Mùa hè, trẻ dễ tiêu chảy, chuyên gia chỉ ra sai lầm triệu gia đình mắc phải

Chia sẻ Facebook
23/05/2022 09:17:40

Để ngăn ngừa tiêu chảy trong mùa hè, các chuyên gia khuyến cáo cho trẻ sử dụng nước đã đun sôi, ăn thức ăn đã nấu chín, tránh đồ tái, sống đặc biệt là hải sản chưa nấu chín...

Vào mùa hè, thời tiết nóng, ẩm là môi trường thuận lợi để vi khuẩn nhiễm vào thực phẩm phát triển nhanh chóng, gây ngộ độc thực phẩm và tiêu chảy. Tình trạng này xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng đặc biệt nguy hiểm nếu gặp ở trẻ em mà bố mẹ không biết cách chăm sóc.

Bởi trẻ em tiêu thụ thực phẩm bị nhiễm vi khuẩn sẽ bị buồn nôn, đau bụng dữ dội và tiêu chảy sau 3-24 giờ. Đáng lưu ý, tiêu chảy có thể nguy hiểm nếu không được kiểm soát đúng cách vì nó rút nước và muối ra khỏi cơ thể. Nếu những chất lỏng này không được thay thế nhanh chóng, trẻ có thể bị mất nước và có thể phải nhập viện.

PGS.TS.Nguyễn Tiến Dũng, nguyên trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, từng xảy ra những ca trẻ bị tiêu chảy suýt chết chỉ vì những sai lầm của cha mẹ. Theo đó, hầu hết trẻ nhập viện trong tình trạng mất nước, tụt huyết áp, tiền sốc, co giật vì không được bù nước đúng cách khi bị tiêu chảy.

Ảnh minh hoạ

Trong đó vẫn có không ít những gia đình vì lo sợ con còn quá nhỏ, không muốn dùng các loại thuốc tây nên chỉ sử dụng các biện pháp “dân gian” như nước búp ổi, hồng xiêm giã. PGS TS Nguyễn Tiến Dũng cho rằng, biện pháp này không giúp bệnh tiêu chảy ở trẻ giảm mà còn kéo dài và nặng thêm.

Ngược lại trường phái “anti thuốc Tây” thì lại có những bố mẹ “hơi một tý” lại “tống ngay kháng sinh” cho con. Chị Hằng (Tây Hồ) là trường hợp điển hình. Con gái 1 tuổi, sau lần con phải nhập viện chỉ vì chữa bệnh theo bà nội, chị Hằng đoạn tuyệt với các loại thuốc lá, thuốc nam ngoài chợ.

“Con bị ho bà nội hết cho uống húng bạc hà, mật ong quay sang chanh đào muối… đủ các loại nhưng không đỡ ho. Sau 4 ngày, bé lại bị thêm cả tiêu chảy, nhưng mẹ chồng vẫn kiên trì cho con uống nước búp ổi, hồng xiêm.

Chỉ đến khi con mệt lả, bỏ cả bú, bà mới để vợ chồng tôi đưa con đi khám. Kết quả con nhập viện ngay tức thì. Sau lần đó, tôi đoạn tuyệt với các loại lá. Về cơ bản, cứ có dấu hiệu, đặc biệt là bị rối loạn tiêu hoá là tôi cho uống kháng sinh ngay. Chứ không mệt lắm”, chị Hằng kể.

Tuy nhiên, theo PGS. TS Nguyễn Tiến Dũng cách bà mẹ trẻ này chăm con như vậy cũng không đúng cách. Bởi nhiều trẻ mắc tiêu chảy do rotavirut, kháng sinh cũng không có tác dụng trong trường hợp này.

Trong khi việc tự ý sử dụng kháng sinh có thể làm rối loạn hệ vi khuẩn có ích trong đường tiêu hóa, làm tiêu chảy kéo dài, khiến trẻ hấp thu càng kém và lâu bình phục.

