“Mùa hạ” có phải dấu chấm hết cho thị trường tiền số?

Chia sẻ Facebook
23/12/2022 13:28:52

Mùa Đông trên thị trường tài chính là từ được dùng để ám chỉ việc thị trường ảm đạm, giao dịch trầm lắng. Tuy nhiên, năm 2022, tình hình còn tệ hơn khi không chỉ riêng mùa Đông xuất hiện mà còn cả “mùa Hạ” (hạ xuống) ở cả thị trường tài chính bao gồm chứng khoán, vàng, ngoại hối, bất động sản… thậm chí lan sang thị trường hàng hóa, năng lượng như dầu, giá vận tải, nguyên vật liệu… Rất ít sản phẩm tăng giá được ngoại trừ đồng đô la Mỹ là tài sản hiếm hoi. Chỉ số USD-Index có lúc đã tăng vượt 20%, đạt mức cao nhất trong 20 năm qua, đẩy những tài sản được định giá bằng USD đi xuống, như đồng Yên Nhật - vốn luôn mạnh qua nhiều thập kỷ và được giới đầu tư ưa chuộng - cũng đã giảm xuống mức đáy hàng chục năm.

“Mùa hạ” có phải dấu chấm hết cho thị trường tiền số?

Ngay cả những sản phẩm được hưởng lợi nhờ lạm phát như năng lượng, nguyên - nhiên - vật liệu và cả sản phẩm được xem là an toàn như vàng cũng chỉ trụ được 6 tháng đầu năm trước khi xuống mạnh.

Nhiều nhà đầu tư “te tua tơi tả” trong năm nay sau khi đã trải qua vinh quang trong năm 2021 khiến bản thân vô cùng bất ngờ trước sự chuyển biến nhanh như vậy, đúng như câu ví von của Warren Buffett: “Khi thủy triều đi xuống mới thấy ai đi bơi mà không bận quần bơi”. Đặc biệt, các nhà đầu tư F0 sau 2 năm 2020-2021 thăng hoa thì năm 2022 đã trở lại mặt đất và có lẽ giờ là lúc họ nhận ra rằng mình chỉ tình cờ đi qua mùa Xuân nên khi gặp mùa Hạ và mùa Đông thì đây là cú sốc lớn.

Tuy vậy, thị trường tiền số là thê thảm nhất, vì ngay cả những Topcoin cũng chia 10-20 lần; những dự án nhỏ hơn thì biến mất không dấu vết nhiều đến mức không đếm xuể, khiến ngành này ngày càng bị ảnh hưởng nặng nề và bị kéo lùi hàng chục năm, thậm chí đã có ý kiến cho rằng đây là dấu chấm hết cho thị trường tiền số. Trái ngược với hiện tượng bị bỏ lỡ (FOMO) năm 2021 đến năm 2022, hiện tượng sợ hãi - không chắc chắn - nghi ngờ (FUD) lại áp đảo khi bùng nổ nhiều vụ phá sản, vỡ nợ mà nổi bật là dự án Luna và FTX kéo theo hàng loạt các công ty lớn khác phá sản.

Thị trường tiền số vốn đã có rất nhiều người ghét do có quá nhiều loại rủi ro, thậm chí có cả những rủi ro không nơi nào có như sự kiện UST bị mất neo (peg), nhiều sự lừa đảo trên thị trường, yếu tố phi tập trung và thiếu sự kiểm soát bởi những quy định của pháp luật nên sau những sự kiện trên, các anti-fan lại càng có lý do để hả hê. Số lượng fan giảm mạnh hoặc ít nhất cũng mất niềm tin vào thị trường giúp số lượng anti-fan tăng lên nhanh chóng.


