Mưa gió lớn dị thường vài giờ: Tui trắng tay rồi, không còn gì nữa hết!

Chia sẻ Facebook
03/04/2022 11:32:43

2 ngày sau cơn cuồng phong bất ngờ càn quét qua trong khoảng 2 giờ đồng hồ, sáng 2-4, cảnh tượng bên bờ biển làng Yến (xã An Hòa Hải, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên) vẫn giống như một "bãi chiến trường" tan nát.

Xác một chiếc tàu đánh cá của ngư dân xã An Hòa Hải bị sóng lớn đánh tan nát sáng 31-3


Trên bờ biển, lực lượng quân đội cùng người dân đang cố gắng dọn dẹp bên những xác tàu gỗ bị đánh bể tan.


Những người khác cố gắng sắp xếp lại đống lồng nuôi tôm hùm giống bị sóng dữ đánh văng lên bờ vẹo vọ, bẹp gí… Mồ hôi lẫn nước mắt lăn dài trên gương mặt những người dân làng biển này.


"Trắng tay rồi!"


Bên xác con tàu giờ chỉ còn duy nhất một thanh gỗ nguyên vẹn, ông Nguyễn Văn Đồng thẫn thờ: "Tui trắng tay rồi, không còn gì nữa hết!".


2 tháng trước, hai anh em ông tích cóp, hùn hết vốn liếng, vay thêm của ngân hàng mấy trăm triệu, sắm chiếc tàu gỗ dài 13,8m làm nghề mành trủ gần bờ.


Vậy nhưng trận cuồng phong bất ngờ trong khoảng 2 giờ đồng hồ sáng sớm 31-3 cướp khối tài sản gần cả đời anh em ngư dân này tích cóp nhanh như một cái chớp mắt.


"Lúc đó trên tàu chỉ có một mình em tôi là Nguyễn Văn Hảo. Hảo cố gắng xoay xở nhưng tàu vẫn bị sóng đánh lật úp, vài chục phút sau thì bị vỡ tan. Cả tỉ bạc, giờ chẳng còn chi" - ông Đồng buồn bã.


May mắn là sau khi tàu bị sóng đánh vỡ, anh Hảo đu bám được vào những lồng nuôi tôm hùm trôi dạt trên biển nên sống sót.

Tàu cá của anh em ông Nguyễn Văn Đồng giờ chỉ còn là đống gỗ vỡ nát

Còn ông Phạm Thái cho biết 5 anh em họ hàng nhà ông góp vốn nuôi ươm 20.000 con tôm hùm giống, chừng 10 ngày nữa là xuất bán, nhưng trận gió lớn bất ngờ sáng sớm 31-3 làm mất 17.000 con tôm hùm.

"Mỗi con tôm hùm giống này giá 150.000 đồng, vị chi chúng tôi mất hơn 2,5 tỉ đồng" - ông Thái rầu rĩ. Ông Thái nói người nuôi tôm hùm giống ở đây chỉ sợ bão từ rằm tháng 9 âm lịch đến hết mùa đông hằng năm, còn mùa xuân, mùa hè chưa bao giờ có cảnh mưa gió khủng khiếp như vừa rồi.

Ở huyện Tuy An này, trận mưa gió bất thường vừa rồi khiến 2.450 lồng với 790.000 con tôm hùm ươm nuôi bị thiệt hại, đủ thấy con số thiệt hại lớn đến mức nào.

Nhiều ruộng lúa ở huyện Tây Hòa (Phú Yên) bị ngã đổ, chìm trong nước, nguy cơ úng, thối

Dưới biển là vậy, còn trên đồng lúa Tuy Hòa, vựa lúa lớn nhất miền Trung, có đến 15.720ha lúa vụ đông xuân (trong số hơn 26.600ha gieo sạ) đang trổ, chín tới, sắp thu hoạch bị ngã đổ, ngập trong nước.

