Muôn vàn cách tiết kiệm điện của châu Âu: Giảm thời gian dùng điện thoại, tắm ít hơn và hạn chế dùng nước nóng

Chia sẻ Facebook
27/09/2022 23:27:29

Người dân châu Âu đang phải sử dụng nước lạnh hơn, các văn phòng hạ nhiệt độ của điều hoà và các cửa hàng phải tắt bớt đèn để tránh quá tải.

Khi Nga cắt giảm dòng chảy khí đốt và thiếu nhà máy điện ở châu Âu, nguồn cung càng hạn chế. Châu lục này có rất ít giải pháp thay thế ngoài việc cắt giảm bớt nhu cầu. Các biện pháp mà EU đề xuất cho đến nay vẫn chưa thực hiện một cách đồng đều, trong khi sự cấp thiết của việc có thêm nguồn cung lại tăng lên khi giá nhiên liệu leo thang.

Một số quốc gia như Đức bị ảnh hưởng nhiều hơn những nơi khác, khi có gần 1 nửa số ngôi nhà phải dùng khí đốt để sưởi ấm. Trong bối cảnh đó, EU đang tìm cách để cùng nhau nỗ lực. Các quốc gia thành viên đã đặt mục tiêu cắt giảm 15% việc sử dụng khí đốt trong suốt mùa đông này nếu Nga khoá van.

Dưới đây là một số cách mà các nước châu Âu áp dụng để hạn chế sử dụng năng lượng:

Thủ tướng Đức Olaf Scholz trong tuần này đã thông qua một loạt các biện pháp nhằm giúp cắt giảm lượng tiêu thụ khí đốt xuống 1/5 trong mùa thu và mùa đông năm nay.

Các biện pháp được thực hiện trên toàn quốc bao gồm: Cấm sử dụng nước nóng trong các bể bơi tư nhân; tắt hệ thống sưởi ở một số khu vực tỏng các toà nhà công cộng; cấm bật các thiết bị chiếu sáng bên ngoài ở các toà nhà và tượng đài; tăng hiệu quả sử dụng năng lượng trong các toà nhà công cộng và tư nhân.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã đặt mục tiêu giảm 10% mức tiêu thụ năng lượng vào năm 2024 so với năm 2019. Tháng trước, chính quyền của ông đã thành lập một nhóm theo dõi các hoạt động của chính phủ, bất động sản, công nghệ, viễn thông, trung tâm mua sắm và các địa điểm công cộng khác. Mục tiêu là sẽ đưa ra đề xuất cụ thể vào cuối tháng 9.

Cho đến nay, các quan chức đã đưa ra một số sáng kiến. Ví dụ, đến tháng 10, các chuỗi siêu thị của Pháp sẽ tắt các biển hiệu sau khi đóng cửa, các cửa hàng bán lẻ sẽ giảm cường độ ánh sáng 30% và hạ nhiệt độ xuống 17 độ C trong các giờ mua sắm cao điểm khi có yêu cầu từ chính phủ.

Bộ Tài chính của quốc gia này là cơ quan đi tiên phong trong sáng kiến. Cơ quan này cho biết họ sẽ chỉ bật hệ thống sưởi khi nhiệt độ phòng giảm xuống dưới 19 độ C và không bật hệ thống làm mát trừ khi nhiệt độ vượt 26 độ C.

Một kế hoạch mới nhằm giảm lượng tiêu thụ năng lượng của Ý có thể được thông qua vào cuộc họp nội các trong đầu tuần sau.

Theo truyền thông nước này, kế hoạch tiết kiệm điện có thể bao gồm: Hạ nhiệt độ và giảm thời gian sưởi ấm trong nhà, văn phòng vào mùa đông; giảm lượng ánh sáng nơi công cộng và cửa hàng vào ban đêm; vận hành các nhà máy than để giảm lượng khí đốt sử dụng cho sản xuất điện.

Ngoài ra, việc tạm dừng hoạt động của các nhà máy có thể nằm trong kế hoạch. Song, một số ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng đã cắt giảm hoạt động do chi phí tăng cao.


Tây Ban Nha

Các nhà lập pháp Tây Ban Nha đã thông qua các quy tắc được đưa ra bằng sắc lệnh hồi đầu tháng 8 để giảm mức tiêu thụ năng lượng.

Các quy tắc mới bao gồm: các toà nhà công cộng và hều hết các cơ sở kinh doanh, sân bay và ga tàu chỉ bật điều hoà ở mức 27 độ C; chỉ bật hệ thống sưởi khi nhiệt độ dưới 19 độ C vào mùa đông, các trường hợp ngoại lệ gồm khách sạn, bếp nhà hàng, tiệm làm tóc, phòng gym, trường học và bệnh viện; ngừng chiếu sáng ở các tượng đài; các cửa hàng phải đóng cửa khi bật hệ thống làm mát hoặc sưởi.


Thuỵ Sĩ

Thuỵ Sĩ sẽ yêu cầu, nhưng không bắt buộc, các hộ gia đình và doanh nghiệp phải cắt giảm sử dụng 15% khí đốt từ tháng 10 đến tháng 3, bằng những cách như hạ nhiệt độ sưởi ấm trong nhà.

Nếu không hiệu quả, chính phủ nước này sẽ tham khảo thêm ý kiến về các biện pháp bắt buộc, bao gồm: yêu cầu các nhà máy công nghiệp đốt khí chuyển sang sử dụng dầu và cắt giảm nguồn cung cho khu vực công. Các hộ gia đình hiện chưa phải giảm lượng sử dụng điện.


Phần Lan

Chính phủ của Thủ tướng Minister Sanna Marin đã công bố một chiến dịch kêu gọi người tiêu dùng, hộ gia đình và các doanh nghiệp giảm sử dụng điện, nhắm mục tiêu 75% người dân tham gia.

Chiến dịch này sẽ bắt đầu vào tháng 10, bao gồm các đề xuất: giảm nhiệt độ trong nhà; tăng cường sử dụng phương tiện công cộng và lái xe với tốc độ chậm hơn; tắm trong thời gian ngắn hơn; giảm thời gian sử dụng các thiết bị kỹ thuật số.


Thuỵ Điển

Chính phủ của Thủ tướng Magdalena Andersson dự kiến sẽ sử dụng khoảng 5,8 tỷ USD để hỗ trợ các hộ gia đình và doanh nghiệp.

Cơ quan Năng lượng nước này cũng đưa ra một số giải pháp giúp các gia đình giảm tiêu thụ năng lượng: chính phủ sẽ giảm thuế và các chi phí lao động liên quan cho các ngôi nhà áp mái và mặt tiền; chuyển sang sử dụng vòi nước; niêm phong, cải tạo hoặc thay thế cửa sổ, cửa ra vào; sử dụng thêm hệ thống bơm nhiệt.


Đan Mạch

Chính quyền của Thủ tướng Mette Frederiksen chưa đặt ra các mục tiêu cụ thể, nhưng một số giới chức đã đưa ra đề xuất bao gồm: giảm tắm nước nóng từ 15 phút xuống 5 phút, giúp các gia đình tiết kiệm khoảng 700 USD/năm; sử dụng dây phơi quần áo thay cho máy sấy, giúp tiết kiệm khoảng 350 USD/năm, sử dụng các thiết bị như máy rửa bát vào ban đêm để tận dụng điện giá thấp hơn.


Tham khảo Bloomberg

Chia sẻ Facebook