Mức tiêu thụ cần sa của Hoa Kỳ đã vượt qua thuốc lá?

Chia sẻ Facebook
10/09/2022 10:54:19

Mặc dù New York hợp pháp hóa cần sa nhưng tác động của nó đối với sức khỏe con người và xã hội không hẳn đều tích cực.

Một quầy thực phẩm làm từ cần sa tại Công viên Quảng trường Washington ở Manhattan, New York ngày 4/9/2022. (Ảnh: Đỗ Quốc Huy / Epoch Times)

Công viên Quảng trường Washington, cách Phố số 4 phía Tây ở Manhattan không xa, là một trung tâm hoạt động ngoài trời dành cho sinh viên Đại học New York (NYU).

Dù mùa đông hay mùa hè, sinh viên từ khắp nơi trên thế giới đều có thể chơi ván trượt, bày quầy hàng, chơi cờ, hay chỉ đơn giản là ngồi trên ghế dài phơi nắng hoặc hóng mát. Một số người trượt ván mệt rồi thì cuộn một điếu thuốc cần sa và phì phèo nhả khói.

Ngày 4/9/2022, hai người phụ nữ chia sẻ cần sa trong Công viên Quảng trường Washington tại NYU. (Ảnh: Đỗ Quốc Huy / Epoch Times)

Đây chỉ là một trong những địa điểm tập trung tiêu thụ cần sa ở thành phố New York. Khi thời tiết ấm áp, bạn vẫn có thể bắt gặp những quầy bán cần sa bán các gói nhỏ 35 gram và giá dao động từ 30 – 45 USD.

Theo một cuộc khảo sát được công bố ngày 26/8 của tổ chức thăm dò nổi tiếng Gallup, lượng tiêu thụ cần sa đã tiếp tục tăng trong 50 năm qua, đến nay, lượng tiêu thụ cần sa đã vượt qua cả thuốc lá. Lượng tiêu thụ thuốc lá đã giảm mạnh trong 10 năm qua. 16% người được hỏi cho biết họ hút cần sa, và chỉ 11% cho biết họ hút thuốc.

Ngày càng nhiều người hút cần sa hơn?

Ông Trần Tác Chu, Giám đốc điều hành của Tổ chức Hợp tác Phát triển Khu Phố Tàu ở New York, nói với Epoch Times rằng có lẽ do số người hút thuốc ít đi, chứ không số người hút cần sa tăng lên.


“Chúng tôi thúc đẩy việc cai thuốc lá trong văn phòng của mình, vì mọi người đều không thích mùi (của thuốc lá). Vì vậy, tôi nghĩ không phải là có nhiều người hút cần sa hơn, mà là số người hút thuốc đã ít đi”, ông nói.

Một cửa hàng cần sa trên đường phố Manhattan, New York ngày 7/8/2022. (Ảnh: Đỗ Quốc Huy / Epoch Times)


Một chủ một cửa hàng cần sa trên Đại lộ 7 ở Manhattan cũng tán đồng: “Tất nhiên là tôi rất vui (về kết quả cuộc thăm dò của Gallup), nhưng tôi nghĩ, là vì số người hút thuốc lá ít hơn, còn khách hàng của tôi thì không thay đổi gì.”


Nhưng các đường phố của New York thỉnh thoảng lại có mùi khói cần sa. Cô Chu Nhã Đình, người Hoa ở New York cho biết: “Khi chúng tôi đến Amsterdam, nơi có những quán bar và quán cà phê (bán cần sa), tuy nhiên chúng tôi chưa bao giờ ngửi thấy mùi cần sa trên đường phố. Nhưng tại New York thì đứa con 8 tuổi của tôi cũng ngửi thấy mùi cần sa.”

Hiện nay, 19 bang của Hoa Kỳ cho phép người lớn sử dụng cần sa một cách hợp pháp, bang New York là một trong số đó. Không những vậy, New York còn trở thành bang đầu tiên cho phép người nghiện cần sa được mở cửa hàng bán cần sa. Mặc dù việc xin giấy phép cửa hàng mất khá nhiều thời gian, nhưng chi phí lại không cao, chỉ 2.000 USD.

Ông Trần Tác Chu nói, mục đích ban đầu của việc hợp pháp hóa cần sa là để phơi bày những vụ giao dịch cần sa ngầm trước đó, nhằm đánh thuế; đồng thời để những người nghiện cũ sẵn sàng thay đổi hướng đi, có được cơ hội tự mưu sinh.

Hoa Kỳ từng là quốc gia sản xuất và xuất khẩu thuốc lá chính trên thế giới. Trước và sau khi thành lập Hoa Kỳ, một trong những mặt hàng xuất khẩu chính của họ là thuốc lá. Người Mỹ cũng có lịch sử hút thuốc lá lâu đời. Nhưng hiện giờ nhiều người dường như nghĩ rằng thuốc lá có hại hơn cần sa.


Ông Frank Newport, nhà khoa học cấp cao của Gallup nói: “Số người hút thuốc lá đang giảm rõ rệt và sẽ còn ít hơn trong những năm tới”, “Điều này phản ánh nhận thức của cộng đồng về tác động tiêu cực của thuốc lá, và nỗ lực của tất cả các cấp chính quyền trong việc cấm hút thuốc.”