Ông Nguyễn Bá Toàn ở xã Hòa Bình 1 (huyện Tây Hòa) đứng như trời trồng trước đám ruộng vừa mới chín ngả vàng của mình giờ ngã rạp, chìm trong nước.

"Đầu vụ thì bị lũ lớn lấy hết giống má, lúa ăn dự trữ bị ngập hư hết. Giờ lúa mới chín tới mà ngã rạp ngâm nước vầy, nếu có mưa nữa thì chắc úng, thối hết. Lúa chừng này có gặt cũng chỉ cho bò ăn chứ có ra thóc ra gạo được đâu!" - ông Toàn buồn bã.

Báo cáo của Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Phú Yên sáng 2-4 cho biết, trận mưa gió lớn bất thường đã làm 1 người chết, 1 người mất tích, 117 tàu thuyền đắm chìm, thiệt hại nặng nề về nuôi trồng thủy sản và sản xuất lúa đông xuân…

Tổng giá trị thiệt hại ước sơ bộ hơn 284 tỉ đồng. Phú Yên đề nghị trung ương hỗ trợ tỉnh 200 tỉ đồng khắc phục hậu quả.


Khẩn trương giúp dân gượng dậy

Sáng 2-4, dẫn đầu đoàn công tác của Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai kiểm tra, chỉ đạo khắc phục hậu quả tại Phú Yên, ông Nguyễn Hoàng Hiệp - thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, phó trưởng Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai - nói rằng đây là một đợt thời tiết rất bất thường, thậm chí là dị thường ở khu vực Phú Yên, Bình Định, Khánh Hòa, vì đã bắt đầu bước vào mùa khô nhưng lại có một trận mưa và gió rất lớn như là bão.

"Thiệt hại ở đây rất lớn, lớn hơn một trận bão cấp 11-12 ở khu vực này rất nhiều lần" - ông Hiệp nhận xét.

Theo ông, với những người làm phòng chống thiên tai thì không bất ngờ với đợt thời tiết bất thường này vì đã nắm được và đã có cảnh báo, nhưng đối với nhân dân thì vẫn bất ngờ.

"Người dân tính toán mùa nào thì trú ở đâu, nhưng nay tự nhiên nó lại thay đổi. Chính vì thế họ không kịp trở tay và thiệt hại, đặc biệt là nuôi trồng thủy sản tại Phú Yên, là rất lớn" - ông Hiệp đánh giá.


Chúng tôi sẽ đề nghị đơn vị dự báo thiên tai rõ hơn, gió cấp mấy, đường đi gió thế nào, có gió xoáy, gió lốc không, ảnh hưởng của cấp sóng ra sao. Thứ hai là làm thế nào để chuyển tải thông tin dự báo ấy cho người dân đang ở trên biển nắm được, biết được. Có như vậy thì sẽ giảm thiệt hại rất nhiều”.

Ông NGUYỄN HOÀNG HIỆP

Ông Nguyễn Hoàng Hiệp hỏi chuyện một chủ tàu bị sóng đánh vỡ ở xã An Hòa Hải


Ông Hiệp đề nghị tỉnh Phú Yên trước mắt khẩn trương, tranh thủ khắc phục sớm nhất, nhanh nhất thiệt hại, hỗ trợ ngay cho người bị thiệt hại ổn định cuộc sống, có chính sách giúp dân khoanh, giãn nợ và tái sản xuất.

Về dài hạn, ông Hiệp cho hay cần có những giải pháp mới cho các vùng nuôi trồng thủy sản, trong đó tập trung quản lý chặt quy hoạch vùng nuôi, nghiên cứu vật liệu mới làm lồng nuôi hải sản có khả năng chống chịu với các hình thái thiên tai và giá thành mức người dân chấp nhận được, cùng với đó là cơ chế hỗ trợ của Nhà nước.

