Mùa hè và nỗi ám ảnh của sinh viên sống xa nhà
Mùa hè đến kéo theo thời tiết nắng nóng gay gắt, nhu cầu sử dụng điện cũng vì thế tăng cao. Sinh viên sống xa nhà đau đầu vì tiền điện tăng chóng mặt gấp 3-4 lần bình thường.
Mùa hè đến, thời tiết ở mọi nơi đặc biệt là miền Bắc bắt đầu trải qua những đợt nắng nóng gay gắt, nhiệt độ tăng cao, thậm chí có lúc lên đến 37 - 40 độ C. Cái nắng oi ả khiến người ta khó chịu, cuộc sống sinh hoạt, công việc cũng vì thế mà ảnh hưởng. Và có lẽ, một trong những người chịu ảnh hưởng nhiều nhất trước nắng nóng chính là hội sinh viên sống xa nhà, đang ở trọ trong những căn phòng nhỏ chật chội.
Vật vã do nắng nóng, "ngất xỉu" vì tiền điện
Hiện nay, điều kiện sống của sinh viên xa nhà cũng tốt hơn trước đây rất nhiều. Có đủ các loại phòng để cho người trẻ lựa chọn phù hợp với điều kiện kinh tế của bản thân và gia đình, từ phòng bình dân đến cao cấp. Với người có điều kiện có thể lựa chọn nhà có điều hòa, rộng rãi, thoáng mát. Bên cạnh đó, cũng có phần đông sinh viên lựa chọn thuê những căn nhà nhỏ, giá rẻ, thậm chí không có điều hòa để tiết kiệm chi phí.
Thế nhưng khổ nỗi, hè tới kéo theo nền nhiệt tăng cao, từ sáng sớm cho tới đêm không lúc nào hết nóng nực. Những phòng trọ nhỏ càng lúc càng bí bách. Cũng chính bởi vậy, việc phải tìm cách đối phó và sống chung với nắng nóng bỗng trở thành vấn đề nan giải mà sinh viên xa nhà ám ảnh mỗi khi hè về.
Trần Diệu Linh (sinh viên năm 2, Đại học Sư Phạm Hà Nội) chia sẻ với chúng tôi: "Mới vào hè nhưng thời tiết Hà Nội mấy hôm nay đã nóng bức, ra đường mà ngột ngạt khiến mình khó thở. Thế nhưng, ngồi trong phòng trọ còn khó chịu hơn. Phòng mình tuy có điều hòa nhưng bật nhiều mình lại lo về tiền điện tháng này. Thật sự không biết phải làm sao".
Nguyễn Hoàng Nam (sinh viên năm 3, Đại học Luật Hà Nội) hiện tại cũng đang rất đau đầu khi nghĩ về khoản tiền điện phải trả cuối tháng này: "Vì nắng nóng nên cứ về đến phòng mình lại phải bật điều hòa, nhìn đồng hồ đo số điện nhảy số mà mình cũng xót xa cho túi tiền, có lẽ cuối tháng này, tiền điện của mình sẽ tăng gấp 2-3 lần so với các tháng trước. Mùa hè năm ngoái, mình còn nhớ có tháng mình mất gần 2 triệu tiền điện. Nghĩ đến thôi mình lại thấy lo lắng".
Những người có điều hòa đã chật vật, người không có điều hòa càng mệt mỏi hơn. Bạn Trung Anh (sinh viên trường Học viện Bưu chính Viễn thông, sống tại Linh Đàm) chia sẻ: "Mấy hôm nay nắng quá, phòng mình thuê trọ không có điều hòa chỉ có mỗi cái quạt thôi. Buổi trưa nằm trước quạt mà vẫn không ăn thua, người lúc nào cũng mồ hôi đầm đìa, nhưng chẳng biết phải đi tránh nóng ở đâu cả. Phòng lúc nào cũng hầm hập, nằm ngủ một lúc dậy mà người mệt với đau đầu lắm".
