Muốn có khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thì phải có giáo dục đổi mới sáng tạo
Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh điều này tại ngày hội Khởi nghiệp Quốc gia của học sinh, sinh viên lần thứ IV (SV_STARTUP) vừa diễn ra ngày 26/3.
Muốn có khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thì phải có giáo dục đổi mới sáng tạo
Ngày 26/3 đã diễn ra Ngày hội Khởi nghiệp Quốc gia của học sinh, sinh viên lần thứ IV (SV_STARTUP). Phát biểu tại sự kiện, Thủ tưởng Chính phủ Phạm Minh Chính cho hay, để phong trào khởi nghiệp chuyển sang một giai đoạn mới cao hơn cả về chất và lượng, nhanh chóng đưa Việt Nam trở thành một quốc gia mạnh về khởi nghiệp, Thủ tướng cho rằng, phải coi đây là một nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị chứ không phải là nhiệm vụ của riêng một bộ, ban, ngành, địa phương nào; phải đẩy mạnh truyền thông về đổi mới sáng tạo, khuyến khích tư duy đổi mới sáng tạo, phá vỡ những định kiến, rào cản, lối mòn trong tư duy.
"Chúng ta phải thúc đẩy mạnh mẽ hệ sinh thái khởi nghiệp ngành giáo dục nói chung, nhất là hệ sinh thái khởi nghiệp trong các trường đại học, cao đẳng nói riêng. Nhà trường và các thầy, cô giáo phải là người truyền cảm hứng, truyền lửa để học sinh, sinh viên xác định rõ mục đích của việc học tập, có tinh thần học tập, thay đổi tâm thế khi ra trường. Đồng thời, khuyến khích sinh viên có những sáng kiến, đổi mới sáng tạo, tạo ra những mô hình kinh doanh mới, có những đề tài nghiên cứu ứng dụng có thể thương mại hóa hoặc áp dụng vào thực tế, hình thành các doanh nghiệp khởi nghiệp, tạo ra giá trị cho cộng đồng và cho toàn xã hội", Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ.
Với mong muốn thúc đẩy khởi nghiệp trong học sinh, sinh viên và thế hệ trẻ, Thủ tướng lưu ý cần tiếp tục phát huy truyền thống con người Việt Nam thông minh, cần cù, sáng tạo, bản lĩnh, dám đương đầu với những khó khăn, thử thách để thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Nghiên cứu, phân tích kỹ hơn, rõ hơn, nhìn thẳng vào những mặt mạnh, mặt yếu của người Việt Nam dưới góc độ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo để phát huy những mặt mạnh, mặt tích cực, khắc phục, hóa giải những mặt yếu, mặt hạn chế.
Nhấn mạnh, muốn có khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thì phải có giáo dục đổi mới sáng tạo, Thủ tướng lưu ý, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo phải chú trọng phát triển từ gốc, từ chính kiến thức, kỹ năng, phẩm chất, đạo đức của con người Việt Nam, thế hệ trẻ Việt Nam. Đưa giáo dục về khởi nghiệp sáng tạo vào nhà trường không chỉ ở bậc đại học, sau đại học mà từ các cấp học. Nỗ lực xây dựng một nền giáo dục mở, thực học, thực tài; nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài. Lấy học sinh làm trung tâm, nhà trường là nền tảng, giáo viên là động lực.
"Đổi mới từ cách nghĩ, cách làm đến nội dung, chương trình, phương pháp giảng dạy, truyền đạt kiến thức, truyền cảm hứng, trong đó, lý thuyết phải gắn chặt với thực tiễn, thực hành. Đổi mới mạnh mẽ tư duy từ trang bị kiến thức sang trang bị năng lực, phẩm chất toàn diện; tăng cường các hoạt động hướng nghiệp, tạo môi trường khơi gợi khả năng sáng tạo cho học sinh, sinh viên", Thủ tướng Phạm Minh Chính nói, đồng thời nhấn mạnh, cần tạo môi trường, thu hút nguồn lực thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện thể chế, có các cơ chế, chính sách, chương trình đặc thù hỗ trợ, tạo điều kiện để thanh niên, học sinh, sinh viên, giảng viên tích cực tham gia các hoạt động khởi nghiệp.Thúc đẩy hoạt động thương mại hóa các sản phẩm nghiên cứu khoa học của nhà trường, của giảng viên, của sinh viên.
