Muốn tiến trình chuyển đổi số quốc gia đi nhanh và đúng hướng, rất cần sự đồng hành của các bên!

Chia sẻ Facebook
05/07/2023 12:27:49

VietTimes – Ông Lê Nguyễn Trường Giang cho rằng việc đồng hành này không phải là mù quáng, không có phản biện và tranh đấu, độc đoán hay duy ý chí, mà cần có cơ chế để các bên cùng góp tiếng nói, công sức vào công cuộc chung.

Ông Lê Nguyễn Trường Giang chia sẻ về đề tài chuyển đổi số tại Diễn đàn thúc đẩy tiến trình Chuyển đổi số quốc gia


Thông tin được đưa ra tại Diễn đàn Thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số quốc gia với chủ đề “Kiến tạo giá trị từ Chiến lược Dữ liệu trong bối cảnh AI” vừa diễn ra sáng nay (5/7/2023). Diễn đàn do Hội Truyền thông số Việt Nam tổ chức, với sự chỉ đạo của Bộ Thông tin và Truyền thông, Trung tâm Thông tin Truyền thông số tổ chức thực hiện.

Diễn đàn bao gồm các nội dung tham luận chất lượng từ các chuyên gia, doanh nghiệp đầu ngành nhằm góp ý, hiến kế để thúc đẩy tiến trình Chuyển đổi số Quốc gia, đặc biệt về vấn đề chiến lược dữ liệu, tư duy dữ liệu trong việc kiến tạo giá trị sản phẩm.


Trong tham luận Thúc đẩy tiến trình Chuyển đổi số Quốc gia – Thực trạng và giải pháp, ông Lê Nguyễn Trường Giang - Viện trưởng Viện Chiến lược Chuyển đổi số khẳng định Chương trình chuyển đổi số quốc gia để triển khai cụ thể Nghị quyết 52-NQ/TW ngày 27/09/2019 của Bộ Chính trị về Chủ động tham gia cuộc cách mạng lần thứ tư, trong đó, chuyển đổi số là một phương tiện chủ đạo, là một chủ trương đúng đắn, tiên phong và cách mạng.

Nói lên góc nhìn của các chuyên gia, doanh nghiệp doanh nghiệp đầu ngành tham gia Diễn đàn, ông Giang bày tỏ, những nỗ lực và thành tựu của Chính phủ nói chung và Bộ Thông tin và Truyền thông nói riêng trong những năm qua trong công tác chuyển đổi số là đáng ghi nhận trong một bối cảnh hiện thực còn nhiều những hạn chế, những rào cản, khó khăn và thách thức.

Tuy nhiên, để tiến trình chuyển đổi số quốc gia đi nhanh, đúng hướng, góp phần giải quyết được những vấn đề thì cần phải cố gắng tập hợp các bên liên quan cùng đồng hành. Cùng đồng hành, đồng thuận không có nghĩa là mù quáng, không có nghĩa là không có phản biện, không có tranh đấu, là độc quyền, là độc đoán, là duy ý chí, mà cần có một cơ chế, một cơ sở để các bên đều có thể góp nên tiếng nói, góp công sức vào công cuộc chung của cả dân tộc.

Ông Lê Nguyễn Trường Giang nói rằng muốn chuyển đổi số nhanh, đúng hướng thì phải có sự đồng hành của các bên

Chuyển đổi số không phải là câu chuyện của riêng một đơn vị nào, chuyển đổi số là câu chuyện chung và nó chỉ trở thành chung khi chúng ta làm cho nó có những động lực để mọi người cùng chung sức, chứ không phải những mệnh lệnh hành chính, những chỉ thị, những tư lợi, những độc đoán từ một vài đơn vị nào đó áp đặt lên tất cả. Muốn làm tốt, cách tốt nhất là mở rộng để tất cả cùng làm, cùng có lợi, cùng thành công.