Tìm mọi cách chống nóng
Thời sinh viên, tôi từng sống trong ký túc xá của trường đại học. Phòng của chúng tôi có khoảng 6-7 người sống chung. Lúc ấy, trong phòng không có điều hòa, tôi vẫn không thể quên được những ngày nắng nóng kinh hoàng mà bản thân và những người bạn của mình đã trải qua. Phòng đông người toàn con gái nên đứa nào cũng nhiều đồ đạc, mùa hè lại càng chật chội, nóng bức. Ban ngày nóng nực đã đành, nhưng đêm xuống cũng không khá hơn, chúng tôi nóng đến mức không thể ngủ nổi. 2 - 3h sáng vẫn thay phiên nhau chạy ra chạy vào nhà vệ sinh để rửa mặt, chân tay, té nước lên người nhằm mát hơn được chút nào hay chút ấy.
Dưới cái nóng oi bức, ra đường không chịu nổi, thế nhưng ở phòng trọ cũng chẳng thể khá khẩm hơn. Vì vậy, sinh viên phải tìm mọi cách để chống nóng.
Đảm bảo sức khỏe mùa nắng nóng
Trung Tâm Kiểm Soát Bệnh Tật Thành Phố Hồ Chí Minh (HCDC) đã chỉ ra những người dễ bị tác động bởi nắng nóng bao gồm: Người già, trẻ em, phụ nữ; Người mắc bệnh lý mãn tính như bệnh tim mạch, gan, ung thư, tăng huyết áp, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, hen phế quản,…; Người lao động ngoài trời như công nhân, nông dân, vận động viên thể thao, bộ đội huấn luyện ngoài thao trường, nhân viên giao hàng, người làm việc ở các lò gạch, lò luyện gang thép,…
Để phòng tránh những tác hại của nắng nóng đến sức khỏe, mọi người cần lưu ý:
- Không nên đột ngột đi ra ngoài trời nắng khi đang ở trong phòng điều hòa nhiệt độ thấp. Trước khi đi ra ngoài trời, cần để cơ thể thích nghi với môi trường bên ngoài bằng cách tăng nhiệt độ điều hòa trong phòng hoặc ngồi nghỉ trong bóng mát.
- Hạn chế tối đa diện tích tiếp xúc của ánh nắng lên cơ thể, đặc biệt vùng vai gáy. Che chắn/sử dụng phương tiện bảo hộ cá nhân phù hợp khi đi/làm việc ngoài trời nắng, mặc quần áo rộng, thoáng mát và thấm mồ hôi. Có thể sử dụng thêm kem chống nắng.
- Tăng cường ăn các loại rau xanh và hoa quả, nên có món canh trong bữa ăn hàng ngày. Đặc biệt cần uống đủ nước, và nên uống thành nhiều lần trong ngày, không nên uống quá nhiều nước trong một lần.
- Khi làm việc dưới thời tiết nắng nóng, cần uống nước đều đặn trong suốt thời gian làm việc và không sử dụng các loại đồ uống có cồn. Uống thêm các loại nước có bổ sung muối và khoáng chất như Oresol đối với người bị mất nhiều mồ hôi trong quá trình làm việc.
- Rèn luyện thân thể để nâng cao sức đề kháng và sức chống chịu của bản thân với điều kiện thời tiết nắng nóng.
- Sử dụng mái che, các tấm phản chiếu nhiệt, vật liệu cách nhiệt, hệ thống phun nước, phun sương, lắp đặt hệ thống điều hòa, hệ thống quạt thông gió, … để làm thoáng mát nơi làm việc.
Nắng nóng đỉnh điểm có thể gây tác hại nguy hiểm đến sức khỏe. Vì thế các bạn nên hạn chế ra đường và tiếp xúc với ánh nắng quá lâu. Nếu buộc phải ra ngoài, hãy nhớ thoa kem chống nắng, đội mũ, mặc áo, kính râm... đầy đủ. Đặc biệt, nhớ bổ sung đầy đủ nước cho cơ thể. Không nên chủ quan trước thời tiết nắng nong, hãy giữ gìn sức khỏe bản thân thật tốt.
Xem thêm TẠI ĐÂY .