Ngoài ra, cần tăng cường đầu tư nguồn lực vật chất cho khởi nghiệp (phòng thí nghiệm đạt chuẩn, nguyên liệu để sản xuất thử nghiệm, vốn mồi, hỗ trợ ban đầu cho các dự án khởi nghiệp, thúc đẩy phát triển các doanh nghiệp khởi nguồn, doanh nghiệp khởi nghiệp ngay trong trường đại học). Đẩy mạnh kết nối nhà nước - nhà trường - nhà đầu tư trên cơ sở lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ. Thu hút không chỉ từ các nhà đầu tư, quỹ đầu tư chuyên nghiệp, mà còn từ các tập đoàn lớn, tổ chức quốc tế, từ các cá nhân và cộng đồng.
Thủ tướng cũng giao nhiệm vụ cụ thể cho Bộ GDĐT, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ LĐTB&XH, Bộ Khoa học và Công nghệ, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, các địa phương để có giải pháp tổng thể, căn cơ cho thúc đẩy khởi nghiệp trong học sinh, sinh viên
"Xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo không phải là chuyện ngày một, ngày hai, mà là một quá trình lâu dài, đòi hỏi tầm nhìn, giải pháp căn cơ, chiến lược. Mặc dù vậy, các nước đi sau vẫn có thể rút ngắn được quá trình này nếu học hỏi và áp dụng được kinh nghiệm của các nước đi trước. Muốn thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo phải có chính quyền đổi mới sáng tạo, xã hội đổi mới sáng tạo, giáo dục đổi mới sáng tạo, con người đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đối diện với rủi ro vì lợi ích chung" - chia sẻ điều này, Thủ tướng Phạm Minh Chính đồng thời khẳng định sự quan tâm, đầu tư của Đảng, Nhà nước và cá nhân Thủ tướng đến thế hệ trẻ, đến các bạn học sinh, sinh viên.
"Các bạn không chỉ là người chủ tương lai của đất nước, là tiềm năng, là nguồn lực, động lực đưa đất nước ta sánh vai cùng các cường quốc năm châu. Chính phủ sẽ tạo mọi điều kiện để có một môi trường khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thuận lợi nhất. Tôi tin tưởng chắc chắn rằng, bằng sức trẻ, một ngày không xa các bạn sẽ tạo ra những giá trị to lớn cho không chỉ Việt Nam mà cho cả thế giới", Thủ tướng Phạm Minh Chính gửi gắm.
Tích cực bồi đắp ý chí và khát vọng khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên
Tiếp thu, lĩnh hội các ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn khẳng định: Với tâm thế, tinh thần quyết tâm cao, toàn ngành Giáo dục sẽ nỗ lực thực hiện tốt các chỉ đạo của Thủ tướng, thực hiện tốt công cuộc đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo, phát huy tối đa các kết quả của ngày hội khởi nghiệp, giáo dục và đào tạo HSSV nhằm trang bị các kỹ năng cần thiết, tạo nên khát vọng khởi nghiệp và khởi nghiệp thành công, phục vụ cho sự phát triển của đất nước.
Từ góc độ chuyên môn, chức năng nhiệm vụ của giáo dục và đào tạo, Bộ trưởng cho biết: Ngành sẽ thực hiện thật tốt việc trang bị kiến thức, phát triển năng lực, rèn luyện các phẩm chất, kỹ năng cho học sinh từ phổ thông tới đại học để học sinh có được nền tảng căn bản cho khởi nghiệp, sẽ tích cực bồi đắp ý chí và khát vọng cho sinh viên, tăng cường trang bị kỹ năng khởi nghiệp sáng tạo, cùng với các bộ ngành, các doanh nghiệp, thực hiện kết nối nhà trường với doanh nghiệp, tạo lập môi trường tốt nhất cho hoạt động khởi nghiệp của học sinh sinh viên.
"Bộ GDĐT rất mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, sự phối hợp chặt chẽ của các ban, bộ, ngành, cơ quan trung ương và UBND các tỉnh thành phố, các cơ quan truyền thông và các tổ chức, đơn vị liên quan đối với ngành Giáo dục nói chung và các hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo nói riêng", Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chia sẻ.
