'Mua thuốc qua UNDP, Nhà nước Việt Nam có thể tiết kiệm 50% tiền mua thuốc'
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Đào Khánh Tùng - cán bộ Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) tại Việt Nam - cho biết Nhà nước có thể tiết kiệm 50% tiền mua thuốc theo cách thức tổ chức này đã và đang hỗ trợ các nước mua thuốc, vật tư y tế.
Ông Tùng nói: Cứ khoảng 2 năm chúng tôi sẽ tổ chức đấu thầu toàn cầu một lần, sau đó đàm phán với các nhà sản xuất, nhà cung ứng thuốc và vật tư y tế trên toàn thế giới nhằm giúp các nước nghèo và đang phát triển tiếp cận các nguồn cung thuốc generic (thuốc phiên bản), biệt dược và các hàng hóa y tế khác đúng với giá của chúng.
Mục đích của UNDP khi hỗ trợ như vậy là để giảm tối đa các khâu trung gian, tránh tình trạng qua mỗi khâu giá lại bị đẩy lên, đảm bảo an toàn và minh bạch giá. Điều đó đem lại lợi ích không chỉ cho người bệnh mà còn tiết kiệm được đáng kể cho ngân sách các nước vốn đã eo hẹp.
Nếu không phải "cõng" chi phí "lót tay"
* Vì sao có thể tiết kiệm được 50% tiền mua thuốc theo cách của UNDP, thưa ông?
- Cần phải nói rõ rằng chúng tôi không phải là nhà sản xuất hay cung cấp thuốc mà chúng tôi là bên gọi thầu quốc tế và hỗ trợ, tìm kiếm những loại thuốc mà các nước đang cần, từ đó giúp ổn định giá cả thuốc men và tăng cường năng lực đấu thầu cho họ.
Trong hơn 20 năm qua, UNDP đã hỗ trợ được trên 30 nước theo cách thức như vậy, còn tính riêng trong đại dịch COVID-19 vừa qua là hơn 100 nước được tiếp cận vắc xin, trang thiết bị y tế như máy xét nghiệm và đồ bảo hộ y tế. Nguyên tắc của chúng tôi là phi lợi nhuận và việc giúp các nước có được đúng, đủ thuốc và thuốc đấy an toàn, đến được nhiều người là nghĩa vụ của UNDP.
Giả sử doanh nghiệp cung cấp thuốc không phải "cõng" những chi phí như "lại quả" hay "lót tay", thuốc do UNDP gọi thầu quốc tế vẫn thấp hơn thuốc của các doanh nghiệp này khoảng 20%. Chênh lệch này là do các tính toán của doanh nghiệp về lợi nhuận, chi phí nhân sự và các chi phí khác. Chúng tôi có lợi thế là một cơ quan của Liên Hiệp Quốc, có mối quan hệ rộng và tiếp cận trực tiếp chuỗi cung ứng thuốc, vật tư y tế và vì theo nguyên tắc phi lợi nhuận nên giá lúc nào cũng rẻ hơn.
* Như ông nói, UNDP có thể hỗ trợ kỹ thuật để Việt Nam mua thiết bị, vật tư y tế, thuốc men giá hợp lý. Những mặt hàng nào có thể mua thông qua hình thức này?
- UNDP có thể hỗ trợ cung cấp gần như tất cả các loại thuốc, kể cả thuốc gây nghiện hướng thần. Chúng tôi có các hợp đồng dài hạn với các nhà sản xuất và gọi thầu với số lượng lớn nên đó là một lợi thế mà Việt Nam có thể tận dụng để tìm các loại thuốc đang cần. Giả sử thuốc đấy không nằm trong hợp đồng của UNDP, chúng tôi vẫn có thể gọi thầu và tìm nhà cung cấp cho Việt Nam trong thời gian ngắn.
Năm 2019, Bộ Y tế Việt Nam có đề nghị UNDP giúp đỡ mua thuốc gây nghiện hướng thần. Chúng tôi đã chuẩn bị nhiều thông tin, so sánh giá cả nhưng cuối cùng vì nhiều lý do mà việc gọi thầu vẫn chưa làm được cho đến nay.
