Mua ô tô trước tuổi 30: Tiền mua có, tiền "nuôi" xe mới khó
Không ít người trẻ đặt ra mục tiêu mua ô tô trước tuổi 30 và đạt được. Nhưng khoản tiền "nuôi xe" hàng tháng, với họ, lại là áp lực.
Người trẻ mua xe bằng cách nào?
Thời sinh viên, Nguyễn Trung Kiên, sinh năm 1997 ở Hải Phòng, từng đặt ra mục tiêu năm 26 tuổi mua ô tô , trước năm 30 tuổi sẽ mua nhà. Năm nay, bước sang tuổi 25, Kiên đã vượt kế hoạch khi sở hữu chiếc Kia K3 với giá chưa lăn bánh là 639 triệu đồng và dự kiến nhận xe vào tháng 7 tới.
"Mình đã phải làm việc chăm chỉ suốt 4 năm để có tiền mua xe. Thậm chí, mình còn hạn chế việc chi tiêu cho bản thân hay cắt giảm những chuyến du lịch, tụ tập để có tiền hiện thực hóa giấc mơ. Và mình đã làm được", Kiên hào hứng chia sẻ.
9x Hải Phòng này cho biết bắt đầu thực hiện mục tiêu mua ô tô từ năm 2018. Thời điểm đó, Kiên đã thôi học đại học và ra ngoài khởi nghiệp. Trừ hết chi phí ăn ở, thuê cửa hàng bán tranh, đồ lưu niệm, Kiên tiết kiệm được 8 triệu đồng/tháng. Cuối năm đó tổng kết, Kiên có 96 triệu đồng tiết kiệm và được mẹ cho thêm 4 triệu đồng cho tròn 100 triệu đồng.
"Sang năm 2020, mình bị gẫy chân nên phải trở về Hải Phòng một thời gian dài để điều trị. Do đó, mình đã đóng cửa hàng ở Hà Nội và về quê khởi nghiệp với nghề vẽ tranh chân dung, vẽ tranh sơn tường và thi công các công trình xây dựng ở các tỉnh lân cận", Kiên cho biết.
Khi chuyển cửa hàng về nhà, Kiên không mất tiền thuê mặt bằng, tiền ăn hàng tháng nên mỗi tháng chàng trai tiết kiệm được 15 triệu đồng vào quỹ mua xe. Sau 3 năm về quê, Kiên tiết kiệm được 540 triệu đồng, đủ để mua được một chiếc xế hộp tầm trung.
"Đến giờ mình thấy quyết định mua ô tô là đúng đắn vì tính chất công việc của mình hay phải di chuyển qua các tỉnh. Nếu mình bắt xe khách, đi xe máy nhiều khi cũng bất tiện, nhất là hôm nào đi công trình về muộn hay trời mưa to, ngập lụt", Kiên tâm sự.
Tuy nhiên, chàng trai này cũng tiết lộ, số tiền tiết kiệm hàng tháng có thể ít hơn hoặc nhiều hơn con số đặt ra. Ví dụ, tháng 1, Kiên chỉ để ra được 10 triệu đồng do phía đối tác chưa thanh toán hết, đến tháng 2 khi nhận được tiền, anh sẽ bỏ vào quỹ là 20 triệu đồng để đạt mục tiêu.
Vì nhà có con nhỏ và công việc hay phải di chuyển nhiều, Quốc Dũng, sinh năm 1993 ở Nam Từ Liêm (Hà Nội) quyết định vay ngân hàng để mua xe. Năm 2019, vợ chồng anh mua chiếc Hyundai Elantra với giá lăn bánh là hơn 700 triệu đồng, trong đó 500 triệu đồng là tiền vay ngân hàng. "Mỗi tháng 2 lần, vợ chồng tôi đều đưa con về Nam Định thăm ông bà nội ngoại. Đó còn chưa kể có những tháng tôi phải về quê tới 3 - 4 lần để lo công việc vì chúng tôi là con cả trong gia đình. Do đó, việc mua xe với gia đình tôi là cần thiết", Dũng nói.
Anh cho biết, gia đình anh chọn dòng xe trên vì khá tiết kiệm xăng và có phí sửa chữa bảo dưỡng không quá cao. Dù di chuyển nhiều nhưng mỗi tháng anh chỉ tốn khoảng 3 triệu đồng tiền xăng.
