Mua lại thẻ căn cước của mình từ một... cặp đôi thuê phòng khách sạn bỏ lại
Anh N.Đ.A. mất ví, trong có thẻ căn cước công dân. Sau đó, anh A. bất ngờ biết căn cước của mình được tài khoản "H.L." rao bán. Người bán nói đang làm lễ tân nhà nghỉ, do các cặp đôi thuê phòng bỏ lại căn cước nên đem bán...
Căn cước công dân (CCCD), chứng minh nhân dân (CMND) được công khai rao bán trên mạng xã hội với giá vài trăm nghìn/thẻ. Đây là các loại giấy tờ thật do người dân vì nhiều lý do đánh rơi, mất…
Việc mua bán giấy tờ này rất dễ cho các đối tượng lợi dụng lừa đảo, người bán cũng đối mặt với các vấn đề pháp lý.
Mua lại CCCD bị mất với giá 500.000 đồng
Anh N.Đ.A. cho biết vào một buổi tối đầu tháng 4-2022, khi đi chơi anh mất ví và điện thoại. Trong chiếc ví bị mất có giấy đăng ký xe, CCCD, giấy phép lái xe. Sau vài ngày, anh A. được một người liên hệ trả lại giấy đăng ký xe cùng với chiếc ví, còn CCCD và giấy phép lái xe vẫn thất lạc.
Anh A. rất bất ngờ khi sau đó phát hiện CCCD bị mất của mình được tài khoản "H.L." rao bán. "Nếu chẳng may CCCD của tôi bị bán cho người khác sử dụng vào mục đích xấu thì rất nguy hiểm và phiền phức cho tôi" - anh A. nói.
Để tránh những phiền phức không đáng có, anh A. chủ động liên hệ với tài khoản H.L. để mua lại với giá 500.000 đồng. Người bán CCCD trên là một nam thanh niên, giới thiệu đang làm lễ tân nhà nghỉ, do các cặp đôi vào thuê phòng rồi bỏ lại CCCD nên đem bán.
"Nhiều người mua để mở tài khoản ngân hàng hoặc vay tiền qua app hoặc làm chuyện khác" - thanh niên này nói.
Tương tự, anh P.H.P. (ngụ quận Bình Thạnh) và nhiều nạn nhân khác cũng khá bất ngờ khi CCCD bị mất của mình bị tài khoản H.L. trên mạng xã hội rao bán. Tuy nhiên, khác với một số trường hợp, khi bị mất CCCD, anh P. đã nhanh chóng trình báo công an địa phương và đang làm lại, chờ lấy CCCD mới.
Mất CCCD, cần báo ngay cho công an
Theo PGS.TS Trương Văn Vỹ - giảng viên xã hội học tội phạm Đại học Quốc gia TP.HCM, khi CCCD bị rao bán trên mạng, người chủ sở hữu CCCD có thể vướng vào phiền toái khi kẻ gian sử dụng lừa đảo chiếm đoạt tài sản...
Vì vậy, người bị mất CCCD nên báo ngay cho cơ quan công an để tránh những rủi ro cho bản thân.
"Cơ quan chức năng liên quan cần tăng cường biện pháp xử lý việc mua bán giấy tờ tùy thân, trong đó có CCCD trên mạng xã hội" - PGS.TS Trương Văn Vỹ nói.
Theo Cổng thông tin điện tử Bộ Công an, thời gian qua hoạt động thu thập và mua bán trái phép thông tin tài khoản ngân hàng, CCCD, CMND của người dân diễn biến phức tạp tại một số địa phương.
Cục Cảnh sát hình sự đánh giá đây là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ phát sinh tội phạm mà nhất là tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, rửa tiền, đánh bạc, tổ chức đánh bạc...
Các đối tượng lợi dụng sơ hở của người dân trong việc chia sẻ hình ảnh CCCD, CMND trên mạng xã hội và sử dụng vào việc đăng ký sử dụng các dịch vụ online (mua hàng, xin việc, vay tiền...) để đánh cắp thông tin cá nhân của người dân.
Đối tượng xấu có thể dùng thông tin cá nhân để làm giấy tờ giả mở tài khoản lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua các khoản vay vốn của các ngân hàng, tổ chức tín dụng, chuyển nhận tiền đánh bạc, tổ chức đánh bạc...
Cục Cảnh sát hình sự khuyến cáo người dân tuyệt đối không cho người lạ mượn, chụp, thuê, mua CCCD hoặc tài khoản ngân hàng nếu không có mục đích chính đáng. Không đăng tải, chia sẻ hình ảnh CCCD, CMND, tài khoản ngân hàng lên mạng xã hội.
Trong trường hợp phát hiện đối tượng mượn, chụp, thuê CCCD, CMND mời chào cho thuê, mượn, mua, bán tài khoản ngân hàng thì đề nghị người dân tố giác và cung cấp ngay tài liệu, chứng cứ đến cơ quan công an nơi gần nhất để xử lý.
Nếu biết đối tượng sử dụng CCCD, tài khoản ngân hàng vào mục đích vi phạm pháp luật, phạm tội nhưng bao che hoặc vẫn bán, cho thuê, cho mượn thì có thể bị xử lý trách nhiệm hình sự với vai trò đồng phạm.
Mua bán CCCD có thể bị xử phạt đến 7 năm tù
Luật sư Nguyễn Hồng Lĩnh - Đoàn luật sư TP.HCM - cho biết theo khoản 5 điều 7 Luật an toàn thông tin mạng 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2018) thì hành vi rao bán CCCD của người khác trên mạng xã hội mà không được sự đồng ý của họ là hành vi bị pháp luật cấm và trái pháp luật.
Theo quy định, hành vi thu thập, sử dụng, phát tán, kinh doanh trái pháp luật thông tin cá nhân của người khác sẽ bị xử phạt tiền từ 40 - 60 triệu đồng.
Trường hợp người rao bán CCCD của người khác thu lợi từ 50 triệu đồng hoặc gây thiệt hại từ 100 triệu đồng trở lên thì người trao đổi, mua bán còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự và có thể bị phạt tiền đến 1 tỉ đồng hoặc phạt tù đến 7 năm.
Ngày 14-7, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an Đà Nẵng cho biết vừa khởi tố một nhóm người sử dụng căn cước công dân giả để mở hàng trăm tài khoản ngân hàng.