Một ví dụ gần đây là trong dịch COVID-19, chúng tôi đã hỗ trợ Bộ Y tế Việt Nam mua máy xét nghiệm PCR trong lúc mặt hàng này khan hiếm. Chỉ khoảng 2 tháng là máy về đến Bộ Y tế, đó là một thời gian rất ngắn trong bối cảnh nhiều nơi cũng đang "khát" loại máy này với giá chỉ bằng 1/2 mua sắm trong nước.
Những rào cản
* Theo ông vì sao có mức giá rẻ như vậy?
- Gần đây nhất Trung tâm đấu thầu tập trung của Bộ Y tế đã gửi danh mục 69 loại thuốc biệt dược sẽ đàm phán giá, đấu thầu trong năm nay sang UNDP, nhờ cung cấp thông tin giá cả làm cơ sở so sánh giữa giá đàm phán trong nước và giá do UNDP hỗ trợ, cân nhắc thiệt hơn. Chúng tôi đã xem xét và nhận thấy có sự chênh lệch cực kỳ lớn giữa giá kế hoạch và giá UNDP mua, có những loại chúng tôi giúp mua có giá chỉ bằng khoảng 20% giá kế hoạch.
Cũng cần phải nói là giá kế hoạch dựa trên giá của doanh nghiệp trúng thầu các năm trước. Điều đó phản ánh một thực tế là trong những năm qua, giá thuốc ở Việt Nam đã ở mức cao và chưa thật sự bình ổn. Chúng tôi rất mong muốn có thể giúp Việt Nam xây dựng được một ngân hàng giá tham chiếu các loại thuốc, hỗ trợ cho việc đấu thầu và xây dựng năng lực đấu thầu chuyên nghiệp cho ngành y tế Việt Nam.
* Từ năm 2017, UNDP và Bộ Y tế đã có một bản ghi nhớ xung quanh việc này nhưng đến nay vẫn chưa được thực hiện, có rào cản không, thưa ông?
- Theo quan điểm của tôi, những rào cản hiện nay cho sự hỗ trợ của UNDP với Việt Nam là có thể vượt qua được. Đầu tiên, vì UNDP không phải là một doanh nghiệp nên không thể xuất hiện trong đơn mời thầu. Cần xem đây là một dự án hỗ trợ Việt Nam mua thuốc, chúng tôi chỉ hỗ trợ về mặt kỹ thuật và sự hỗ trợ đấy chỉ trong một thời gian nhất định.
Thứ hai là cơ chế tài chính hiện nay chưa cho phép tiền ngân sách được chuyển cho các bên không thuộc nhà nước mà không thông qua đấu thầu. Điều này hoàn toàn có thể giải quyết được nếu vận dụng điều 26 của Luật đấu thầu bởi vì UNDP là một tổ chức của Liên Hiệp Quốc, không phải là doanh nghiệp.
Chính phủ Việt Nam sẽ chi trả toàn bộ tiền mua sắm trong dự án, thường là sẽ thừa tiền và số tiền sau đó sẽ được chuyển trả lại nếu Chính phủ quyết định không mua thêm thuốc hay trang thiết bị y tế. Về khoản minh bạch, chúng tôi đảm bảo yếu tố này trong suốt quá trình từ đầu đến khi quyết toán, thể hiện đầy đủ trong báo cáo tài chính sẽ gửi.
Năm 2020, Việt Nam từng đề nghị UNDP hỗ trợ mua khẩu trang N95, lãnh đạo Chính phủ khi đó cho phép tiến hành và mọi việc được Bộ Y tế giao cho Bệnh viện Bạch Mai làm đơn vị đầu mối ký thỏa thuận dự án với UNDP nhưng không rõ lý do gì mà mãi họ không ký. Đến lúc tình hình ở Việt Nam quá cấp bách, chúng tôi buộc phải chuyển tiền từ một dự án khác sang dự án mua khẩu trang.
