Mức độ công khai ngân sách tỉnh năm 2021 cải thiện không đáng kể

Chia sẻ Facebook
28/09/2022 13:37:04

Theo kết quả POBI 2021, độ công khai ngân sách của các tỉnh cải thiện không nhiều, các tỉnh vẫn ít tạo điều kiện để người dân tham gia vào quy trình ngân sách.

Ngày 28/9, lễ công bố chỉ số công khai ngân sách tỉnh (POBI) năm 2021 đã được tổ chức tại Hà Nội. Khảo sát POBI bao gồm ba trụ cột về minh bạch ngân sách, sự tham gia của người dân trong chu trình ngân sách và trách nhiệm giải trình.

Điểm xếp hạng trung bình về công khai ngân sách của các tỉnh đạt 69,53/100 điểm, tăng 0,44 điểm so với năm 2020. Năm 2021, có 31 tỉnh công khai đầy đủ tài liệu và thông tin về ngân sách nhà nước, tăng 4 tỉnh so với năm 2020. Số tỉnh công khai tương đối đầy đủ là 24 tỉnh. Số tỉnh công khai chưa đầy đủ và công khai ít lần lượt là 6 và 2 tỉnh.

Bà Rịa – Vũng Tàu là tỉnh đứng đầu bảng xếp hạng khảo sát POBI 2021, đạt 98,59 điểm. Khánh Hoà xếp thứ hai với 92,69 điểm và Lai Châu xếp thứ ba với 91,99 điểm. Trong khi đó, Bình Phước và Hà Tĩnh là các tỉnh đứng cuối bảng xếp hạng với số điểm là 5,15 và 9,14 điểm.

Đối với trụ cột sự tham gia của người dân, kết quả khảo sát POBI 2021 về mức độ tham gia của người dân cho thấy các tỉnh vẫn ít tạo điều kiện để người dân tham gia vào quy trình ngân sách. Số điểm quy đổi trung bình của 63 tỉnh thành phố là 41,8/100 điểm, tăng 2,55 điểm so với năm 2020 và 3,78 điểm so với năm 2019.

Như vậy có thể thấy sự cải thiện về điểm số của trụ cột sự tham gia trong thời gian qua là rất hạn chế. Đà Nẵng vẫn là địa phương đạt điểm số cao nhất với số điểm tuyệt đối, cải thiện rất tốt so với năm 2020. Đắk Nông là tỉnh có số điểm về sự tham gia của người dân thấp nhất cả nước (8,3 điểm).

Có 11 trong số 63 tỉnh/thành phố phản hồi các câu hỏi yêu cầu cung cấp thông tin của nhóm nghiên cứu gửi qua email liên hệ được công khai trên cổng tin điện tử của Sở Tài chính (giảm 3 tỉnh so với năm 2020).

Bên cạnh đó, kết quả khảo sát POBI 2021 cho thấy cần cải thiện mức độ giám sát và trách nhiệm giải trình của Hội đồng Nhân dân các tỉnh. Điểm trung bình của 63 tỉnh, thành phố của trụ cột trách nhiệm giải trình là 48,2/100 điểm, Bà Rịa-Vũng Tàu là tỉnh dẫn đầu.

Đánh giá một cách khái quát, PGS.TS. Nguyễn Đức Thành (VESS), đại diện nhóm nghiên cứu nhận định: “Qua cuộc Khảo sát năm 2022, có thể thấy việc tuân thủ công khai ngân sách tỉnh nhìn chung tiếp tục được cải thiện. Có 31 tỉnh đạt mức độ công khai “đầy đủ”, so với 27 tỉnh vào năm trước, và 0 tỉnh nào vào năm khảo sát đầu tiên (2018).”

Ông Thành cho rằng, quan sát cho thấy những tỉnh nào đã thực hành công khai ngân sách tốt thường tiếp tục thực hành điều này một cách tích cực như Vũng Tàu, Vĩnh Long, Đà Nẵng, Cao Bằng, Lai Châu.

Trong khi đó, có những tỉnh còn thiếu ý thức tuân thủ Luật Ngân sách 2015, như Hà Tĩnh và Bình Phước (liên tục trong nhóm thấp nhất). Có những tỉnh lúc đầu chưa tuân thủ tốt, nhưng đã cải thiện mạnh mẽ và giữ ổn định vị trí cao, như Hòa Bình và Lạng Sơn. Đặc biệt, so với năm trước, những tỉnh có sự cải thiện tốt nhất bao gồm: Quảng Bình, Khánh Hòa, Quảng Ninh.

“Chúng tôi hy vọng các tỉnh sẽ ngày càng nghiêm túc trong việc thực hành công khai minh bạch theo đúng tinh thần pháp luật”, PGS. TS Nguyễn Đức Thành nhấn mạnh.

Ngoài ra, ông Nguyễn Quang Thương, Giám đốc điều hành Trung tâm Phát triển và Hội nhập, tổ chức điều phối BTAP cũng đánh giá, khảo sát POBI 2021 cho thấy có 5 tỉnh đạt 91 điểm trở lên, trong đó tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đứng đầu xếp hạng minh bạch ngân sách POBI 2021 với số điểm 98,59/100.

"Điều này cho thấy, việc công khai ngân sách theo như Luật Ngân sách Nhà nước 2015 hoàn toàn có thể thực hiện được", ông Thương nói.


Ông cũng đề xuất việc các tỉnh còn công khai chưa đầy đủ hoặc công khai ít cần thực hiện công khai thông tin về ngân sách một cách đầy đủ và có chế tài xử lý đối với các cơ quan, cá nhân chưa hoàn thành trách nhiệm trong về công khai ngân sách .

Chia sẻ Facebook