Các cuộc thăm dò của Gallup cho biết, người Mỹ cảm thấy ít tiêu cực hơn về cần sa. 62% người Mỹ từ 18 – 34 tuổi và 53% người Mỹ từ 35 – 54 tuổi tin rằng cần sa có tác dụng tích cực đối với người sử dụng. Một cuộc thăm dò của Gallup vào tháng Bảy cho biết, 49% người được hỏi tin rằng cần sa có tác động tích cực đến xã hội.


Tuy nhiên, Cục Quản lý Dịch vụ Sức khỏe Tâm thần và Lạm dụng Chất gây nghiện thuộc Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Hoa Kỳ (HHS) làm rõ: “Cần sa là một loại thuốc tác động đến thần kinh có chứa hơn 500 hóa chất, gồm THC thay đổi tâm trí, có hại cho sức khỏe.”

Ngoài ra, cần sa còn làm giảm chỉ số thông minh vĩnh viễn, và có liên quan đến chứng trầm cảm, cáu kỉnh, xu hướng tự tử và các cơn rối loạn tâm thần. Cần sa cũng có thể ảnh hưởng đến khả năng vận động của con người, như phối hợp, phán đoán thời gian và vận động.

HHS cho biết, cần sa là chất cấm của liên bang, nhưng lại hợp pháp ở một số tiểu bang của Hoa Kỳ và ngày càng có nhiều người trẻ tuổi sử dụng nó.

Mặc dù tiểu bang New York đã hợp pháp hóa việc sử dụng cần sa cho người lớn vào đầu năm nay, nhưng các sản phẩm cần sa không dùng cho mục đích y tế vẫn chưa thể được bán hợp pháp tại tiểu bang này. Ngay cả ở các tiểu bang khác cho phép bán các sản phẩm cần sa không dùng cho mục đích y tế, nhưng một sản phẩm cần sa dành cho người lớn không được chứa nhiều hơn 5 mg THC.

Hôm 26/10/2021, tổng chưởng lý tiểu bang New York, bà Letitia James, đã đưa ra cảnh báo cho các bậc phụ huynh ở New York, hãy cẩn thận đối với một số sản phẩm trông giống như đồ ăn vặt và bánh kẹo thông thường, nhưng thực tế lại chứa hàm lượng cần sa và tetrahydrocannabinol (THC) khá cao. Những sản phẩm bất hợp pháp và không được kiểm soát ở tiểu bang New York này có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe con người.

Với việc hợp pháp hóa cần sa ở bang New York, các cửa hàng bán cần sa đã được mở ra ở nhiều nơi trong thành phố New York, khu phố Tàu cũng không phải ngoại lệ. Vào đầu tháng Bảy, Little Caffee tại số 56 đường Mulberry đã khai trương cửa hàng cần sa My Happy Weed của họ.


Ông Trần Gia Linh, một thành viên trong khu vực, đã giới thiệu về cửa hàng cần sa này trên Internet, rằng tại đây có nhiều loại nhãn hiệu cần sa dành cho khách hàng trên 21 tuổi. Ông nói việc mở cửa hàng này đã khiến khu phố Tàu trở nên “hi” hơn (cao cấp hơn) và nâng cao “đẳng cấp” của các cửa hàng tại đây.


Tuy nhiên, ông Trần Tác Chu nói rằng trên thực tế, cửa hàng cần sa có ảnh hưởng rất ít đến khu phố Tàu, “ cũng không thấy mấy ai ra vào”. Điều quan trọng nhất là người Hoa không quan tâm đến cần sa.


Cha mẹ của những đứa trẻ gốc Hoa đều dạy con họ phải học những trường nổi tiếng và tìm kiếm một công việc tốt. Trẻ em người Hoa không còn thời gian và sức lực để đụng đến cần sa”, ông nói.

HHS cho biết cần sa có khả năng gây nghiện cao. Cứ 6 người lại có 1 người bắt đầu hút cần sa ở tuổi 18 sẽ bị nghiện. Cứ 10 người trưởng thành sẽ có 1 người nghiện. Đến nay, chỉ có 19 trong số 50 bang của Hoa Kỳ hợp pháp hóa cần sa. Trong tương lai, cuộc tranh luận về cần sa vẫn sẽ tiếp tục.

Cần sa là loại ma túy được chế từ hoa và lá khô của cây cần sa tên Latin là Cannabis Sativa.

Trong lịch sử, cuối thế kỷ 19, nhằm lật đổ sự độc quyền của người Trung Quốc đối với chè (trà) – thức uống được ưa chuộng nhất thế giới, đế quốc Anh đã dùng thuốc phiện để đổi lấy chè. Điều này đã gây ra đại dịch thuốc phiện nặng nề tại Trung Quốc, dẫn đến 2 cuộc chiến tranh khốc liệt làm thay đổi lịch sử của cường quốc châu Á này.


Bình Minh (t/h)

Cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ: ĐCSTQ hợp tác với trùm ma túy vận chuyển fentanyl vào Mỹ

Thông tin tiết lộ Chính phủ ĐCSTQ đang làm việc với các tập đoàn ma túy Mexico để đưa fentanyl vào Mỹ, từ đó đạt được mục đích rửa tiền.

Chia sẻ Facebook