Mùi của cố hương
Hồi còn học ở gần Kyoto, mỗi buổi chiều tôi thường đi bộ một mình ngắm cánh đồng ở gần trường... khung cảnh ở đây khá giống với cố hương.
Hồi còn học ở gần Kyoto, mỗi buổi chiều tôi thường đi bộ một mình ngắm cánh đồng ở gần trường. Ngoại trừ những chiếc ô tô đậu trên cánh đồng, khung cảnh ở đây khá giống với cố hương. Cũng cánh đồng hẹp bị vây bọc bởi những ngọn núi thấp, những ruộng lúa, ruộng rau nối tiếp nhau và bao quanh là mương nước chảy. Mùa đông, thi thoảng trên đường tản bộ tôi lại gặp vài đống dấm bốc khói. Những người nông dân Nhật đốt cỏ để làm sạch ruộng. Mùi khói làm tôi cay xè nơi sống mũi. Tôi nhớ căn bếp đầy bồ hóng và những cột nhà ám khói của mẹ.
Khói nước Nhật làm liên tưởng đến khói bếp quê nhà, và mùi hành tỏi thì không thể nào quên. Gia đình tôi gốc gác nhiều đời đều là nông dân. Bố mẹ tôi cũng làm nông nghiệp. Bởi thế những công việc nhà nông với tôi không hề lạ lẫm. Giống như nhiều đứa trẻ khác trong làng, vào lớp một tôi bắt đầu biết chăn trâu, kiếm củi và dần dần làm đủ thứ việc nhà nông. Ngày làm tối học. Trẻ con trong làng đều thế cả. Đấy là cuộc sống thường ngày giống như mặt trời sáng sáng mọc lên từ rặng tre bên kia sông Thương và buổi chiều lặn xuống chân đồi Tu.
Nặng nhọc nhất trong việc nhà nông ở làng tôi có lẽ là trồng hành. Đi học cấp ba, lũ bạn trên phố huyện thi thoảng hay trêu bọn tôi là dân “dọc hành chấm đứng”. Cách đùa này có lẽ chỉ ai ở quê tôi mới hiểu nó… đểu thế nào. Cáu lắm. Có lúc tự ái nổi lên mấy bạn con gái cùng quê vặc lại: “Vớ vẩn không chấm đứng thì sao? Chấm nằm đố thằng nào ăn được?”.
Hành được trồng vào khoảng tháng 9 tháng 10 sau vụ gặt. Mưa phùn gió bắc là thời tiết lý tưởng cho hành tỏi. Năm nào trời đột ngột chuyển gió nồm thì hỏng cả. Héo gục và bốc mùi khắp đồng. Khi hành lên cao tầm đầu gối cũng là lúc gần Tết âm lịch. Người làng dậy từ 3, 4 giờ sáng để ra đồng tỉa hành đem xuống ngòi rửa mang ra chợ ngoài xã hoặc lên chợ huyện bán. Có những năm hành tươi không bán được hoặc bán rất rẻ. Cả làng đón Tết buồn thiu. Hành bán đi dựa chủ yếu vào những tay buôn bán chuyên nghiệp nên phập phù. Điệp khúc được mùa hành giá rẻ, mất mùa hành giá đắt cứ thế tiếp diễn mãi đến tận giờ. Kỳ lạ là làng bây giờ vẫn trồng hành bằng phương thức hệt như hồi tôi còn bé. Kinh tế học và khoa học kỹ thuật có lẽ là thứ gì đó đang bất lực đứng khóc ngoài lũy tre làng.
Làng trồng hành nên cả làng ai cũng ăn hành sống. Một món có lẽ vùng khác ít người dám ăn. Tôi ăn từ nhỏ và giờ vẫn ăn và cảm thấy rất ngon. Hành sống có thể là hành tươi non ở giai đoạn mới có củ trắng nhỏ và dọc tươi hoặc cũng có thể là hành củ. Hành có dọc thì rửa sạch và cắt thành khúc. Hành củ thì củ to thái lát, củ nhỏ để nguyên. Cả hai món đều ăn bằng cách chấm vào nước mắm không pha gia vị. Hành cũng được dùng để muối dưa, xào thịt.
Nhiều lần mẹ cho tôi bám theo đi chợ bán hành. Chợ quê tháng ba lèo tèo không có mấy người. Sướng nhất hôm nào bán hết là mẹ hào phóng mua cho một chiếc bánh rán. Đến bây giờ tôi vẫn không quên cảm giác lúc ngồi trên chiếc đấu sắt đằng sau mẹ vừa mút ngón tay dính đường vừa giương mắt nhìn mẹ bán hàng trong những phiên chợ ấy.
Nguyễn Quốc Vương
Bài đã in trong sách Mùi của cố hương , NXB Phụ nữ, 2017
Bài đã đăng trên Blog Người Bán Sách Rong (nguoibansachrong.com)
Đăng lại từ Facebook Tác giả, dịch giả Nguyễn Quốc Vương
Tham khảo các tác phẩm của tác giả, dịch giả Nguyễn Quốc Vương tại đây
Xem thêm cùng tác giả, dịch giả:
Mời xem video :