng.

Nhưng như thế không có nghĩa là Musk sẽ “man thiên quá hải” xuôi dòng hủy bỏ hợp đồng mua bán với Twitter mà không phải chi trả ít nhất 1 tỷ USD. Bản thân nhà băng cũng cân nhắc giữa rủi ro của việc tham gia vào thoả thuận này với rủi ro của việc mất mối quan hệ với Musk nếu làm phật lòng người sở hữu tổng tài sản 219 tỷ USD!

Vì những lý do đó, Musk nhiều khả năng phải hoàn tất thương vụ sau khi bán bớt cổ phiếu Testa sau ngày 19/10, khi đã công bố báo cáo kết quả kinh doanh quý 3/2022. Cổ phiếu của nhà sản xuất xe điện tại Mỹ hiện đang giảm khoảng 32% so với lúc đỉnh cao.

Ông Kevin O’Leary, một Shark Tank đình đám ở Mỹ nói rằng: “đề nghị mua lại Twitter trị giá 44 tỷ đô la Mỹ của Musk sẽ được thực hiện - và cuối cùng nó sẽ có lợi cho Musk”.

Chia sẻ Facebook