Trong lúc lô hàng đang chờ làm thủ tục xuất khẩu thì có lệnh của nhà chức trách Pháp - nơi đặt nhà máy sản xuất - cấm xuất tất cả khẩu trang để bảo đảm nguồn cung trong nước. Vậy là lô hàng ấy cuối cùng không thể về đến Việt Nam. Những dự án hỗ trợ của UNDP không phải là chưa từng có ở Việt Nam. Chúng tôi cũng đã từng hỗ trợ mua giúp vắc xin 5 trong 1 và xe cấp cứu với giá rất tốt.
Giúp bình ổn giá, đỡ mất cán bộ
* Theo ông, những hỗ trợ này có giúp bình ổn giá thuốc và giải quyết vấn nạn thiếu thuốc men, thiết bị hiện nay?
- Các hoạt động chống tham nhũng vừa qua ở Việt Nam cho thấy giá thuốc và thiết bị y tế ở Việt Nam "cõng" rất nhiều chi phí không tên cũng như thực trạng tham nhũng trong ngành y tế. UNDP đi đầu trong các nỗ lực minh bạch hóa và có dự án chống tham nhũng trong ngành y tế, đấu thầu ở Việt Nam.
Tôi tin sự hỗ trợ của UNDP sẽ giúp ổn định tình hình giá thuốc ở Việt Nam, bởi vì sẽ không có bất kỳ chi phí "lót tay" nào phát sinh. Mỗi loại thuốc có giá khác nhau nhưng tính chung, nếu có sự hỗ trợ của UNDP, Việt Nam có thể tiết kiệm được khoảng 50% ngân sách dành cho việc mua thuốc. Chúng tôi có thể chỉ hỗ trợ xây dựng năng lực quản lý giá thuốc, chống tham nhũng trong ngành y tế Việt Nam khoảng 5 năm và sẽ ngừng hỗ trợ khi Việt Nam có thể tự đảm bảo minh bạch trong việc mua sắm thuốc, vật tư và trang thiết bị y tế.
Việc đấu thầu tập trung là một ý hay nhưng còn bất cập ở chỗ hiện nay nơi nào cũng có thể gọi thầu tập trung. Ở một số quốc gia, UNDP đã hỗ trợ họ thành lập một cơ quan quốc gia chuyên đấu thầu thuốc men và thiết bị y tế. Điều này giúp có được nguồn nhân lực chuyên nghiệp, có năng lực trong đấu thầu vì "nhất nghệ tinh, nhất thân vinh", không thể bắt một người làm y lại rành rẽ chuyện đấu thầu được.
* Việt Nam có nhiều doanh nghiệp dược được đầu tư khá bài bản, nếu gọi thầu quốc tế như vậy, ông có nghĩ sẽ ảnh hưởng đến những doanh nghiệp này?
- Các doanh nghiệp cần tự điều chỉnh lại cách kinh doanh của mình trước và tuân theo khuôn khổ minh bạch thay vì tỏ ra "khôn lỏi" hay nghĩ rằng đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn. Nếu cứ kinh doanh theo cách cũ, họ sẽ tự đào thải mình ra khỏi ngành. Với những doanh nghiệp này, tôi khuyên họ nên tham gia thị trường đấu thầu cho các bệnh viện tư. Đó là một môi trường sẽ rèn luyện họ cho cuộc chơi minh bạch.
Việc tính toán giá thuốc như thế nào là hợp lý để các doanh nghiệp đủ trang trải các chi phí cần thiết và có lợi nhuận nên do Bộ Tài chính làm (hiện do Bộ Y tế vừa thẩm định giá vừa tổ chức đấu thầu).
* Theo ông, với cách thức hỗ trợ của UNDP, liệu có thể hạn chế được những tiêu cực trong mua sắm thuốc, vật tư y tế?
