Muốn gia nhập EU, Serbia phải làm 2 điều này

Chia sẻ Facebook
23/05/2023 15:56:55

Serbia đã bị đặt vào một tình thế khó khăn về chính trị kể từ khi đồng minh truyền thống của nước này là Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine.


Việc duy trì quan hệ chặt chẽ với Nga sẽ làm tổn hại đến cơ hội gia nhập Liên minh châu Âu (EU) của Serbia, Đại diện cấp cao của EU về chính sách an ninh và đối ngoại Josep Borrell cho biết khi phát biểu tại Brussels hôm 22/5. Ông Borrell cũng kêu gọi Belgrade tham gia các biện pháp trừng phạt của EU đối với Nga.


Tiếp đón các nhà ngoại giao hàng đầu của Albania và 4 nước cộng hòa Nam Tư cũ – Serbia, Montenegro, Bosnia-Herzegovina và Bắc Macedonia – và khu vực ly khai Kosovo , ông Borrell kêu gọi các ứng viên Tây Balkan noi gương Ukraine về đạt được “tiến bộ nhanh chóng” trong việc gia nhập EU.

“Chúng tôi đã thảo luận về ảnh hưởng của Nga trong khu vực, vốn đang cố gắng làm chệch hướng lộ trình châu Âu của các ứng cử viên Tây Balkan”, ông Borrell nói. “Chúng tôi hoan nghênh những lựa chọn chiến lược và dũng cảm của một số ứng viên trong số họ, những ứng viên hoàn toàn phù hợp với chính sách đối ngoại và các biện pháp trừng phạt của chúng tôi”.

Trong khi Albania, Montenegro và Bắc Macedonia đã tham gia các lệnh cấm vận của khối, Bosnia-Herzegovina và Serbia thì không.

Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) bắt tay Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic tại Sochi, Nga, ngày 25/11/2021. Ảnh: Sputnik

Nói riêng về Serbia, ông Borrell tiết lộ rằng ông đã cảnh báo Ngoại trưởng Serbia Ivica Dacic rằng, việc duy trì quan hệ chặt chẽ với Nga không tương thích với quá trình gia nhập EU của Belgrade, và nó cũng gây tổn hại đến lợi ích quốc gia của chính họ.

Nhà ngoại giao hàng đầu EU cũng cho biết, việc Serbia có được trở thành thành viên EU hay không phụ thuộc vào 2 yếu tố: Trừng phạt Nga và “bình thường hóa quan hệ” với Kosovo, mặc dù chính đất nước của ông Borrell, Tây Ban Nha, nằm trong số 5 quốc gia thành viên EU không công nhận khu vực ly khai này.

Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic đã chỉ ra sự khác biệt giữa việc EU khăng khăng đòi toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine và sự coi thường rõ ràng của khối này đối với điều tương tự ở Serbia, khi biện minh cho chính sách của ông là không tham gia các biện pháp trừng phạt chống lại Moscow.

Đầu tháng này, nhà lãnh đạo Serbia lưu ý rằng các biện pháp trừng phạt là điều duy nhất mà bất kỳ chính trị gia phương Tây nào đến thăm Belgrade đều muốn nói đến.

Bên cạnh các mối quan hệ chặt chẽ về văn hóa và tôn giáo, Belgrade cũng phụ thuộc nặng nề vào Moscow về năng lượng khi công ty duy nhất nhập khẩu và sản xuất dầu ở Serbia, Oil Industry of Serbia (NIS), thuộc sở hữu đa số của 2 công ty năng lượng Nga.

Những người theo chủ nghĩa dân tộc Serbia và các nhà hoạt động thân Nga tập trung tại Belgrade, yêu cầu chấm dứt quá trình bình thường hóa với Kosovo, ngày 15/2/2023. Ảnh: Getty Images

Serbia đã bỏ phiếu ủng hộ một nghị quyết của Liên Hợp Quốc (LHQ) lên án chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine vào tháng 3/2022, và vào tháng 4/2022 đã bỏ phiếu loại Nga khỏi Hội đồng Nhân quyền LHQ (UNHRC). Serbia cũng đã bỏ phiếu vào tháng 10/2022 ủng hộ Nghị quyết của Đại hội đồng LHQ (UNGA) lên án việc Nga sáp nhập 4 khu vực ly khai Ukraine.

Nhưng bất chấp áp lực từ EU và Mỹ, Serbia cho đến nay vẫn từ chối tham gia các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Nga.

Nghị viện châu Âu (EP) gần đây đã thông qua một báo cáo về Serbia, trong đó đổ lỗi cho sự lao dốc về tỉ lệ ủng hộ của người dân đối với việc gia nhập EU là do sự hiện diện của các phương tiện truyền thông Nga. Nếu chính phủ của Tổng thống Vucic tiếp tục ủng hộ “chính trị phản dân chủ”, thì EP cho biết, EU nên “xem xét lại mức độ hỗ trợ tài chính của mình” cho Serbia.


Kosovo đã tuyên bố độc lập khỏi Serbia vào năm 2008, dưới sự hậu thuẫn của Mỹ và phương Tây, nhưng vẫn chưa được cộng đồng quốc tế công nhận rộng rãi và chưa có ghế tại LHQ .


Minh Đức (Theo RT, Balkan Insight)

Chia sẻ Facebook