Muốn năng suất gấp 10 lần, hãy ‘vui chơi’ với công việc như trong game theo cách này

Chia sẻ Facebook
01/11/2022 11:34:20

Áp dụng 5 thuộc tính này của game để giúp bộ não liên tục tiết ra ‘hormone hạnh phúc’.


Game – trò chơi điện tử - có tính ‘gây nghiện’ cao nhờ một số thuộc tính đặc biệt. Các game thường được thiết kế để bộ não chúng ta liên tục tiết ra dopamine, một chất truyền dẫn thần kinh được mệnh danh là ‘hormone hạnh phúc’ khiến chúng ta có động lực để lặp lại một hành vi nào đó. Vậy tại sao ta không bắt chước các tính chất gây nghiện của game để áp dụng vào công việc và cuộc sống để tăng năng suất nhỉ?


1. Nhắm mục tiêu lớn, nhưng làm mục tiêu nhỏ

Chia nhỏ mục tiêu thành từng chặng


Trước hết, bạn phải đặt cho mình một mục tiêu rõ ràng. Điều này thì nghe quá quen tai! Bất cứ lời khuyên thành công nào cũng nói vậy. Đơn giản thôi, bởi vì... nó đúng! Nếu không biết mình đang muốn đi đến đâu, thì mọi nỗ lực đều trở nên lòng vòng và vô nghĩa.


Mỗi tựa game đều có mục tiêu cuối cùng, ví dụ như đánh boss cuối, cứu công chúa, vân vân. Trong cuộc sống, đó có thể là thắng một cuộc chạy đua marathon, vươn lên một vị trí trong công việc hay xuất bản một cuốn sách.


Nhưng trong game, bạn hầu như quên béng mất cái đích cuối cùng vì trên chặng đường luôn có nhiều mục tiêu nhỏ bày ra: giúp vua tìm lại rương vàng bị mất, hay giúp phù thủy luyện thần dược. Dù nhỏ lẻ đến mấy, ta vẫn có cảm giác thành công mỗi khi hoàn thành các nhiệm vụ này và cảm thấy hào hứng để làm nhiệm vụ tiếp theo. Nếu bạn muốn viết một cuốn sách, hãy chia nhỏ mục tiêu ra thành:


- Lên dàn ý cuốn sách.


- Viết 1000 từ đầu tiên.


- Biên tập một trang.


Dopamine tiết ra ở mỗi chặng sẽ giúp bạn đi đến cuối hành trình.


2. Phải nhìn ra được tiến bộ, càng rõ càng tốt!


Game hấp dẫn hơn đi tập gym ở chỗ, nó giúp bạn nhìn thấy ngay kết quả khi thanh tiến trình được lấp đầy mỗi lúc một rõ ràng. Thay vì nói một câu gây ‘tụt cả hứng’ rằng:


‘Bạn đã hoàn thành 0.7% chặng đường lên level 100!’


Thì game nói:


‘Bạn đã hoàn thành 70% chặng đường lên level 2!’


Không những vậy, game còn trở nên hấp dẫn hơn khi cho hiện nhiều thanh tiến trình cùng một lúc. Một nhiệm vụ có thể thỏa mãn tận ba mục tiêu, ví dụ như: ‘Hoàn thành nhiệm vụ hàng ngày’, ‘Kỹ năng chiến đâu thăng lên cấp 2’, ‘Thu thập được 3/10 mảnh áo giáp’ .

Trong game, một nhiệm vụ thỏa mãn được nhiều mục tiêu khiến ta hứng thú


Ứng dụng vào đời thực, bạn có thể ghi chép lại tất cả những việc đã làm trong ngày và đọc lại để thấy mình đã tiến bộ thế nào. Nếu bạn viết được 500 từ cho cuốn sách, chạy được 2 cây số, ngồi học ngoại ngữ được 45 phút, tiết kiệm được 100.000 đồng, hãy cứ ghi hết lại!

3. Tự thưởng, nhưng đừng tự kéo mình về vạch xuất phát


Trong game, bạn xong nhiệm vụ đến đâu thì được thưởng liền tới đấy. Nếu không được thưởng thì còn ai mất công đi giết rồng, cứu công chúa làm gì cơ chứ? Thưởng là hình thức cổ vũ hiệu quả nhất trong cuộc sống hàng ngày. Nhưng chọn phần thưởng lại là một điều nhiều người dễ mắc sai lầm.