- Ngành y tế là bên sử dụng sản phẩm thuốc, trang thiết bị nhưng hiện lại là người quy định và quản lý giá. Vì vậy, có một vấn đề là người được đào tạo về y tế lại làm việc kiểm soát và quản lý giá, trong khi các bác sĩ, dược sĩ không thể biết thấu đáo về tài chính, về bài toán kinh tế và giá. Chúng tôi vẫn cho rằng giá phải là do các bộ chuyên về giá, về sản xuất như Bộ Tài chính hoặc Bộ Công thương, còn bộ chuyên ngành chỉ nên quản lý về chuyên môn.
Tôi cũng tiếc là nếu Việt Nam tận dụng được các hợp đồng dài hạn với các nhà sản xuất lớn khi ký bản ghi nhớ với UNDP từ năm 2017 tới nay thì sẽ nhận được nhiều lợi ích. Thứ nhất là mua với giá tốt, tiết kiệm được ngân sách, thứ hai là góp phần kiểm soát giá ở thị trường trong dịch COVID-19 vừa rồi. Và quan trọng là nhờ đó có thể có ít người vướng phải sai phạm hơn, đỡ bị mất cán bộ do số người bị bắt hay bị khởi tố sẽ giảm hơn do họ có cơ sở về giá rồi.
Câu chuyện thuốc trị viêm gan C
Năm 2019, giá một phác đồ điều trị 6 tháng cho người viêm gan C mà UNDP hỗ trợ mua khoảng 60 - 90 USD nhưng cùng thời điểm đó, giá một liệu trình điều trị tại Việt Nam là 60.000 USD, tại Thái Lan là khoảng 11.000 USD. Việc giá thuốc của UNDP rẻ là do đây là thuốc generic, không bị vướng bản quyền trong khi liệu trình ở Việt Nam là thuốc biệt dược.
Theo ông Đào Khánh Tùng, so sánh giữa thuốc generic và thuốc biệt dược là có phần hơi khập khiễng nhưng điều này cho thấy với cùng một số tiền sẽ mua được nhiều thuốc generic hơn, mang lại cơ hội sống cho nhiều người thu nhập thấp và trung bình.
Vướng mắc vì sao?
Từ năm 2017, UNDP và Bộ Y tế đã có một văn bản ghi nhớ để UNDP có thể hỗ trợ về kỹ thuật cho Việt Nam trong đấu thầu mua thuốc, vật tư y tế, tuy nhiên sau đó phía Bộ Y tế cho rằng chưa có quy định nên mọi việc chưa tiến triển.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, một lãnh đạo Trung tâm mua sắm thuốc tập trung quốc gia cho biết qua nhiều lần bàn thảo, hiện hợp tác này đang được đẩy nhanh, theo hướng xây dựng một văn bản quy định riêng việc mua sắm thông qua UNDP và các tổ chức quốc tế theo điều 26 Luật đấu thầu. Văn bản này đã trải qua một số lần dự thảo và các thuốc Việt Nam sẽ nhờ UNDP hỗ trợ đầu tiên là thuốc điều trị cho bệnh nhân HIV/AIDS (thuốc ARV), thuốc độc - nghiện và một số mặt hàng khác.
Vị này cũng cho biết trong thực tế UNDP từng mua hộ Việt Nam xe cho các vụ, cục và xe cứu thương. "Loại xe hồi đó Việt Nam đang mua với giá 50.000 USD/xe nhưng UNDP mua chỉ với giá 30.000 USD, hay vắc xin 5 trong 1 mua qua một tổ chức quốc tế khác với giá chỉ bằng 1/5 so với giá Việt Nam mua...
Năm 2018 cũng có một tổ chức quốc tế đến cho biết họ có thể hỗ trợ mua thuốc điều trị viêm gan C, lúc đó chúng ta mua bình quân 18 triệu đồng/tháng/bệnh nhân nhưng họ có thể giúp mua giá 12 triệu đồng với sản phẩm và chất lượng tương đương. Nhưng rồi việc này cũng không thành.