Đáng lưu ý, không chỉ vội vàng cho con uống kháng sinh, nhiều bậc phụ huynh cũng cho con dùng kết hợp với thuốc cầm tiêu chảy. Điều này bắt nguồn từ tâm lý nóng vội muốn con khỏi bệnh nhanh của người lớn nhưng cũng là nguyên nhân khiến tình trạng tiêu chảy của trẻ càng trở nên trầm trọng.

“Sử dụng các thuốc cầm tiêu chảy sẽ làm cho thời gian lưu trú của các virus, vi khuẩn trong đường tiêu hóa kéo dài hơn làm nặng thêm tình trạng tiêu chảy của trẻ và làm cho tiêu chảy kéo dài hơn”, PGS. TS Nguyễn Tiến Dũng thông tin.

Ngoài những sai lầm nêu trên, vị chuyên gia nhi cũng nhấn mạnh một sai lầm rất phổ biến của các bậc phụ huynh khi chăm sóc trẻ bị tiêu chảy đó là bù nước bằng thực phẩm chức năng dạng oresol.

PGS Dũng cho biết, từng có bệnh nhi tử vong vì mất nước quá nặng do bù nước không đúng cách do sử dụng oresol dạng thực phẩm chức năng.

Bởi theo nguyên tắc, oresol là thuốc cứu sống trẻ bị tiêu chảy, cứu rất nhiều trẻ bị tiêu chảy trên toàn thế giới. Nhưng hiện nay, người ta sản xuất oresol dạng thực phẩm chức năng, cho hương liệu vào để cho dễ uống, nhưng nó không còn là “thuốc” mà là dạng thực phẩm bổ sung.

Điều này vô cùng nguy hiểm, bởi oresol vốn là thuốc chữa mất nước trong tiêu chảy, giờ sản xuất những dạng tương tự dễ khiến người dân nhầm là thuốc chữa bệnh. Trong khi đó, thuốc sẽ được kiểm soát chặt chẽ hơn về hàm lượng, liều dùng.

Mỗi lần trẻ hay người lớn đi ngoài phải uống hàng trăm ml oresol để bù nước, điện giải bị mất đi. Do đó, bù nước bằng oresol phải liên tục, ít một, thay nước lọc hoàn toàn mới giảm được nguy cơ mất nước, điện giải do tiêu chảy.

Trong khi đó, điều sai lầm là người dân vẫn nhầm tưởng những dạng thực phẩm chức năng này là thuốc gây ra hậu quả đáng tiếc.

Một sai lầm khác cũng được nhắc đến đó là khi con bị tiêu chảy, bố mẹ lại kiêng khem quá mức. Có gia đình chỉ cho con ăn cháo thịt nạc, không ăn rau…

Như vậy, việc kiêng khem quá mức sẽ làm cho cơ thể trẻ thiếu năng lượng, trẻ dễ bị suy dinh dưỡng, không đủ năng lượng để chống đỡ với nhiễm trùng trong cơ thể cũng như chậm hồi phục tổ chức ruột bị tổn thương dẫn đến tiêu chảy kéo dài khiến các bé bị suy dinh dưỡng, ảnh hưởng tới sự phát triển.

Thay vào việc kiêng quá mức như vậy, trong thời gian trẻ bị tiêu chảy, các bậc phụ huynh chỉ cần tạm ngưng các thực phẩm nhuận tràng, hạn chế đồ uống có ga và thức ăn quá ngọt… Đồng thời cha mẹ nên tích cực cho trẻ ăn chế độ ăn như khi trẻ bình thường, không kiêng khem và không nên thay đổi thành phần thức ăn của trẻ.

PGS.TS.Nguyễn Tiến Dũng khuyến cáo cha mẹ đưa trẻ  khám ngay khi có một trong những biểu hiện sau: đi ngoài nhiều lần phân lỏng (đi liên tục); nôn tái diễn, nôn nhiều làm trẻ không ăn uống được; bệnh trẻ nặng hơn, có sốt hoặc sốt cao hơn; trẻ rất khát nước; ăn uống kém hoặc bỏ bú; trẻ không tiến triển sau 2 ngày điều trị tại nhà.

Điều quan trọng nữa là phải rửa tay trước khi ăn và trước khi chế biến thức ăn.


N. Huyền

Chia sẻ Facebook