“Điều quan trọng không phải là tranh luận đúng sai, mọi sự tồn tại đều có lý do hợp lý của nó, do vậy, ở đây, thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số là tìm cách sao cho sự hợp lý của mỗi bên liên quan có được những lý do để hợp lý với các bên liên quan còn lại. Hợp lý trên cơ sở duy trì ‘quyền chủ quyền’ như một vị thế độc tôn là điều chúng ta sẽ bị nghiền nát trong thế giới số. Có thể cản trở, nhưng không thể đảo ngược, không thể dừng lại, thực tiễn sẽ nghiền nát những người cản trở, bởi vì cỗ xe xu thế đang có vị thế tốt nhất để không ai có thể dừng chúng lại” – Viện trưởng Viện Chiến lược Chuyển đổi số nói.

Chúng ta đang khuyến khích những nền tảng mở, dữ liệu mở, khuyến khích nền tảng chia sẻ trong kinh tế, dữ liệu và những cơ hội – thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số, do vậy không phải là kiến tạo nên những cơ chế đóng, định khuôn và những thước đo phụ thuộc bởi một hay một số tổ chức nhất định mà phải tạo ra những cơ chế mở, cách thức mở.

Việc đào tạo về chuyển đổi số cũng vậy, cần hướng tới việc định hình ra những tiêu chí, tiêu chuẩn và những chuẩn mực về chất lượng, tạo điều kiện cho tất cả các bên có năng lực đều có thể tham gia vào tiến trình này, thay vì khuôn định nó trong những môi trường đóng, tạo nên những vùng hạn chế, không huy động được trí tuệ và sức mạnh của tập thể.

Dữ liệu là tài sản quý nhưng không bao giờ có trong báo cáo tài chính doanh nghiệp

Ông Trần Tịnh Minh Triết – Giám đốc Giải pháp SAP Việt Nam cho rằng chuyển đổi số không phải sự lựa chọn mà là con đường bắt buộc. Để chuyển đổi số bắt buộc phải có dữ liệu.

Cho rằng dữ liệu là máu, là oxy đối với sự sống của con người, ông Phạm Vũ Hiệp – Tổng Giám đốc Pama nhấn mạnh, dữ liệu có 2 nguồn: Dữ liệu nội bộ và dữ liệu bên ngoài của doanh nghiệp.

Để xử lý dữ liệu hiệu quả, doanh nghiệp cần biết rõ dữ liệu được sinh ra từ đâu, quá trình vòng đời của nó như thế nào và phân nhóm các dữ liệu thành các nhóm 10 năm, 5 năm hoặc dữ liệu lưu trữ mãi mãi. Khi làm được việc này thì sẽ không có chuyện khối dữ liệu của doanh nghiệp trở thành Data Lake (hồ dữ liệu) hay Data Swan (đầm lầy dữ liệu) - yếu tố kéo chân doanh nghiệp trên hành trình chuyển đổi số.

Dẫn thống kê của MIT, đến 2025 sẽ có 175 Zettabytes data được sinh ra. Nếu mỗi USB là 1 GB, cần có 175 ngàn tỉ USB mới lưu trữ hết được. Lượng USB này có thể xếp vòng quanh 222 lần đường xích đạo. Lượng dữ liệu hiện nay rất khổng lồ.

Từ đó, ông Triết cho rằng, data giờ đây trở thành một loại tư liệu sản xuất. Và 25% giá trị của một công ty phụ thuộc vào dữ liệu của công ty đó và khẳng định: “Dữ liệu là một loại tài sản quý, vô hình mà không bao giờ có trong các báo cáo tài chính của doanh nghiệp. Chúng ta nhiều khi đã quên đi mất loại tài sản này”.

Ông Trần Tịnh Minh Triết nói rằng dữ liệu là một loại tư liệu sản xuất

Cũng theo thống kê của MIT, có 66% CEO cho rằng việc nắm trong tay dữ liệu giúp họ có thể làm việc tốt hơn so với các đối tác và các nhà cung ứng. Các công ty Ấn Độ sử dụng dữ liệu để dữ đoán nhu cầu, từ đó đặt mua trước nguyên liệu sản xuất với giá thấp hơn.

Chỉ ra thực tế chưa nhiều doanh nghiệp Việt Nam sử dụng dữ liệu để dự đoán nhu cầu, Giám đốc Giải pháp SAP Việt Nam gợi ý về cách thức để dữ liệu thực sự mang lại giá trị. “Doanh nghiệp luôn có dữ liệu bên trong, cần tích hợp dữ liệu này với các dữ liệu bên ngoài (extenal data). Doanh nghiệp phải dùng cả 2 loại data đó để đưa ra phân tích, từ đó hỗ trợ việc đưa ra quyết định” ông Triết gợi ý nhưng không quên lưu ý rằng con người vẫn là chủ thể cuối cùng, quyết định mình cần làm gì với những đề xuất, dữ liệu này.