Lực lượng của Phòng tham mưu Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Phú Yên giúp dân xã An Hòa Hải khắc phục hậu quả thiên tai

Bà Hồ Thị Nguyên Thảo - phó chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên - cho biết ngoài việc chỉ đạo các lực lượng tham gia ứng cứu, hỗ trợ dân trong và sau khi trận thiên tai xảy ra, tỉnh yêu cầu các địa phương khẩn trương thống kê thiệt hại của dân đầy đủ để có hỗ trợ ngay.

"Diện tích lúa thiệt hại quá lớn như vậy thì chắc chắn là nhiều hộ dân đối mặt với đói, nên trước mắt tỉnh phải hỗ trợ cho bà con sớm nhất để không để hộ nào thiếu đói.

Còn đối với thiệt hại về tàu thuyền, nuôi trồng thủy sản, UBND tỉnh đã giao Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tham mưu để có chính sách hỗ trợ cho bà con. Tỉnh cũng chỉ đạo ngành ngân hàng thực hiện các giải pháp, chính sách về khoanh nợ, giãn nợ, tái cho vay để các hộ bị thiệt hại tái sản xuất" - bà Thảo nói.

Bình Định hỗ trợ khẩn cấp cho ngư dân bị chìm tàu thuyền

Ngày 2-4, ông Trần Văn Phúc - giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Bình Định - cho biết đợt mưa từ chiều tối 30-3 đến 1-4 làm ngập, đổ ngã 11.539ha lúa vụ đông xuân đang trong thời gian thu hoạch và 577ha hoa màu bị hư hại; 55 tàu thuyền của ngư dân bị chìm đắm. Thiệt hại sơ bộ ước tính khoảng 4 tỉ đồng.

UBND TP Quy Nhơn hỗ trợ 2 triệu đồng/hộ có ghe thuyền chìm, hư hỏng. UBND tỉnh Bình Định hỗ trợ 5 triệu đồng/hộ có tàu thuyền công suất dưới 20 CV bị chìm, thiệt hại; 15 triệu đồng đối với mỗi tàu thuyền công suất từ 20-50 CV và đang nhanh chóng tìm giải pháp, nguồn hỗ trợ cho các hộ dân bị thiệt hại; chỉ đạo các địa phương, sở ngành, lực lượng tập trung cứu lúa.

Khánh Hòa có 60 tàu thuyền chìm, thiệt hại gần 4,7 tỉ đồng

Trận mưa gió lớn vừa qua làm 60 tàu thuyền, ca nô tại huyện Vạn Ninh bị chìm, hư hỏng, thiệt hại gần 4,7 tỉ đồng. Mưa lớn cũng khiến cho 357ha lúa chuẩn bị thu hoạch bị ngập nước, chưa xác định được thiệt hại chính xác.

Ông Đinh Văn Thiệu - phó chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa - cho hay tỉnh tiếp tục chỉ đạo các địa phương phòng ngừa khả năng sóng lớn gây thiệt hại tàu thuyền và nuôi trồng thủy sản trên biển. Về lâu dài, tỉnh đang xây dựng chính sách hỗ trợ ngư dân nuôi biển chuyển sang lồng chất liệu HDPE với khả năng chống chịu tốt hơn với thiên tai.


LÂM THIÊN – MINH CHIẾN


Một số hình ảnh về thiệt hại và khắc phục hậu quả thiên tai tại tỉnh Phú Yên, Tuổi Trẻ Online ghi nhận ngày 2-4:

Làng biển Yến ở xã An Hòa Hải (huyện Tuy An, Phú Yên) ngổn ngang như "bãi chiến trường" tan tác sau trận cuồng phong sáng sớm 31-3

Một nửa đầu chiếc tàu cá bị sóng đánh gãy, văng lên bờ biển An Hòa Hải

Cố vớt vát những gì còn sót lại

Bắt lại những con tôm hùm giống bị sóng đánh dạt lồng nuôi ươm vào bờ

Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, thời tiết tại TP Đà Nẵng liên tục có mưa lớn trong ngày 1-4. Đến khuya 1-4, nhiều khu dân cư bị ngập cục bộ khiến người dân nháo nhào chạy lụt.

Chia sẻ Facebook