Mùa Vu Lan, nghĩ về lạm dụng sự hy sinh
Thực tế, sự hy sinh của cha mẹ thường rất hay bị các bậc con cái thời nay lạm dụng. Lạm dụng một cách hồn nhiên vô tư.
Mùa Vu Lan báo hiếu là dịp để người ta nói nhiều đến công ơn sinh thành dưỡng dục của các bậc cha mẹ. Người ưa truyền thuyết huyền hoặc thường ôn lại tích tôn giả Mục Kiền Liên xuống địa ngục đặng cứu mẫu thân thoát khỏi trầm luân trong kiếp ngạ quỷ.
Người yêu văn nghệ thường đọc lại đoản văn “ Bông hồng cài áo ” của thầy Thích Nhất Hạnh, hoặc nghe lại ca khúc được “phổ văn” cùng tên của nhạc sỹ Phạm Thế Mỹ. Người thích dân gian dân tộc thì có thể lẩm nhẩm hát theo lời nghẹn ngào của xẩm thập ân “ Công cha ngãi mẹ sinh thành ” cùng cố nghệ nhân, bà trùm xẩm Hà Thị Cầu.
Hoặc là ca ngợi, tôn vinh đến tột bậc, hoặc là thấm thía, da diết tận thẳm sâu cõi lòng, trong nhận thức nói chung, công ơn của cha mẹ với con cái luôn được khẳng định trên hai phương diện. Thứ nhất, cha mẹ là những người tạo thành một sinh linh từ trong trứng nước và cấp cho nó cái giấy phép hạnh phúc được có mặt nơi cõi người. Thứ hai, cha mẹ sẵn sàng dành toàn bộ những gì tốt đẹp mà mình có, thậm chí cả mạng sống của mình, để vun đắp cho cái sinh linh ấy lớn dần lên và phát triển đến trạng thái hoàn hảo nhất có thể.
Ý nghĩa của cụm từ “sinh thành dưỡng dục” nằm trọn vẹn trong hai khẳng định này, mà trong đó, bao hàm cả sự hy sinh. Hy sinh như một phẩm tính tự nhiên và thường thấy ở các bậc làm cha làm mẹ với những đứa con do mình dứt ruột đẻ ra.
Ta thấy, không hiếm lắm đâu, những gia đình trong cảnh: khi cha mẹ về hưu, hoặc sắp về hưu, nói chung là đã vào tuổi già, thì con cái thành lập gia đình và bắt đầu sinh con.
Khi ấy, lấy đủ thứ lý do bận bịu công việc và sự nghiệp, không có thời gian, các bậc cha mẹ trẻ kia đẩy việc trông/ chăm con mình cho các bậc cha mẹ già. Vậy là, sau cả một quãng đời dài nuôi con vất vả, thay vì được nghỉ ngơi, các bậc cha mẹ già này, nay gọi là ông bà, lại lao vào công cuộc trông/ chăm cháu đầy mệt nhọc.
Phải nói là đầy mệt nhọc, và ai đã từng trải qua nỗi sữa, cháo, tã lót, khóc quấy, ươn mình, mọc răng, ốm sốt, tập bò, tập đi, tập đọc, tập viết, đến lớp đến trường... của một đứa trẻ, ắt sẽ thấy nó xứng đáng được gọi là một đại công cuộc.
Cái sự khó khăn trông/chăm trẻ nhỏ ấy sẽ được giảm thiểu rất nhiều và hoàn toàn không phải đẩy sang cho ông bà nếu như các bậc cha mẹ trẻ biết tính toán sắp xếp cuộc sống của mình một cách hợp lý, sao cho họ vẫn có thể sinh con, nuôi con, tự trông/ chăm con và vẫn bảo đảm hoàn thành công việc, sự nghiệp riêng.
Nhưng không, với nhiều cặp vợ chồng thì việc của họ là sinh con, việc trông/ chăm đứa con ấy là việc của ông bà. Như một mặc định. Thậm chí họ còn khuyên nhau, đại khái: “ đẻ đi, đang lúc ông bà còn khỏe, để ông bà trông con cho ”, cứ như thể ông bà là osin tiềm năng và thường trực. Tất nhiên sẽ có những ông bà vui vẻ chấp nhận.
Cũng có những ông bà miễn cưỡng gánh trách nhiệm, với ý nghĩ: “ thôi đành, chúng nó làm việc vất vả, nên mệt mỏi mấy cũng phải giúp các con một tay, đằng nào cũng là con là cháu, ruột thịt của mình cả ”. Dù sao chăng nữa, đó cũng vẫn là biểu hiện của tính dựa dẫm, biểu hiện của việc con cái lạm dụng sự hy sinh của cha mẹ.
Nhưng cũng có những ông bà rất rõ ràng về quan điểm, như đạo diễn Lê Hoàng từng phát biểu trên báo: “ Tao nuôi con tao, mày nuôi con mày. Chẳng có cớ gì mày sinh con mày nhưng lại bắt tao phải trông phải chăm nó?”
Phải nghĩ được như thế, thì những người con mới thực là biết ơn cha mẹ mình, và từ đó mới biết cách báo hiếu đúng với công sinh thành dưỡng dục của cha mẹ, chứ không chỉ là hát đi hát lại những câu hát quen đến nhàm miệng trong mùa Vu Lan.
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.