Dữ liệu số là công cụ để giải quyết vấn đề cụ thể, không phải mục tiêu của tổ chức

Cũng nhắc đến việc sử dụng dữ liệu để dự báo trước nhu cầu khách hàng, ông Thái Trí Hùng - Giám đốc công nghệ (CTO) của Ví MoMo khẳng định thực tế tại MoMo rằng chuyển đổi số xuất phát từ con người và data/AI là công cụ để giải quyết vấn đề cụ thể, thay vì được xem là mục tiêu hướng đến của tổ chức.

“Có dữ liệu để nắm bắt nhu cầu khách hàng và thậm chí cần dự báo trước khi khách hàng có nhu cầu” – ông Thái Trí Hùng nói.

Ông Thái Trí Hùng

Theo đại diện MoMo, như các công nghệ khác, công cụ dữ liệu chỉ phù hợp với một số bài toán nhất định, đáp ứng cho tập khách hàng đủ lớn và phổ dụng. Trong đó, số lượng điểm chạm nhiều và trên từng điểm chạm, dữ liệu có thể thu thập được dễ dàng và chính xác. Cùng với đó, kết quả có thể kiểm chứng được bằng dữ liệu.

Đặt ra vấn đề về bánh xe dữ liệu điển hình gồm dữ liệu, khả năng phân tích, sản phẩm, người dùng, đại diện MoMo chỉ ra, bánh xe này quay càng nhanh thì càng thêm dữ liệu, khả năng phân tích càng hiệu quả, sản phẩm càng tốt hơn và càng nhiều người dùng hơn. Như vậy, bánh xe dữ liệu quay càng nhanh thì doanh nghiệp càng thành công.

Nói về những điểm đáng chú ý về xử lý dữ liệu và kinh nghiệm “xương máu” trong quá trình xử lý dữ liệu để vận hành MoMo, ông Hùng cũng lưu ý các doanh nghiệp, các tổ chức đừng kỳ vọng nhiều vào dữ liệu.

Cần đặc biệt chú ý về việc xây dựng các chính sách về an toàn dữ liệu nội bộ

Nói về hệ thống dữ liệu hay mô hình dữ liệu lớn (Big Data), ông Huỳnh Long Thủy – Tổng Giám đốc VieON cho rằng hệ thống bao gồm 3 chức năng chính: Thu thập dữ liệu, phân tích dữ liệu, hệ thống biểu đồ trực quan hoá dữ liệu.

Dữ liệu trong mô hình dữ liệu lớn có dung lượng rất lớn (hàng trăm TB trở lên), tốc độ xử lý theo thời gian thực. Vì vậy để xác định được dữ liệu có giá trị (Value Data) trong hàng triệu triệu dữ liệu là công việc cực kỳ quan trọng.

“Để dễ hình dung về mô hình xử lý dữ liệu, chúng ta có thể hình dung việc các mảnh lego được tháo rời và xếp vào 1 thùng lớn. Nhiệm vụ của công việc xử lý dữ liệu là sắp xếp, thống kê và mô hình hoá lại thành các vật như căn nhà, cái xe và nói lên được thông điệp cho doanh nhân nghe và hiểu được bên trong dữ liệu đang truyền tải điều gì” – ông Huỳnh Long Thuỷ nói.

Đặc biệt, Tổng Giám đốc VieOn nhấn mạnh: “Dữ liệu chỉ thật sự có giá trị với cách thức người ta đọc và sử dụng nó như thế nào”.

Ông Huỳnh Long Thủy

Ông Huỳnh Long Thuỷ cũng đặt ra vấn đề tư duy về an toàn dữ liệu. Một trong yếu tố tiên quyết trong việc khai thác dữ liệu là cần đặc biệt chú ý về việc xây dựng các chính sách về an toàn dữ liệu nội bộ.n khai xây dựng hệ thống dữ liệu đó là bảo mật thông tin dữ liệu và sự tuân thủ các quy định về an toàn thông tin và dữ liệu. Chính vì vậy khi doanh nghiệp bắt đầu triển khai hệ thống dữ liệu lớn (Big Data), cần đặc biệt chú ý về việc xây dựng các chính sách về an toàn dữ liệu nội bộ.