Vừa qua đấu thầu thuốc ARV cho bệnh nhân HIV/AIDS, có một hoạt chất từ 2018 đến nay chỉ có một nhà cung ứng, giá trúng thầu chính xác giá mời thầu đến đơn vị đồng, nhưng nếu UNDP tham gia thì giá thuốc ấy giảm chỉ còn 50 - 60% thôi. Tiền thuốc đang chiếm đến 60% chi phí y tế, nếu tiền thuốc giảm thì chi phí cho dịch vụ sẽ tăng, nâng được chất lượng dịch vụ y tế", vị lãnh đạo ở Trung tâm mua sắm thuốc tập trung quốc gia cho biết.
Mua thuốc tập trung sẽ rẻ hơn
Ông Trần Hào Hùng - cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu, Bộ Kế hoạch và đầu tư - cho biết các trường hợp mua thuốc thông qua các tổ chức quốc tế như UNDP thời gian qua đã áp dụng theo điều 26 của Luật đấu thầu. Bộ Kế hoạch và đầu tư đã nhiều lần đề xuất Chính phủ cho áp dụng lựa chọn nhà thầu theo hình thức đặc biệt như vậy, quá trình thực hiện cũng không vướng gì.
"Với trường hợp gói thầu, dự án xuất hiện các điều kiện đặc thù, riêng biệt mà không thể áp dụng các hình thức lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư quy định tại các điều 20, 21, 22, 23, 24 và 25 của luật thì người có thẩm quyền trình Thủ tướng xem xét, quyết định phương án lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư", ông Hùng nói.
Ông Hùng cũng cho biết đây là trường hợp đặc biệt, khi đó các hình thức đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế, chỉ định thầu không áp dụng được. Tuy nhiên, với đề xuất cụ thể về việc giao UNDP đứng ra mua thuốc tập trung thay cho cơ quan y tế Việt Nam, ông Hùng cho biết ông không bình luận cụ thể gì thêm. Bởi hiện nay Bộ Y tế chưa làm rõ cơ chế mua sắm thế nào, nhiều khi nói thì dễ nhưng để thực thi được cần nhiều yếu tố hơn.
Còn vấn đề vì sao cơ chế đấu thầu mua sắm thuốc tập trung đã được quy định cụ thể trong Luật đấu thầu, Bộ Y tế, một số địa phương nhiều năm nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được, ông Hùng giải thích là do ngành y tế có nhiều vấn đề tồn tại, vừa qua Thủ tướng đã phê bình rồi. Bộ Y tế tổ chức hoạt động đấu thầu mua sắm thuốc, thiết bị y tế tập trung quá chậm. Trong khi hoạt động đấu thầu thuốc tập trung có lợi thế tận dụng được mua sắm thuốc quy mô lớn với những mặt hàng thuốc chất lượng với giá cả phù hợp hơn.
Trong khi đó, TS Nguyễn Việt Hùng, một chuyên gia nhiều năm về đấu thầu, cho hay UNDP là cơ quan trực thuộc Liên Hiệp Quốc có nhiều năm kinh nghiệm trong tổ chức mua sắm thuốc tập trung cho các nước trên thế giới. UNDP là một tổ chức độc lập, họ phải bảo vệ danh dự của mình nên chắc chắn họ sẽ mua thuốc với giá hợp lý nhất.
Cũng theo vị chuyên gia này, nếu chúng ta tin tưởng, giao cho UNDP mua sắm thuốc theo điều 26 của Luật đấu thầu thì quá tốt bởi họ là một tổ chức chuyên nghiệp trong hoạt động đấu thầu mua sắm. "Việt Nam từ lâu đã muốn thực hiện đấu thầu mua sắm thuốc tập trung nhưng các chuyên gia đấu thầu trong nước chưa đủ khả năng làm tốt công việc này. Đây là cái hạn chế của chúng ta", ông Hùng nói.