Việc sở hữu một chiếc ô tô, theo anh Dũng, không khó vì ngân hàng hiện có nhiều khoản vay ưu đãi cho khách hàng. Nhưng sau đó, người mua có chịu được áp lực trả nợ hàng tháng, tiền xăng xe, phí đỗ xe, chi phí bảo dưỡng hay không lại là chuyện khác.
"Ở quê thì chỉ cần mua xe, đổ xăng là chạy, chứ ở các thành phố lớn như TP Hồ Chí Minh hay Hà Nội, chi phí đỗ xe có thể ngốn một khoản tiền kha khá, từ 2-3 triệu đồng/tháng. Vì vậy, nhiều gia đình trước khi mua xe cần tính đến vấn đề này", Dũng chia sẻ.
Mua xong ô tô rồi thì lại đau đầu vì tiền "nuôi" xe
Nhưng không phải ai cũng "nuôi" được xe sau khi mua, nhất là nếu tiền dùng để mua xe lại là tiền đi vay.
Mua xe rồi lại bán xe và chấp nhận lỗ gần 200 triệu đồng là trường hợp của Thùy Mai (Hà Đông, Hà Nội) vì không chịu nổi áp lực chi phí "nuôi xe".
Năm 2020, vợ chồng Mai mua chiếc Ford EcoSport cũ với giá 570 triệu đồng vì quê ngoại ở Hà Nam, quê chồng ở Cao Bằng và nhà có con nhỏ. Nhưng sau đó, chị phải bán xe. Chỉ sau 5 tháng mua xe, dịch COVID-19 bùng phát khiến thu nhập của vợ chồng chị bị giảm sút. Trong khi đó, tiền phí đỗ ô tô hàng tháng lên đến 2,3 triệu đồng, chưa kể tiền bảo dưỡng xe định kỳ. "Nhìn chung có ô tô thì thích nhưng nuôi quá tốn kém, nhất là trong giai đoạn vợ chồng tôi đang khó khăn. Hiện tại, chúng tôi vừa phải nợ ngân hàng tiền nhà, vừa phải lo tiền học hàng tháng cho 2 con nên rất áp lực", chị nói.
Sau khi bàn bạc, đầu năm nay, vợ chồng chị Mai quyết định nhượng lại chiếc xe này cho đồng nghiệp với giá 500 triệu đồng. "Bao giờ trả hết tiền nhà, vợ chồng tôi sẽ mua lại ô tô nhưng chúng tôi sẽ chọn dòng xe tầm trung, chạy bằng dầu thay vì bằng xăng để tiết kiệm chi phí", chị cho biết.
Có ô tô nhưng lại đi xe máy đi làm là trường hợp của Nguyễn Huy, 28 tuổi, nhân viên văn phòng ở Hà Nội. "Nếu xăng rẻ thì tôi vẫn đi ô tô đi làm nhưng với giá xăng tăng cao như hiện nay thì tôi lựa chọn đi xe máy. Vì nhà tôi cách cơ quan tận 15 km, nếu dùng ô tô sẽ tốn một khoản lớn nên tôi chỉ đi ô tô khi trời mưa hoặc đi họp", anh kể.
Năm 2020, anh quyết định mua chiếc Toyota Vios với giá lăn bánh là gần 700 triệu đồng. Trong đó, 400 triệu đồng là tiền anh tiết kiệm, gia đình cho thêm 200 triệu đồng và 100 triệu đồng là tiền đi vay. "Tôi hay phải di chuyển nhiều nên quyết định tậu ô tô trước khi mua nhà. Thời điểm tôi mua xế hộp, giá xăng cũng chưa cao kỷ lục như hiện nay và công việc kinh doanh tốt hơn bây giờ. Do đó, tôi cảm thấy việc mua ô tô là hoàn toàn khả thi và cần thiết", Huy nói.
Trước đây khi giá xăng còn rẻ, mỗi lần đổ đầy bình chỉ tốn khoảng 500.000 đồng, còn bây giờ phải hơn 1 triệu đồng. Với mức thu nhập giảm sút, việc "nuôi" ô tô với anh là một loại áp lực. "Khi bạn sở hữu xe hơi, bạn cảm tưởng như mình nuôi thêm một người trong gia đình. Tính cả tiền xăng, chi phí hao mòn, thi thoảng xe hỏng hóc thì mỗi tháng bạn cũng mất khoảng 4 - 5 triệu đồng", anh Huy nói.