Nhiều kết quả sau 4 năm thực hiện Đề án "Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp"
SV_STARTUP là sự kiện được tổ chức hàng năm với với mục tiêu thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp của học sinh, sinh viên; giúp HSSV thay đổi tư duy, nhận thức, dám nghĩ, dám làm và có khát vọng lớn để biến ước mơ, ý tưởng thành hiện thực. Tăng cường các hoạt động kết nối, xúc tiến đầu tư đối với các ý tưởng, dự án khởi nghiệp của HSSV có tính khả thi cao. Tôn vinh các cá nhân, tập thể có những ý tưởng sáng tạo, giải pháp kinh doanh mới, phù hợp thực tiễn.
Báo cáo nhìn lại 4 năm thực hiện Đề án "Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025" theo Quyết định số 1665/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 30/10/2017, Thứ trưởng Bộ GDĐT Ngô Thị Minh cho biết: với nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả cùng với sự nỗ lực chung tay của các bộ, ngành, địa phương và của các cơ sở đào tạo, Đề án 1665 đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ.
Tỉ lệ các cơ sở giáo dục đại học đưa khởi nghiệp thành môn học bắt buộc hoặc tự chọn, tăng từ 30% cuối năm 2020 lên 33% cơ sở đào tạo vào cuối năm 2021, với tối thiểu 01 tín chỉ/môn học. 75% cơ sở đào tạo đã tổ chức được các hoạt động đào tạo ngắn hạn cho sinh viên thông qua các lớp kỹ năng khởi nghiệp. 100% các cơ sở đào tạo đa xây dựng các chương trình truyền cảm hứng khởi nghiệp cho sinh viên thông qua các diễn đàn, Tuần sinh hoạt công dân đầu khóa. Hình thành mạng lưới 200 cán bộ tư vấn, hỗ trợ khởi nghiệp trong các cơ sở đào tạo trong cả nước,
Bộ GDĐT đã giao nhiệm vụ tổ chức thí điểm xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trong các cơ sở đào tạo cho 03 cơ sở giáo dục đại học. Có 50% các cơ sở đào tạo đã thành lập được các câu lạc bộ khởi nghiệp thuộc các lĩnh vực ưu tiên dựa trên thế mạnh của các cơ sở đào tạo. 70 cơ sở đào tạo đã bố trí được các không gian chung hỗ trợ khởi nghiệp dành cho HSSV. Có khoảng 45 cơ sở đào tạo (chiếm 25% số cơ sở đào tạo) đã thành lập được các trung tâm hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp trong đó có khoảng hơn 10 trung tâm thực hiện việc ươm tạo các doanh nghiệp khởi nghiệp của sinh viên.
Bộ GDĐT cũng đã ban hành Thông tư về nghiên cứu khoa học sinh viên trong các cơ sở giáo dục đại học, trong đó có quy định các hoạt động khởi nghiệp hiện nay là các hoạt động nghiên cứu khoa học và các đơn vị được sử dụng nguồn kinh phí của nghiên cứu khoa học dành cho hoạt động khởi nghiệp. Phối hợp với Bộ Tài chính ban hành Thông tư về hướng dẫn nguồn kinh phí sự nghiệp triển khai Đề án 1665. Một số cơ sở giáo dục, đào tạo đã nghiên cứu vận dụng và xây dựng các Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo tại các nhà trường.
Điểm nhấn của Ngày hội quốc gia khởi nghiệp của HSSV hàng năm là cuộc thi "Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp" (SV_STARTUP) được tổ chức trên quy mô toàn quốc. Sau 3 lần tổ chức, cuộc thi đã thu hút được hơn 1.600 dự án khởi nghiệp của HSSV; một số ý tưởng, dự án của sinh viên đã được thành lập doanh nghiệp hoặc được các doanh nghiệp lớn mua lại. Trong số đó một số doanh nghiệp đã đến các vòng gọi vốn Series B, Series C
Năm nay cuộc thi được phát động từ tháng 4/2021 và nhận được gần 400 dự án. Các dự án được đánh giá chất lượng, đa dạng, tập trung vào nhiều lĩnh vực. 70 dự án xuất sắc nhất được lọt vào Vòng Bình chọn và vòng Chung kết của Cuộc thi.