Bộ Y tế hoàn toàn có thể đứng ra thuê UNDP thực hiện mua sắm thuốc tập trung giúp các cơ sở y tế công lập trong nước, như vậy sẽ tiết kiệm được rất nhiều, bảo đảm tính minh bạch trong đấu thầu. Nhiều quốc gia đã phối hợp với UNDP trong hoạt động mua sắm thuốc, thiết bị y tế tập trung. UNDP mua từ gốc, biết được thông tin trực tiếp từ nhà sản xuất chứ không qua trung gian.
Lãnh đạo Cục Quản lý đấu thầu, Bộ Kế hoạch và đầu tư nhận định đấu thầu thuốc tập trung có lợi thế tận dụng được mua sắm thuốc quy mô lớn với những mặt hàng thuốc chất lượng, giá cả phù hợp hơn.
B.NGỌC
Kết quả cuộc khảo sát do Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng UNDP tiến hành công bố hồi cuối tháng 6 cho thấy nhiều khó khăn của doanh nghiệp khi tham gia đấu thầu trong ngành y ở các địa phương.
Theo khảo sát của VCCI - UNDP, trong năm 2021 tỉ lệ doanh nghiệp chủ động tự đưa "hoa hồng" là 32,8%. Khoảng 21,3% doanh nghiệp đấu thầu ngành y nhận được "gợi ý" hoa hồng từ cán bộ phụ trách bên mời thầu, chủ đầu tư.
Kinh nghiệm từ Ukraine
Năm 2015, UNDP Ukraine đã trở thành đối tác của Bộ Y tế Ukraine trong việc đấu thầu thuốc, thiết bị y tế và các sản phẩm y tế. Theo tính toán của Bộ Y tế Ukraine năm 2020, kể từ khi có sự hỗ trợ của UNDP, họ đã tiết kiệm được khoảng 40% ngân sách. Giá thuốc điều trị ung thư máu Imanitib đã giảm 67 lần so với trước đây. Số người được điều trị các tình trạng như HIV đã tăng từ 50.000 lên 113.000 mà không cần tăng ngân sách.
"Khi chúng tôi nhận được báo giá đầu tiên, chúng tôi đã bị sốc. Giá thuốc điều trị ung thư máu Imanitib đã giảm 67 lần so với trước đây. UNICEF đã mua vắc xin bại liệt từ cùng một nhà sản xuất với giá rẻ hơn 8 lần so với giá mà Bộ Y tế Ukraine trước đây đã mua. Người ta đã rửa tiền bằng thuốc theo một cách quá kinh khủng", bà Olha Stefanyshyna, thứ trưởng Y tế Ukraine từ năm 2017 - 2019, nhớ lại.
Một ví dụ khác là về thuốc điều trị viêm gan C thế hệ mới. Năm 2016, chỉ có khoảng 1.000 người ở Ukraine được sử dụng thuốc điều trị viêm gan siêu vi B và C do giá thuốc cao. Nhưng sang năm 2017, Ukraine đã mua được thuốc điều trị viêm gan C thế hệ mới là Sofosbuvir/Daklatasvir thấp nhất trên thế giới, chỉ 86 USD/liệu trình. Kết quả là tính đến năm 2019, hơn 15.600 bệnh nhân đã được điều trị cứu sống, còn UNDP giúp Ukraine tiết kiệm được 4,3 triệu USD nhờ đàm phán với các nhà sản xuất và ký hợp đồng dài hạn.
Kinh nghiệm thành công của UNDP Ukraine trong việc mua sắm thuốc đã trở thành một minh chứng mạnh mẽ và được nhân rộng tại các quốc gia khác là Azerbaijan, Bosnia và Herzegovina, Kazakhstan, Moldova, Turkmenistan và Uzbekistan.
DUY LINH
Gia hạn các hợp đầu trúng thầu trước đây từ 6 tháng đến 1 năm và xác định thế nào là "tình huống cấp bách" là 2 vấn đề được giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy kiến nghị Phó thủ tướng Vũ Đức Đam trong buổi làm việc chiều 30-6.