Mua nhà quá đắt, nhiều bạn trẻ quan điểm: Ở thuê chứ không muốn nợ nần
Có nhiều lý do khiến một số người trẻ không còn muốn mua nhà.
Hiện nay, nhiều người trẻ không còn quá hào hứng khi nhắc đến chuyện mua nhà. Nếu ở thế hệ ông bà, bố mẹ, đây được xem là 1 trong những mục tiêu phải đạt được, người trẻ hiện nay lại “từ chối” mua nhà, vì nhiều lý do đến từ cả vĩ mô lẫn mong muốn cá nhân.
Cùng gặp 2 bạn trẻ đều không muốn mua nhà để hiểu hơn về chuyện này.
1. Nhật Linh, 26 tuổi, nhân viên văn phòng, thu nhập 20 triệu/ tháng
2. Thuỷ Tiên, 24 tuổi, làm việc trong ngành truyền thông, thu nhập 17 triệu/ tháng
Giá nhà hiện tại quá cao, muốn mua phải tiết kiệm, trả góp gần nửa đời người
Đối với Nhật Linh, cho dù lúc vừa mới ra trường, đi làm với mức lương còn thấp, hay là bây giờ thu nhập cao hơn, mua nhà chưa bao giờ nằm trong kế hoạch cuộc đời của cô bạn.
“Để mua được 1 căn hộ chung cư hay căn nhà nhỏ ở thành phố lớn bây giờ cũng là con số quá khổng lồ với thu nhập bình quân nhiều người. Nếu muốn sở hữu nhà, mình sẽ phải tiết kiệm, trả góp vài chục năm mới “thoát nợ”. Bản thân mình không muốn sống một cuộc sống áp lực lúc nào cũng treo món nợ trên đầu. Mua nhà trả góp sẽ khiến việc chi tiêu, tận hưởng cuộc sống của mình bị ảnh hưởng hàng tháng”.
“Hơn thế nữa, 1 căn nhà hiện tại với mức thu nhập và tiền tiết kiệm của mình, nếu muốn mua chắc chắn phải vay nợ. Mình không muốn nợ nần, mình có những mục tiêu khác chẳng hạn như đi du lịch hay đi du học vào năm 28, 29 tuổi và mình cần tích lũy tiền cho những việc đó”.
“Cảm giác như mình đã có một nơi vô cùng an toàn, và không muốn thoát ra nơi đó. Mình sẽ “tiếc” 1 ngôi nhà, và không còn muốn di chuyển đến thành phố khác, mình sợ cảm giác đó”.
Ảnh minh hoạ
Ở nhà thuê cả đời cũng không sao
Lướt 1 vòng MXH, không khó để nhận ra người trẻ hiện nay khá ưa chuộng việc ở nhà thuê. Theo quan điểm của Nhật Linh, dù là trước đây hay bây giờ, việc có 1 tài sản bất động sản mới có cảm giác an toàn, mới có “chỗ dựa” vẫn là suy nghĩ phổ biến. Tuy nhiên, theo quan sát của cô bạn, việc ở nhà thuê cả đời vẫn ổn.
“Mình có tham khảo một số bài báo ở nước ngoài, cũng như các nghiên cứu đều cho thấy rằng, số tiền tổng thuê nhà cả đời so với tiền mua nhà có thể ngang bằng hoặc thấp hơn, tất nhiên điều này còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố.”
“Khi nào thu nhập thấp, bấp bênh, mình chỉ cần đơn giản là dọn đến một căn nhà nhỏ hơn, tiền thuê thấp hơn là có thể cân bằng tài chính. Nếu đến cuối đời, lúc đã 50, 60 tuổi mới trọn vẹn sở hữu một căn nhà, trả hết nợ thì cũng không quá nghĩa lý với mình. Mình sẽ có cảm giác giống như dành cả tuổi trẻ để mua nhà vậy”.
Ảnh minh hoạ
Mặt khác, Thuỷ Tiên là một người từng có ước mơ mua nhà. Bởi vì khi còn bé mỗi lần người thân hay bạn bè của bố mẹ cô bạn mua nhà đều sẽ tổ chức tiệc linh đình. “Nó là điều gì đó rất đáng tự hào, và ai cũng bảo khi lớn lên cần mua nhà, và mình nghĩ như vậy là điều phải làm”.
Song, sau khi học đại học ở Hà Nội - không phải quê nhà - cô bạn nhận ra rằng vẫn ổn khi đi thuê nhà. Khi đi thuê như vậy, Thuỷ Tiên có thể thay đổi địa điểm ở dễ dàng hơn so với khi sở hữu 1 ngôi nhà. Bên cạnh đó, nó cho phép cô bạn 23 tuổi chuyển chỗ ở dễ dàng hơn, có thể tăng trải nghiệm sống ở nhiều nơi, phong phú hơn.
“Mức lương hiện tại của mình cho phép bản thân có thể ở 1 căn nhà thuê chất lượng tốt trong suy nghĩ của mình, và mình hoàn toàn cảm thấy ổn với điều đó.”
Tâm lý “an cư lạc nghiệp” không còn đúng 100%
Mỗi khi được hỏi về lý do tại sao mua nhà, hầu hết mọi người đều trả lời rằng vì muốn an cư lạc nghiệp. Chỉ khi có một tổ ấm cho riêng mình, sở hữu 1 ngôi nhà che nắng che mưa, như vậy, mới có thể yên tâm nỗ lực làm việc, thăng tiến.
“Trong thời đại ngày nay, mình không còn nghĩ tâm lý “an cư lạc nghiệp” là đúng 100% nữa. Nhà là nơi để ở, để phục vụ con người, không phải một thứ có thể đảm bảo bạn sống hạnh phúc. Miễn đó là nơi cho chúng ta sự thoải mái sau 1 ngày dài thì dù là nhà thuê hay nhà của riêng đều được. Không phải nhà không đứng tên mình thì mình sẽ không chăm chút, biến nó thành không gian đáng sống”.
Cô bạn chia sẻ rằng, không nhất thiết phải “thần thánh hoá” giá trị một ngôi nhà đến vậy. Một nơi “che nắng che mưa” cũng có thể là một ngôi nhà thuê, vẫn là một không gian mơ ước.
Ảnh: Pinterest
Theo Như Anh
Trí Thức Trẻ