Trong đó, các doanh nghiệp cần triệt để tuân thủ theo Nghị định 13/2023/ND-CP về Bảo vệ dữ liệu cá nhân. Các công ty, doanh nghiệp trước đây đã ban hành các chính sách và triển khai các hoạt động quản lý quyền riêng tư theo quy định chung về bảo mật thông tin (GDPR - General Data Protection Regulation) hoặc theo các quy định về quyền riêng tư khác sẽ không được xem là đã tuân thủ theo Nghị định 13.


Từ thực tế xử lý dữ liệu tại VieOn, ông Thuỷ chỉ ra 7 yếu tố chính cần tuân thủ như Xác định loại dữ liệu cá nhân được xử lý; Xác định căn cứ pháp lý cho việc xử lý dữ liệu cá nhân; Yêu cầu về thông báo xử lý dữ liệu cá nhân; Thông báo về quyền riêng tư sẽ cần bao gồm loại, mục đích và phương pháp xử lý; danh tính của bên xử lý dữ liệu cá nhân hoặc bên thứ ba có liên quan; rủi ro trong quá trình và thời gian xử lý; Thực hiện cơ chế để cá nhân có thể rút lại sự đồng ý; Triển khai hệ thống xử lý yêu cầu của chủ thể dữ liệu; Bảo vệ dữ liệu và thông báo, báo cáo vi phạm quy định về bảo vệ dữ liệu.

6 việc cần làm để đồng lòng chuyển đổi số

Ông Nguyễn Khánh Hưng – CEO Vietnam Network, Viện phó Viện Đổi mới Sáng tạo đề cập về chiến lược truyền thông nội bộ. Theo ông Hưng, chuyển đổi số là một công cụ mạnh mẽ để thúc đẩy đổi mới và tăng trưởng, nhưng việc triển khai thành công đòi hỏi truyền thông nội bộ hiệu quả

Theo ông Hưng, có 6 việc cần làm để truyền thông nội bộ về chuyển đổi số thành công.

Thứ nhất, chia sẻ thông tin và mục tiêu: Mọi người đều hiểu rõ về những gì đang diễn ra và tại sao chuyển đổi số là cần thiết.

Thứ hai, xây dựng lòng tin và cam kết: Nhờ chia sẻ thông tin rõ ràng và minh bạch, nhân viên có thể hiểu và ủng hộ sự thay đổi. Từ đó, họ tham gia tích cực vào quá trình chuyển đổi.

Thứ ba, tạo sự hiểu biết và đồng nhất: Cùng một hiểu biết và kiến thức về chuyển đổi số, loại bỏ sự bất đồng quan điểm và hiểu lầm, từ đó tạo ra môi trường làm việc đồng đều và đồng nhất.

Thứ tư, giao tiếp hiệu quả: Cung cấp các kênh giao tiếp hiệu quả để trao đổi thông tin, đảm bảo rằng mọi người đều có cùng một tầm nhìn và sẵn lòng hỗ trợ nhau trong quá trình chuyển đổi.

Thứ năm, đổi mới và sáng tạo: Bằng cách chia sẻ những ý tưởng mới và thành công liên quan đến chuyển đổi số, khuyến khích nhân viên tham gia đóng góp ý kiến và đề xuất các giải pháp tiến bộ.

Thứ sáu, đánh giá và phản hồi: Nhờ đánh giá tiến trình và nhận phản hồi từ nhân viên, tổ chức nắm bắt được những khía cạnh cần cải thiện và điều chỉnh chiến lược chuyển đổi số một cách linh hoạt.

Những việc này tạo lòng tin và cam kết của nhân viên đối với quá trình chuyển đổi số, tăng cường hiểu biết và nhận thức về chuyển đổi số và đặc biệt là khuyến khích và động viên nhân viên tham gia tích cực và sử dụng công nghệ số trong công việc hàng ngày./.

Chia sẻ Facebook