Mục đích Tổng thống Pháp Macron đến Trung Quốc gặp ông Tập Cận Bình
Nỗ lực của ông Macron có thể bị làm cho phức tạp thêm trong bối cảnh quan hệ EU-Trung Quốc trở nên lúng túng vì những bình luận gần đây của bà von der Leyen.
Hai nhà lãnh đạo châu Âu sẽ tới Bắc Kinh trong tuần này để hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong bối cảnh không hề dễ dàng: Châu Âu tiếp tục quay cuồng với tác động của việc cắt đứt quan hệ thương mại với Nga và căng thẳng địa chính trị đang gia tăng giữa Trung Quốc và Mỹ, 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron sẽ tới Bắc Kinh gặp Chủ tịch Tập Cận Bình và đi cùng nhà lãnh đạo Trung Quốc tới Quảng Châu từ ngày 5-8/4. Ở quê nhà, nhà lãnh đạo Pháp đang phải đối mặt với làn sóng giận dữ của công chúng đối với kế hoạch cải cách hưu trí.
Trong khi đàm phán giữa chính phủ Pháp và các nghiệp đoàn lao động lớn của đất nước chưa biết sẽ đi về đâu, cuộc tổng đình công và biểu tình toàn quốc lần thứ 11 đã được dự kiến diễn ra trong thời gian ông Macron ở Bắc Kinh.
Chuyến đi cũng diễn ra trong bối cảnh ông Macron đang cố gắng giành lại thế chủ động trong vấn đề đàm phán hòa bình Nga-Ukraine và xốc lại vai trò đầu tàu lãnh đạo ở châu Âu.
Tất cả những điều này không qua được con mắt của các nhà quan sát. Ông Wang Yiwei, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Châu Âu tại Đại học Nhân dân ở Bắc Kinh, cho biết: “Các cuộc biểu tình mang đến rủi ro lớn và Pháp cần một điểm nhấn ngoại giao, đặc biệt là khi nước này muốn đóng vai trò là nhà lãnh đạo châu Âu”.
Chương trình nghị sự của ông Macron sẽ bao gồm việc cố gắng tranh thủ sự ủng hộ của Trung Quốc để chấm dứt giao tranh ở Ukraine. Nhà lãnh đạo Pháp tin rằng Bắc Kinh có thể đóng vai trò “thay đổi cuộc chơi” nếu họ quyết định tận dụng mối quan hệ thân thiết với Nga.
Ngoài ra, thương mại cũng sẽ là ưu tiên hàng đầu của Tổng thống Macron khi ông mang theo một phái đoàn lớn gồm các nhà lãnh đạo doanh nghiệp, bao gồm đại diện của EDF, Alstom, Veolia và gã khổng lồ hàng không vũ trụ Airbus. Theo một quan chức Điện Elysée (Văn phòng Tổng thống Pháp), một thỏa thuận tiềm năng với nhà sản xuất máy bay châu Âu Airbus có thể đang được đàm phán sau khi Trung Quốc đặt hàng gần 300 máy bay Airbus trị giá 30 tỷ Euro vào năm 2019.
Bộ trưởng Tài chính Bruno Le Maire và Bộ trưởng Ngoại giao Catherine Colonna cũng đi cùng Tổng thống Pháp.
Trong một bài phát biểu về quan hệ với Bắc Kinh hôm 30/3, bà von der Leyen kêu gọi các nước EU “giảm thiểu rủi ro” do phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc. Bà cũng ngụ ý rằng EU có thể chấm dứt việc theo đuổi một thỏa thuận thương mại mang tính bước ngoặt với Trung Quốc, vốn đã đạt được vào năm 2020 nhưng từ đó đã bị đình trệ.
Nhận xét của bà von der Leyen đã gây ra phản ứng nhanh chóng từ các nhà ngoại giao Trung Quốc. Ông Fu Cong, đại sứ Trung Quốc tại Liên minh châu Âu (EU), nói với Mạng lưới Truyền hình Toàn cầu Trung Quốc (CGTN) hôm 31/3 rằng ông “hơi thất vọng” vì bài phát biểu đã “diễn giải sai về các chính sách và quan điểm của Trung Quốc”.
“Ngay cả khi ông Macron không đồng ý với sự rõ ràng của thông điệp này, nó sẽ đặt ra một số hạn chế đối với những gì ông ấy có thể làm và nói khi tới Bắc Kinh cùng bà von der Leyen – hoặc ông Macron sẽ có nguy cơ phá hỏng thông điệp của chính mình về sự thống nhất châu Âu”, ông Janka Oertel, giám đốc của chương trình châu Á tại Hội đồng quan hệ đối ngoại châu Âu, nhận định .
Minh Đức (Theo SCMP, Politico.eu)