Mức bảo hiểm tiền gửi tối đa người gửi tiền có thể nhận được là bao nhiêu trong trường hợp xảy ra rủi ro?

Chia sẻ Facebook
28/09/2022 08:58:49

Ngoài việc quan tâm tới lãi suất huy động, có bao giờ bạn thắc mắc tiền gửi tiết kiệm tại ngân hàng được bảo hiểm chi trả tối đa lên tới bao nhiêu? Quy trình, thủ tục và thời gian để nhận tiền bảo hiểm trong trường hợp xảy ra rủi ro là như thế nào?


Không khó để bắt gặp khái niệm "bảo hiểm tiền gửi" (BHTG) khi bạn gửi tiết kiệm tại 1 ngân hàng nào đó. Hiểu một cách đơn giản, nếu Tổ chức tín dụng (ngân hàng) chẳng may gặp sự cố, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam sẽ thay mặt Chính phủ đứng ra chi trả cho người gửi tiền.

Đây là biện pháp cuối cùng nhưng có ý nghĩa vô cùng quan trọng, không chỉ là một nghiệp vụ BHTG, bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền mà còn góp phần ổn định trật tự xã hội tại các địa phương, tạo cho người gửi tiền yên tâm và có lòng tin vào hệ thống các TCTD.

Quy định pháp luật hiện hành về bảo hiểm tiền gửi hiện nay là Luật số 06/2012/QH13 - Luật Bảo hiểm tiền gửi (sau đây gọi tắt là Luật) được ban hành ngày 18 tháng 6 năm 2012.


Theo đó, tiền gửi được bảo hiểm là tiền gửi bằng đồng Việt Nam của cá nhân gửi tại tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi dưới hình thức tiền gửi có kỳ hạn, tiền gửi không kỳ hạn, tiền gửi tiết kiệm, chứng chỉ tiền gửi, kỳ phiếu, tín phiếu và các hình thức tiền gửi khác theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng, trừ các loại tiền gửi quy định dưới đây.


Những loại Tiền gửi KHÔNG được bảo hiểm:

(1) Tiền gửi tại tổ chức tín dụng của cá nhân là người sở hữu trên 5% vốn điều lệ của chính tổ chức tín dụng đó.

(2) Tiền gửi tại tổ chức tín dụng của cá nhân là thành viên Hội đồng thành viên, thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Ban kiểm soát, Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng giám đốc (Phó Giám đốc) của chính tổ chức tín dụng đó; tiền gửi tại chi nhánh ngân hàng nước ngoài của cá nhân là Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng giám đốc (Phó Giám đốc) của chính chi nhánh ngân hàng nước ngoài đó.

(3) Tiền mua các giấy tờ có giá vô danh do tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi phát hành.

Hình ảnh minh họa - Nguồn Vtv.vn


Người được bảo hiểm tiền gửi (người gửi tiền) có quyền và nghĩa vụ: được bảo hiểm số tiền gửi của mình tại tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi theo quy định; được nhận tiền bảo hiểm đầy đủ và đúng thời hạn; yêu cầu tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi, tổ chức bảo hiểm tiền gửi cung cấp đầy đủ, chính xác thông tin, chế độ về bảo hiểm tiền gửi; khiếu nại, tố cáo, khởi kiện cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến bảo hiểm tiền gửi theo quy định của pháp luật; có nghĩa vụ cung cấp đầy đủ, trung thực thông tin về tiền gửi theo yêu cầu của tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi, tổ chức bảo hiểm tiền gửi khi thực hiện thủ tục trả tiền bảo hiểm.

Trong thời hạn 60 ngày, kể từ thời điểm phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm, tổ chức bảo hiểm tiền gửi có trách nhiệm trả tiền bảo hiểm cho người được bảo hiểm tiền gửi.


Theo Điều 25 của Luật, số tiền bảo hiểm được trả cho tất cả các khoản tiền gửi được bảo hiểm của một người tại một tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi bao gồm tiền gốc và tiền lãi nhưng tối đa chỉ bằng hạn mức trả tiền bảo hiểm.

Hạn mức trả tiền bảo hiểm được Thủ tướng Chính phủ quy định theo đề nghị của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong từng thời kỳ.

Hiện nay, hạn mức bảo hiểm tiền gửi được quy định là bao nhiêu?

Những năm đầu, khi chính sách bảo hiểm tiền gửi (BHTG) được triển khai tại Việt Nam, hạn mức BHTG (bao gồm cả gốc lẫn lãi) của một cá nhân tối đa là 30 triệu đồng, được quy định tại Nghị định số 89/1999/NĐ-CP ngày 01/9/1999 của Chính phủ.

Đến năm 2005, tại Nghị định số 109/2005/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 89/1999/NĐ-CP, hạn mức này được điều chỉnh lên 50 triệu đồng.

Từ ngày 05/8/2017, hạn mức BHTG đã được nâng từ 50 triệu đồng lên mức 75 triệu đồng theo Quyết định số 21/2017/QĐ-TTg. Việc điều chỉnh hạn mức BHTG thể hiện cam kết mạnh mẽ của Chính phủ, NHNN trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền. Tuy nhiên, hạn mức 75 triệu đồng được đánh giá là chỉ bảo vệ toàn bộ được 87,32% tại thời điểm hạn mức mới có hiệu lực.

Ngày 20/10/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 32/2021/QĐ-TTg về hạn mức trả tiền bảo hiểm, thay thế Quyết định số 21/2017/QĐ-TTg, trong đó quy định số tiền tối đa tổ chức bảo hiểm tiền gửi trả cho tất cả các khoản tiền gửi được bảo hiểm theo quy định của Luật Bảo hiểm tiền gửi (gồm cả gốc và lãi) của một người tại một tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi khi phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm là 125 triệu đồng. Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 12/12/2021.

Như vậy, hiện nay hạn mức bảo hiểm tiền gửi đang có hiệu lực là 125 triệu đồng.

Chia sẻ Facebook