Mức xử phạt vụ logo rắn ngậm phong bì thế nào?
Hình ảnh logo chính thức của Bộ Y tế (bên trái) và hình ảnh logo sai quy định (bên phải)
Những ngày qua, hình ảnh logo chính thức của Bộ Y tế bị thay đổi là hình " rắn ngậm phong bì " tại Lễ khai mạc kỳ thi của Bộ Y tế và trong trang bìa tài liệu của thi kỳ thi trên khiến dư luận rất bất ngờ và bức xúc. Trong khi đó, logo chính thức của Bộ Y tế chỉ có con rắn quấn quanh cây gậy và đầu con rắn quay sang hướng ngược lại.
Trước sự việc này, Bộ Y tế đã mời Cục An ninh chính trị nội bộ (A03, Bộ Công an) điều tra làm rõ. Về việc này, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên khẳng định mẫu logo Bộ Y tế gửi sang Trường đại học Y Hà Nội là không có sai sót. Tuy nhiên, trong quá trình làm việc, cán bộ kỹ thuật của trường lấy logo ở trên mạng đưa vào mà không để ý rằng logo không đúng với logo chính thức của Bộ.
Ngay sau đó, Bộ đã trực tiếp làm việc với cơ quan công an và bước đầu xác định sai lệch là do cán bộ kỹ thuật của Trường Đại học Y Hà Nội. "Hiện cơ quan chức năng đang làm rõ và sẽ có hình thức xử phạt cán bộ để xảy ra sai sót" - ông Tuyên nói.
Trong khi đó, lãnh đạo Đại học Y Hà Nội cho biết trong quá trình làm việc, 2 nhân viên kỹ thuật nhà trường đã lấy logo trên mạng đưa vào mà không để ý rằng logo này không đúng với logo chính thức của Bộ Y tế.
Hiện nay, 2 nhân viên này đã làm bản giải trình với nhà trường, với Bộ Y tế và cơ quan công an. Sau khi có kết luận của cơ quan chức năng, Hội đồng kỷ luật của Đại học Y Hà Nội sẽ họp và có hình thức xử lý nghiêm.
Ngoài sai hình ảnh logo chính thức của Bộ Y tế tại hội trường buổi lễ, tài liệu hướng dẫn ôn thi môn ngoại ngữ của Bộ Y tế ban hành nội bộ trong kỳ thi này cũng gặp lỗi sai tương tự.
Luật sư Trần Xuân Tiền (Trưởng Văn phòng Luật sư Đồng Đội, Đoàn luật sư TP Hà Nội), cho rằng vụ việc gây xôn xao dư luận, làm ảnh hưởng đến hình ảnh của ngành y. Mặc dù, đâu đó vẫn có những hành vi tiêu cực, "đòi hỏi này kia" khi khám chữa bệnh của một số ít cán bộ y tế, có thể kể đến như vụ nâng giá kit test Covid-19 ở Công ty Việt Á... Tuy nhiên, không chỉ vì một số hiện tượng mà phủ nhận những đóng góp to lớn của ngành y trong việc bảo vệ sức khỏe nhân dân. Vì vậy, cơ quan điều tra cần nhanh chóng vào cuộc xác minh, làm rõ và xử lý những cá nhân, tổ chức vi phạm để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật.
Theo luật sư, việc chỉnh sửa ảnh với mục đích giải trí sẽ đem lại rất nhiều tiếng cười và khoảng thời gian thư giãn và vui vẻ. Tuy nhiên, việc chỉnh sửa và ghép ảnh sẽ gây ra hậu quả không lường trước được nếu như có mục đích xấu.
Hình ảnh "con rắn quấn quanh cây gậy" là biểu tượng của ngành y đã được quốc tế hóa, màu trắng là màu của ngành y tế, tượng trưng cho sự khôn ngoan khả năng chữa trị và kéo dài tuổi thọ. Nếu hình ảnh logo "rắn ngậm phong bì" được dùng với dụng ý bôi nhọ uy tín của ngành y thì tùy theo tính chất, mức độ mà người này có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Về mặt pháp lý, luật sư Trần Xuân Tiền cho biết đối với hành vi Sử dụng mạng xã hội để đăng tải những thông tin hình ảnh làm ảnh hưởng đến uy tín của ngành y tế có thể bị xử phạt từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng về hành vi vi phạm các quy định về trách nhiệm sử dụng dịch vụ mạng xã hội; trang thông tin điện tử được thiết lập thông qua mạng xã hội căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 14/2022/NĐ- CP. Ngoài ra, người có hành vi vi phạm trên còn bị tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm.
Nếu gây ra hậu quả nghiêm trọng, người thực hiện hành vi này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông theo quy định tại Điều 288 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017. Theo đó người này có thể bị áp dụng mức hình phạt thấp nhất tương ứng phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm và cao nhất là bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 2 năm đến 7 năm. Ngoài ra, người thực hiện hành vi này còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.
Đối với hành vi của người cán bộ kỹ thuật, theo như thông tin ban đầu, Bộ Y tế đã gửi sang Trường đại học Y Hà Nội mẫu logo của Bộ Y tế là không có sai sót. Tuy nhiên, trong quá trình làm việc, cán bộ kỹ thuật của trường đã lấy logo ở trên mạng đưa vào mà không để ý rằng logo không đúng với logo chính thức của bộ. Không rõ vì cố tình hay vô ý, nhưng việc sử dụng logo này đã gây nhiều bức xúc trong ngành y, làm ảnh hưởng đến uy tín của đội ngũ cán bộ... Vì vậy, người phụ trách nhiệm vụ này sẽ bị xem xét xử lý kỷ luật và nếu có căn cứ chứng minh hành vi của người này nhằm mục đích bôi nhọ, xuyên tạc danh dự nhân phẩm của Bộ Y tế thì người này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Đối với việc tài liệu hướng dẫn ôn thi môn ngoại ngữ của Bộ Y tế ban hành nội bộ trong kỳ thi này cũng gặp lỗi sai tương tự, cơ quan chức năng cũng cần phải điều tra, xác minh để xử lý kịp thời.
Qua sự việc này, luật sư cũng khuyến cáo cơ quan chức năng cần rà soát triển khai các biện pháp để ngăn chặn, xử lý các hành vi sửa chữa, cắt ghép xuyên tạc không chỉ là logo mà còn nhiều đối tượng khác nữa. Việc cán bộ kỹ thuật viên sao chép logo trên mạng cũng xuất phát nguyên nhân từ việc lỏng lẻo trong khâu quản lý trên mạng xã hội khi để những hình ảnh xuyên tạc tràn lan.
Bên cạnh đó, các cá nhân, cơ quan tổ chức cần phải có trách nhiệm cao hơn nữa trong việc kiểm tra chọn lọc thông tin khi được giao tổ chức một sự kiện nào đó. Rõ ràng, chưa cần biết nguyên nhân chủ quan hay khách quan nhưng việc để xảy ra nhưng về mặt trách nhiệm pháp lý thì người được giao thực hiện nhiệm vụ phải chịu trách nhiệm đầu tiên.