Muốn biết một người có hàm dưỡng hay không, chỉ cần nhìn vào 10 điểm này
Hàm dưỡng là một loại tu dưỡng xuất phát từ nội tâm biểu hiện ra bên ngoài, được thể nghiệm trong lời nói cử chỉ của con người. Như vậy, thế nào mới gọi là có hàm dưỡng?
1. Đúng giờ
Đúng giờ cũng là sự tôn trọng đối với người khác, cũng là thể hiện của sự thành tín.
Trong “Tư trị thông giám” có viết rằng: “Trượng phu một khi đã hứa điều gì, dù cho ngàn vàng cũng không thay đổi được”. Cho nên, đúng giờ không chỉ là thái độ, mà là biểu hiện của chữ tín và tôn trọng người khác.
Một người không đúng giờ chính là không tôn trọng người khác. Người ấy ngay cả giáo dưỡng còn khuyết thiếu, nói gì đến hàm dưỡng?
2. Thái độ hoà khí
Thái độ là quan điểm cơ bản của một người, là một trạng thái cảm xúc được thể hiện thành hành vi của người đó.
Vậy thế nào là một thái độ tốt? Chỉ cần giữ được nội tâm hoà khí. Đằng sau hoà khí là trong tâm nghĩ đến người khác và đối xử thiện lương với họ.
Trong “Độc thư lục” có viết rằng:
“Khi nói chuyện với người khác, cần hoà khí và bình tĩnh, nếu tức giận thì tâm tình sẽ trở nên bất bình, nếu gay gắt thì tâm tình sẽ trở nên oán hận.”
Chỉ có người tu dưỡng bản thân thâm sâu mới có thể toát ra ôn hòa điềm đạm mọi lúc, mọi nơi và trong mọi cử chỉ.
3. Ăn nói có lễ tiết
Làm thế nào để một người được coi là “ăn nói lễ tiết”? Điều cơ bản nhất là lắng nghe cẩn thận, không tùy tiện ngắt lời người khác và bày tỏ ý kiến của bản thân sau khi lắng nghe người khác.
Khi nói chuyện, đừng lơ đãng, cũng đừng vội nói. Hãy lắng nghe và bày tỏ ý kiến của bạn với nụ cười và nhìn vào mắt của đối phương.
4. Quan tâm đến người khác
Quan tâm đến người khác là một loại lương thiện.
Một người hàm dưỡng luôn có thể dành sự quan tâm lớn nhất cho người khác khi họ cần. Đặc biệt là thái độ đối với những người yếu thế như người già, trẻ em, những nhóm dễ bị tổn thương, v.v. giúp đỡ và quan tâm đến họ là biểu hiện tốt nhất của sự thiện lương.
5. Giọng nói nhẹ nhàng
Giọng nói nhẹ nhàng, thể hiện sự thành ý từ trái tim khi nói chuyện với mọi người.
Trình Di, một nhà Nho lớn trong triều đại Bắc Tống, đã từng nói rằng: “Người mà dùng sự chân thành cảm động người khác thì người ta cũng sẽ đáp lại người ấy bằng sự chân thành.”
Khi chúng ta nói chuyện một cách chân thành với nhau thì mới là một kiểu giao tiếp đúng nghĩa, thể hiện thái độ thiện ý trong kết giao. Trong quá trình giao tiếp, chúng ta cần giữ cho tâm bình khí hòa, thuyết phục mọi người bằng lý trí, tránh giọng điệu quá cao hoặc cảm tính.
6. Chú ý kỹ năng giao tiếp
Khi nói chuyện với người khác, nếu bạn có thể nói sự thật một cách khéo léo và chú ý đến phương thức truyền đạt, bạn không chỉ mang lại lợi ích cho người khác mà còn nhận được sự tôn trọng của họ.
Kỹ năng giao tiếp là gì? Ngay cả khi bạn không đồng ý với ý kiến của người khác, hãy nói ra một cách có lý trí và bình tĩnh, đừng bốc đồng, cũng đừng khiến mọi người cảm thấy rằng bạn đang thiếu tôn trọng họ. Khi người khác phạm lỗi lầm, bạn nên bình thản thiện ý mà chia sẻ với họ và cũng đừng chỉ trích quá đáng. Nếu có một số điều riêng tư, hãy tránh nói trực tiếp, bạn có thể khéo léo chọn hoàn cảnh thích hợp để nói ra.
7. Không kiêu ngạo
Tiên sinh Vương Dương Minh, nhà hiền triết lỗi lạc triều Minh, từng nói rằng: “ Bệnh nặng trong đời, cũng chỉ vì một chữ kiêu ngạo.”
Nhà Nho Tăng Quốc Phiên cũng từng nói: “Những người tài giỏi trong thiên hạ từ xưa tới nay, đều vì một chữ kiêu ngạo mà dẫn đến thất bại. “
Một người kiêu ngạo không chỉ trì hoãn những việc phải làm của bản thân, mà còn tỏ ra tự cao tự đại trước mặt người khác, hoặc giễu cợt khuyết điểm và chà đạp lên danh dự của người khác. Một người có hàm dưỡng sẽ không bao giờ làm như vậy.
8. Tuân thủ lời hứa
Tục ngữ có câu “Quân tử nhất ngôn, tứ mã nan truy” , ý nghĩa rằng lời nói đã hứa với người thì phải làm, không làm được thì đừng hứa. Rõ ràng không thể làm được mà lại khoe khoang khoác lác sẽ làm khiến chậm trễ công việc của người khác, những người như vậy không chỉ thể hiện sự tuỳ tiện của bản thân, mà còn khiến người khác thất vọng.
Không nói khoa trương, đây là vấn đề nhân phẩm. Trừ khi có nguyên nhân đặc biệt, còn không thì nên chân thành nói rõ và xin lỗi người khác.
9. Độ lượng
Độ lượng có nghĩa là rộng lượng, khoan dung, với mình thì có thể “biển nạp trăm sông, có thể dung chứa nên thành to lớn ”, còn với người khác thì như “ bụng tể tướng có thể chèo thuyền ”, “lùi một bước biển rộng trời cao” . Ý nghĩa là một người có tấm lòng rộng lớn mới có thể làm được việc lớn, mới có thể bao dung được những việc khó bao dung của thiên hạ.
Độ lượng là một loại phẩm đức, cũng là một loại tu dưỡng chỉ có bậc quân tử có lòng dạ rộng mở mới có thể làm được.
Trong công việc và cuộc sống thường xảy ra nhiều mâu thuẫn và những việc không hài lòng, nếu bạn có thể độ lượng bao dung, cười cho qua chuyện thì còn có sự hàm dưỡng nào quý giá hơn như thế không?
10. Giàu lòng thông cảm
Hàn Dũ, một trong 8 tác gia lớn nhất thời Đường – Tống, viết trong “Nguyên Đạo”: “Bác ái (yêu khắp mọi người) gọi là Nhân, thi hành ra cho đúng thì gọi là Nghĩa.”
Người biết giàu lòng cảm thông là người nhân từ, chính nghĩa, việc họ làm không phải là đại sự gì to tát, nhưng họ có thể làm hết sức mình để giúp đỡ, hỗ trợ khi người khác gặp khó khăn, bất hạnh. Đây chính là sự hàm dưỡng lớn nhất.
Thục Huệ, Vision Times
Nụ cười của bạn ẩn chứa sự may mắn của cuộc đời Sự giàu có thực sự của một người chính là nụ cười trên môi. Bởi vì trong nụ cười sẽ ẩn chứa sự may mắn của cả cuộc đời.