“Mùa” tổng kết năm học…

Chia sẻ Facebook
31/05/2023 08:41:10

Giờ đời sống phát triển, gì cũng có, chỉ cần có... tiền. Cái món tổng kết, liên hoan, cứ hô hào nộp tiền xong là ra nhà hàng đặt.


Một tờ báo hôm qua chạy cái tít: “Có nên tổ chức lễ tổng kết năm học trăm bàn như tiệc cưới” kèm cái hình một cái nhà mênh mông hàng trăm mâm cỗ la liệt như một tiệc cưới hạng sang của một trường trung học cơ sở ở Quảng Ninh .

Thì mới giật mình, đúng là đang mùa... tổng kết năm học, muôn hình vạn trạng kiểu tổng kết.

Giờ cũng tiện, đời sống phát triển, gì cũng có, chỉ cần có... tiền. Cái món tổng kết, liên hoan, cứ hô hào nộp tiền xong là ra nhà hàng đặt. Có cữ cả rồi, bao nhiêu một mâm, đặt bao nhiêu mâm cũng có. Thích thì ra nhà hàng, không thì nhà hàng về tận... trường, quây sân trường lại thành... nhà hàng, thầy trò, quan khách, phụ huynh tha hồ chúc nhau đã hoàn thành năm học.

Thì cũng hôm qua, trên mạng, trôi nổi cái thiệp mời của hội cha mẹ học sinh liên lớp 5B, 5N, 5G, 5P... nào đó, mời tới dự lễ tổng kết và tri ân nhân dịp kết thúc khóa học 2018- 2023 rất đẹp. Nhưng phía dưới cái thiệp là lời kể “Lớp có 43 cháu, mỗi cháu 550.000. Phụ huynh đi kèm 200.000. Phụ huynh rất bức xúc”. Tất nhiên những gì trôi nổi trên mạng thì cũng chưa đáng tin lắm, nhưng chuyện cuối năm phụ huynh đóng tiền để liên hoan cũng không phải là cá biệt, nên cái tin trôi nổi kia nó càng... trôi nổi.


Một cô giáo dạy ở một trường huyện của tỉnh Gia Lai kể cho tôi: Lớp học sinh Jrai của trường cô thì giáo viên chủ nhiệm cho thêm 200 ngàn cộng tiền nuôi heo cả năm của lớp được 100 ngàn là 300 ngàn liên hoan cuối năm. Lớp 9 cũng của xã ấy quỹ cả năm còn 3 triệu, mỗi phụ huynh góp 100 ngàn. Các phụ huynh có điều kiện ủng hộ được 15 triệu là đủ liên hoan cuối cấp, và quà lưu niệm cho trường trước khi lên cấp mới.

Và cái xã ấy tôi biết, nó nằm ngay trên quốc lộ, tức là cũng còn xênh xang chán so với các xã phía trong... núi xa.


Thực ra cái sự cuối năm, nhất là lớp cuối cấp, cha mẹ học sinh góp tiền tổ chức cho con mình, và mời các thầy cô, vừa tri ân vừa chia tay, ghi nhớ một thời sẽ trở thành ký ức đẹp sau này, cũng là cái sự tốt. Nhưng vấn đề là, làm sao để hài hòa, để không phản cảm, để không trở thành gánh nặng của gia đình các cháu học sinh chưa/ không đủ điều kiện. Và đặc biệt, không trở thành nỗi mặc cảm, sự tự ti cho các cháu có hoàn cảnh khó khăn.

Cũng như có hồi, liên miên các cuộc liên hoan mừng các cháu đỗ đại học. Nó vừa là sự hân hoan vui mừng, vừa như trút gánh nặng, vừa là dịp để bà con anh em “mừng” cho cháu (ý văn học là phong bì), vừa tri ân các thầy cô dạy cháu, lại cả vừa như sự hãnh diện, sự khoe... nhưng giờ thấy ít rồi, bởi hầu như học xong Trung học phổ thông, các cánh cửa trường đại học đều mở rất rộng. Thậm chí người ta còn la làng là con chưa học xong phổ thông đã có giấy mời vào trường đại học. Tức cái sự vào đại học nó đã bão hòa rồi, thì cái sự liên hoan mừng đỗ nó cũng tự tắt. Tất nhiên vẫn có những cuộc liên hoan, nhưng nó không rầm rộ, không ào ạt, không liên miên như trước...

Những năm gần đây có các hội phụ huynh học sinh gắn với các trường, nên các cuộc liên hoan, tri ân, chào mừng, các hoạt động của học sinh... thường do các hội phụ huynh này tổ chức. Mà tổ chức thì phải có... tiền. Hội nào mạnh, tức là có dăm ba anh chị “có điều kiện” trong hội thì còn đỡ, không thì bổ đầu người, và vì thế các cuộc họp đầu năm và cuối năm đa phần bàn về chuyện... đóng góp, về chuyện tiền và hàng trăm tấn bi hài kịch từ đây mà ra, năm nào cũng có.

Và thực ra, cũng không phải bây giờ các cuộc liên hoan, chia tay cuối năm, cuối cấp mới diễn ra. Tôi nhớ khoảng năm 1972, đang còn chiến tranh, chúng tôi học xong lớp 7, tức hết cấp 2 thời ấy ở Thanh Hóa, chả nhớ ai tổ chức, nhưng lớp tôi được chén một trận ra trò, một con... chó. Hình như có gia đình một bạn trong lớp cho, bố bạn ấy tới làm giúp, chúng tôi mỗi đứa đóng... một bò (lon) gạo. Và vừa ăn vừa viết lưu bút trên một cuốn sổ tay chuyền nhau. Tôi có cuốn của ba cho, còn các bạn đa phần là tự đóng.

Lại nhớ hôm nọ uống cà phê, thấy một cái xe tải chở hàng lùi vào nhà bên cạnh. Mấy thùng hàng được bốc xuống. Té ra nhà ấy có cô con gái năm nay học hết 12, lớp tổ chức chụp ảnh kỷ yếu. Nguyên tiền thuê quần áo mỗi bạn đóng 500 ngàn, tiền thuê chụp ảnh riêng. Giờ các cháu ra trường cũng sướng, tất nhiên cũng phải có điều kiện nữa, ngoài lớp còn nhóm với nhau, đủ kiểu tổ chức.

Ảnh minh họa.

Tôi cũng nhớ ngày mình học xong cấp 3, đợi khoảng một tháng sau khi thi tốt nghiệp, đạp xe xuống trường, thấy tên mình dán ở cái bảng, ô tốt nghiệp. Thế là đạp xe về khoe với mẹ. Mẹ bảo, mẹ mới mua mớ ốc, để mẹ luộc liên hoan con tốt nghiệp cấp 3.

2 năm trước, tôi có về lại xứ Thanh cùng các bạn kỷ niệm 45 năm ra trường. Tiếc, chả còn giữ được cuốn lưu bút ngày xưa, bạn bè giờ đã nên ông nên bà hết. Cái đứa xinh nhất lớp ngày xưa tôi rất thích mà chỉ dám nhìn từ xa, giờ ngồi cạnh mà mãi cuối buổi mới nhận ra vì cứ tưởng nó là... phụ huynh đi họp thay con, thì cũng đúng lúc nó quáng quàng phải về để giữ cháu...


* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.

Chia sẻ Facebook