Mua nhà xây sẵn trong ngõ: Bức xúc nhà mới xây nhưng đã thấm dột, nứt nóc nhà
Đánh vào nhu cầu ở sẵn, chuộng nhà gắn liền với đất, loại hình nhà thương mại trong ngõ trở thành dòng sản phẩm “đắt” khách. Nhưng đến khi chuyển tới ở, không ít người mua rơi vào tình cảnh “bán không được, ở không xong”.
Xuất hiện trên thị trường hơn 10 năm trước, nhà xây sẵn (thương mại) được ví như “con gà đẻ trứng” cho nhà đầu tư bởi khả năng hấp thụ sản phẩm tốt. Với lợi thế về mức tài chính hợp lý, sẵn nhà mới, thiết kế hợp lý, lại đánh đúng vào nhu cầu “chuộng” nhà đất của người dân, nhà xây thương mại phát triển mạnh mẽ trong nhiều năm trở lại đây. Một điểm lợi thế khác của loại hình này chính là những nhà đầu tư mua lô đất lớn, cắt nhỏ các lô với thửa đất hình chữ nhật đẹp, phù hợp cho xây nhà và bố trí nội thất.
Đặc biệt, kể từ thời điểm năm 2018 đến nay, nhà xây sẵn phát triển bùng nổ tại các khu vực trung tâm Mỹ Đình và vùng ven như Hoài Đức, Nam Từ Liêm, Hà Đông, Gia Lâm, Long Biên, Chương Mỹ, Sóc Sơn.
Chị Lê Thiện (Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết: “Ngay cả khi bạn tìm nhà đất để mua thì 99% môi giới dẫn bạn xem căn nhà xây thương mại. Nhà dân xây để bán rất hiếm hoặc gặp vấn đề như thửa đất không đẹp, nhà xây đã cũ. Trong khi nhà xây thương mại nhìn thiết kế hiện đại, mới, dễ dàng vay ngân hàng để mua, thửa đất đẹp. Đơn cử như hơn 1 tháng tìm nhà khu vực Tây Mỗ, Mỹ Đình, Vân Canh, môi giới chỉ giới thiệu nhà xây thương mại. Nhất là khu vực Tây Mỗ, nhà xây thương mại kín mọi nơi”.
Thế nhưng, chị Lê Thiện chia sẻ, cách đây hơn 1 năm, vợ chồng chị mới bán căn nhà xây thương mại tại Hà Đông. Cuối năm 2019, vợ chồng chị Thiện chuyển từ căn hộ chung cư ở Hà Đông xuống mua căn nhà đất. Sau một thời gian tìm kiếm, vợ chồng chị Thiện được giới thiệu cho căn nhà xây thương mại, cách ngõ ô tô 50m với trị giá 1,9 tỷ đồng.
Thấy việc nhà đầu tư đồng ý cho giải ngân song song, quá trình tìm hiểu thấy nhà mới, thiết kế thông minh, vợ chồng chị Thiện thấy rất hài lòng. Nhưng khi chuyển đến ở, hai vợ chồng mới bắt đầu nhận thấy chất lượng công trình xuống cấp. Đặc biệt, chỉ sau hơn 1 năm về ở, căn nhà chị Thiện bắt đầu thấm dột.
“Nhà tôi không chỉ thấm dột từ tầng 4 (tầng thượng) xuống tầng 3, làm mốc và nhũ hoá toàn bộ trần thạch cao mà còn thấm từ khu vực nhà vệ sinh xuống bề mặt cầu thang. Vợ chồng tôi cũng đã thuê thợ chữa thấm dột nhưng chỉ được một thời gian lại quay lại cảnh cũ. Mức chi phí để sửa chữa không hề rẻ, lên tới gần 100 triệu đồng”.
“Không chỉ rơi vào tình cảnh thấm dột, vì nhà xây thương mại được xây theo lô, nhiều căn cùng nhau nên khả năng cách âm rất kém, chỉ cần nhà bên cạnh đóng cửa, nhà tôi đã có thể nghe rõ, thậm chí cảm giác rung cả nhà. Hệ thống điện nước, đèn chiếu sáng cũng hỏng nhanh. Hệ thống cửa nhanh chóng xuống cấp. Sửa không được mà ở không xong, gần 2 năm sau, vợ chồng chúng tôi phải bán tháo với giá lỗ", chị Thiện kể.
Rơi vào cảnh tương tự như chị Thiện, anh Vũ (Tây Mỗ, Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết: “Gia đình tôi đã phải chi tiền trăm triệu để sửa lại nhà. Gia đình tôi mua nhà từ giữa năm 2020. Đến đợt mưa lớn năm 2022, tầng trên cùng bị nứt toạc. Các điểm giao giữa tường và trần đều bị nứt, thấm dột. Lúc mua, môi giới và nhà đầu tư quảng cáo: rất đảm bảo, các căn nhà đều được xây móng riêng, tường riêng. Nhưng đến lúc ở mới thấy chất lượng kém. Cả khu tôi hầu như nhà nào cũng nứt nóc”.
Theo tiết lộ của một nhà đầu tư từng môi giới loại hình nhà xây thương mại, phần lớn công trình nhà xây thương mại đều nhanh chóng xuống cấp sau 2 năm. Nguyên nhân lớn nhất đó chính là quá trình xây dựng “cắt xén” nguyên vật liệu, bỏ qua quy trình xây dựng cơ bản.
“Thực tế chuyện nhà dột, nứt tường, nứt nóc xảy ra thường xuyên với nhà xây thương mại. Trước đây, ở khu vực Gia Lâm, một số căn nhà trong quá trình xây dựng còn trát vữa, xi măng trực diện vào dây điện. Nên có trường hợp khi mưa lớn thấm vào nhà, gia đình có trẻ nhỏ sờ vào tường còn thấy tê tê do rò điện.
Ví dụ trường hợp cháy dây điện, để sửa chữa cũng rất khó vì cơ bản, nhà xây gặp vấn đề từ khi khởi công. Nhưng nếu nhìn bằng mắt, những căn nhà xây thương rất đẹp, đánh đúng vào thị hiếu của người dùng”.