Nhiều ý kiến cho rằng tiền số tác động xấu đến thị trường tài chính nói riêng và cả nền kinh tế nói chung. Song, với quy mô toàn thị trường hiện nay chỉ quanh 800 tỷ USD , bằng khoảng 1/3 vốn hóa của Apple - 2,200 tỷ USD , chứ chưa nói đến quy mô của thị trường chứng khoán hay thị trường ngoại hối và vàng nên mức độ tác động không quá lớn. Thậm chí, nhiều nhà đầu tư dù là fan cuồng của tiền số cũng đã phải từ bỏ để quay lại các kênh đầu tư truyền thống như chứng khoán, bất động sản…

Tiền số có thể chấm hết, nhưng công nghệ thì không

Nhiều người đến tận bây giờ vẫn lẫn lộn giữa tiền mã hóa, tiền số, tiền ảo, tiền điện tử với Blockchain, Web3 hay DeFi (tài chính phi tập trung)… là những nền tảng đằng sau tiền số mà không biết chúng có thể phát triển độc lập mà không cần tiền số, với khả năng ứng dụng rộng rãi. Đặc biệt hiện nay, tiền số hay tiền mã hóa (Cryptocurrency) chỉ còn là một mảng của tài sản kỹ thuật số (Digital Asset) vốn được sử dụng ngày càng nhiều trong thực tế với sự số hóa ngày càng rộng.

Bên cạnh đó, những ứng dụng của nó vẫn có thể phục vụ cho cả những ngành nghề truyền thống, nhất là ứng dụng của Blockchain và cả số hóa những sản phẩm truyền thống. Như ngành tài chính - ngân hàng có thể xử lý giao dịch nhanh hơn, an toàn hơn; kế toán tam phân có thể khắc phục những nhược điểm của kế toán hiện nay, giúp hạn chế gian lận và vấn nạn “xào nấu” sổ sách kế toán.

Ở lĩnh vực chứng khoán, chứng khoán điện tử được sử dụng thông qua Security Token bằng cách số hóa chứng khoán (Token hóa cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ đầu tư thậm chí là chứng khoán phái sinh truyền thống). Ví dụ, với chứng khoán điện tử, bạn được hưởng cổ tức và các quyền lợi khác y như cổ phần bạn sở hữu của dự án hoặc công ty đó. Security Token còn cho phép bạn có quyền bầu chọn hoặc tham gia quyết định một số công việc của dự án hay doanh nghiệp, cùng nhiều chức năng mở rộng so với cổ phiếu truyền thống, chẳng hạn có thể dùng cho thanh toán sản phẩm dịch vụ khác hoặc có thể bỏ phiếu bình chọn trong ĐHĐCĐ thậm chí thực hiện từ xa mà không sợ gian lận. Trường hợp khác, một số loại tài sản cũng có thể được số hóa, chuyển thành chứng khoán điện tử.

Những ngành nghề khác như thực phẩm có thể truy xuất nguồn gốc; các sản phẩm NFT có thể định danh, chống làm hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng; công nghệ Web3 giúp người dùng an toàn trong môi trường mạng, đặc biệt trong thời đại 4.0 đầy rẫy rủi ro. Do đó, tiền số, tiền ảo có thể chấm hết, dự án có thể phá sản nhưng nền tảng công nghệ vẫn sẽ tiếp tục được ứng dụng mà không cần có tiền số, vẫn có thể tồn tại và phát triển.

Dù con đường phía trước còn nhiều chông gai, những ứng dụng từ chứng khoán điện tử, kế toán tam phân cùng các nền tảng khác như DeFi (tài chính phi tập trung), Metaverse (vũ trụ số), NFTs (tài sản độc nhất vô nhị), Web3 hay Storage (kho lưu trữ Big Data)… vẫn tiếp tục được ứng dụng khắp nơi, giúp thế giới tiến nhanh hơn trên con đường 4.0, hướng đến một tương lai tươi sáng, công bằng và minh bạch hơn; đồng thời tạo điều kiện kinh doanh cho tất cả mọi người.

Tuy vậy, để tiến tới ứng dụng sâu rộng, mang lại hiệu quả cao thì công nghệ và quan trọng hơn là hành lang pháp lý ở các nước phải theo kịp để hỗ trợ, đưa những lợi ích mà những công nghệ kể trên mang lại và áp dụng vào cuộc sống; từ đó giúp doanh nghiệp, nhà đầu tư có thêm các công cụ kinh doanh và nhận được nhiều ích lợi nhằm phát triển mạnh mẽ hơn, thúc đẩy kinh tế tăng trưởng; đặc biệt trong quá trình số hóa và chuyển đổi số hiện nay.

Phan Dũng Khánh

Chia sẻ Facebook