Trong game, phần thưởng luôn nhằm hỗ trợ cho người chơi. Sau khi hạ gục một đối thủ, bạn được thưởng một thanh kiếm cao cấp hơn để bạn có thể xử lý những đối thủ mạnh hơn sau này.

‘Tự thưởng’ trà sữa sau một tuần sống lành mạnh là một điều sai lầm


Còn trong đời thực, nhiều người mắc sai lầm như sau: sau một tuần ăn uống lành mạnh và đi tập gym, chạy bộ hàng ngày, họ lại tự thưởng cho mình một ly trà sữa ‘full-topping’ và nằm ườn trên ghế không làm gì cả. Phần thưởng kiểu này làm hỏng hết mọi tiến bộ ta vừa đạt được, kéo tụt lại mọi nỗ lực ta vừa trải qua, không khác gì bị phạt phải chơi lại từ đầu trong game. Thay vào đó, sau một thời gian chạy bộ, bạn có thể tự thưởng cho mình một đôi giày chạy tốt hơn, một tấm thảm tập bền hơn để càng củng cố thêm thói quen tốt.


4. Thi thoảng, hãy thêm thắt điều gì đó mới mẻ

Game luôn chứa đựng yếu tố bất ngờ, mới mẻ


Các tựa game hay luôn chứa các yếu tố bất ngờ, ví dụ như mở khóa được bản đồ, nhận được trang phục mới, nhận nhiệm vụ mới. Chơi game mà cứ phải lặp đi lặp lại một nhiệm vụ thì chán lắm!


Trong công việc cũng vậy. Sau một năm, mọi thứ trở nên nhàm chán vì cái gì bạn cũng quen và biết hết rồi. Lúc này, hãy ‘mở khóa bản đồ game’ bằng cách thử hỏi sếp xem có dự án nào khác bạn có thể tham gia, làm thử hay không. Nếu bạn là lãnh đạo, có thể cân nhắc các hoạt động trao đổi công việc giữa các phòng ban khác nhau để nhân viên có thêm trải nghiệm.


Nếu không, bạn có thể làm mới công việc của mình trong phạm vi có thể, ví dụ như nói chuyện nhiều hơn với một đồng nghiệp ngày thường vốn không thân lắm, bày biện bàn làm việc theo kiểu khác, đi ăn trưa ở quán mới. Không nhất thiết phải là một sự thay đổi lớn lao hay lâu dài, thi thoảng có gì đó mới lạ là được.


5. Điều chỉnh thử thách: dễ thì phải làm cho khó lên!


Độ khó thử thách phải phù hợp với trình độ hiện tại của bạn, không thì bạn sẽ chán hoặc nản rất nhanh. Game lúc nào cũng được thiết kế để đi từ dễ lên khó giúp bạn không bỏ cuộc giữa chừng. Cuộc sống thực thì lại không được hoàn hảo như vậy, hiếm khi ta gặp được một thử thách hoàn toàn vừa sức.


Nếu thử thách ấy quá khó, thì hãy khởi đầu chậm rãi bằng cách chia nhỏ nó thành các mục tiêu nằm trong tầm xử lý của mình. Và trong cách mẩu nhỏ đó, hãy làm những công việc dễ trước để có đà để đi lên.

Đôi khi, ‘deadline’ lại là người bạn hữu ích


Còn nếu công việc ấy quá dễ thì hãy tăng độ khó lên, ví dụ như tự đặt thêm deadline. Bình thường bạn làm bản báo cáo nhàm chán và dễ ợt đó trong vòng một tiếng, hãy thử thách bản thân làm trong nửa tiếng xem. Áp lực thời gian sẽ khiến nó thú vị hơn nhiều!


Kết hợp cả năm phương pháp trên, hẳn bạn sẽ kiểm soát tốt hơn động lực và năng suất của mình để tiến tới mục tiêu cuối cùng vào một ngày không xa!


Tham khảo từ: Better Than Yesterday


Thùy An

Chia sẻ Facebook