Muốn tủ sách to hơn tủ lạnh
Làm sao để mỗi nhà, mỗi người đều mong muốn "có tủ sách to hơn tủ lạnh" chứ không chỉ là ước muốn riêng của một người.
"Mong muốn rất lớn của tôi là mọi gia đình đều có tủ sách to hơn tủ lạnh!" - ông Nguyễn Mạnh Hùng (Công ty sách Thái Hà) khi tham gia các tọa đàm, giao lưu tại các hội sách đều nói lên nỗi khát khao thi vị đó, kêu gọi mọi người tôn vinh cầu nối mang đến tri thức, kiến văn như sách.
Những ngày này, khắp các tỉnh thành trên cả nước đang diễn ra các hoạt động nhân Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam lần thứ nhất (năm 2022) trong cao điểm hai tuần lễ cuối tháng 4-2022 với chủ đề "Chấn hưng văn hóa và phát triển văn hóa đọc" do Bộ VH-TT&DL phát động.
Lần đầu tiên chúng ta có Ngày sách và văn hóa đọc, được Chính phủ phê duyệt - một cột mốc quan trọng được giới xuất bản, phát hành ấn phẩm và cộng đồng những người yêu sách cả nước hưởng ứng mạnh mẽ.
Trong không khí đó, chúng ta một lần nữa lại không khỏi trăn trở kiếm tìm giải pháp nâng cao văn hóa đọc, thói quen đọc sách của người Việt, đặc biệt là người trẻ.
Tại một hội thảo trực tuyến mới đây, ông Lê Hoàng - phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam - dẫn chứng số liệu trong 5 năm 2014 - 2019 để đánh giá rằng "tốc độ tăng trưởng của thị trường sách Việt Nam rất chậm (số bản sách được in tăng 19%, số lượng sách phát hành chỉ tăng 16%), doanh thu cũng rất thấp và quá nhỏ bé so với các thị trường hàng hóa khác, càng nhỏ bé so với thị trường sách của các nước (năm 2021, doanh thu ngành xuất bản là 2.996 tỉ đồng, phát hành là 2.900 tỉ đồng). Sức đọc của người dân còn rất thấp nếu so với các nước trong khu vực".
Song nhìn từ khía cạnh tích cực, như vậy có thể thấy rõ tiềm năng phát triển của thị trường sách Việt Nam với hơn 90 triệu dân là rất lớn, đòi hỏi cấp thiết phải phát triển văn hóa đọc cộng đồng, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ngành xuất bản và xây dựng thói quen đọc sách ở Việt Nam.
Cộng đồng đang chung tay thắp lửa cho văn hóa đọc với nhiều hình thức, giải pháp sáng tạo, phù hợp thực tiễn: từ việc xây dựng tủ sách gia đình đến đưa tiết học đọc sách vào chính thức trong trường học, những thầy cô dắt cả lớp học sinh đi hội sách, đường sách như một hoạt động ngoại khóa sinh động; hoặc đáng quý nữa là mang sách đến tận những vùng sâu, vùng xa; hay những hóa đơn mua sách ngày một nhiều hơn; những đột phá mới từ giới xuất bản, phát hành sách trong thời đại số...
Nhưng như vậy cũng chưa đủ, khi mà những con số cụ thể như đã nêu ở trên vẫn còn thấp, đặc biệt là việc tiếp thu tri thức từ sách đứng trước nguy cơ mai một và "lép vế" rất lớn bởi sự lấn át từ các phương tiện nghe nhìn, giải trí hiện đại khác. Sự phát triển văn hóa đọc hôm nay rõ ràng cần nhiều hành động thiết thực hơn nữa. Đó không chỉ là một ngày hay một tuần mà là chuyện của mỗi ngày, mỗi nhà và mỗi người.
Từ việc chúng ta có Ngày sách và văn hóa đọc là cột mốc, các ngành và các địa phương còn nhiều việc phải làm. Từ việc thắp lửa lan tỏa văn hóa đọc để nâng cao phong trào đọc sách hiện nay, các tỉnh thành cả nước có thể hướng tới xây dựng nhiều "đô thị học tập", đáp ứng nhu cầu nâng cao dân trí thông qua đọc sách của người dân. Làm sao để mỗi nhà, mỗi người đều mong muốn "có tủ sách to hơn tủ lạnh" chứ không chỉ là ước muốn riêng của ông Nguyễn Mạnh Hùng.
Toàn tuyến đường đi bộ Nguyễn Huệ (quận 1, TP.HCM) vừa chứng kiến những giây phút tưng bừng chào mừng Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam lần thứ nhất năm 2022 khai mạc tối 19-4, và sẽ kéo dài đến hết ngày 24-4.