Mua được dầu với chiết khấu cao, Ấn Độ đáp lại bằng cách nối lại xuất khẩu lương thực, thực phẩm sang Nga

Chia sẻ Facebook
21/04/2022 06:51:24

Xuất khẩu của Ấn Độ sang Nga đã được nối trở lại, chủ yếu là các mặt hàng lương thực khi các cửa hàng tại Nga đang bị bỏ trống do phải đối mặt với các lệnh trừng phạt từ phương Tây.

Tờ The Economic Times cho biết xuất khẩu của Ấn Độ sang Nga đã khôi phục trở lại với các container chở hàng hóa bao gồm chè, gạo, trái cây, cà phê, hải sản và bánh kẹo được vận chuyển vào tuần trước.

Các ngân hàng lớn nhất của Nga đang tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại song phương, phần lớn qua các cảng ở Georgia. Tổng giám đốc kiêm Giám đốc điều hành Liên đoàn các tổ chức xuất khẩu Ấn Độ Ajay Sahai cho biết các giao dịch đang diễn ra thông qua Sberbank.


Trước đó, hoạt động xuất khẩu của Ấn Độ sang Nga hầu như bị đình trệ trong bối cảnh bất ổn do chiến dịch của Nga ở Ukraine.

Hoạt động thương mại đang được tiến hành bằng đồng Rupee trong phạm vi có thể trong khi một số ngân hàng đang cung cấp kiều hối bằng đồng Euro. Các quan chức của cả hai nước đã tổ chức các cuộc đàm phán liên quan đến thương mại và thanh toán.

Ashwin Shah, Giám đốc Shah Nanji Nagji Exports, nhà xuất khẩu gạo hàng đầu sang Nga, cho biết: "Chúng tôi vừa gửi 60 container gạo non-basmati tới Nga, mỗi container nặng 22 tấn. Alfa-Bank, ngân hàng có trụ sở tại Nga, sẽ xử lý việc thanh toán gạo của chúng tôi."

Nhiều mặt hàng thực phẩm bị thiếu hụt do lạm phát tăng cao và các lệnh trừng phạt tại Nga.

Nhu cầu trước mắt là thực phẩm, vì các cửa hàng của Nga đang bị bỏ trống do các lệnh trừng phạt áp đặt đối với nước này và lệnh cấm cung cấp của Liên minh châu Âu. Mohit Agarwal, Giám đốc Asian Tea, một nhà xuất khẩu lớn cho hay: "Xuất khẩu chè sang Nga đã bắt đầu và chúng tôi vừa vận chuyển 5 container sang quốc gia này.''

Nga là thị trường tiêu thụ chè lớn của Ấn Độ với khối lượng nhập khẩu hàng năm đạt 43-45 triệu kg. Các nguồn tin trong ngành cho biết Ấn Độ sẽ sớm bổ sung thêm nhiều mặt hàng để xuất khẩu sang Nga.

Ấn Độ có thể ''cứu'' thế giới khỏi khủng hoảng lương thực?

Không chỉ có động thái xuất khẩu sang Nga, Ấn Độ còn đang cho thấy khả năng sẽ "cứu" thế giới khỏi khủng hoàng lương thực. Tuần trước, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi nói rằng New Delhi sẵn cung cấp lương thực cho phần còn lại của thế giới sau “cú sốc” về nguồn cung và giá cả leo thang do cuộc xung đột tại Ukraine.

Nga và Ukraine là hai trong số các nước xuất khẩu lúa mì lớn của thế giới và chiếm khoảng 1/3 tổng doanh số bán lúa mì hàng năm toàn cầu. Hai quốc gia này cũng chiếm 55% tổng lượng xuất khẩu dầu hướng dương hàng năm, 17% lượng xuất khẩu ngô và lúa mạch của thế giới. Theo dự kiến của UNFAO, cả Moskva và Kiev sẽ xuất khẩu 14 triệu tấn lúa mì và hơn 16 triệu tấn ngô trong năm nay.

Ấn Độ là nước sản xuất gạo và lúa mì lớn thứ hai trên thế giới. Tính đến đầu tháng 4, Ấn Độ có tới 74 triệu tấn hai mặt hàng chủ lực này trong kho. Trong số đó, 21 triệu tấn sẽ được đưa vào kho dự trữ chiến lược và Hệ thống phân phối công cộng (PDS), trong nỗ lực giúp hơn 700 triệu người nghèo tiếp cận lương thực giá rẻ.

Ấn Độ cũng là một trong những nhà cung cấp lúa mì và gạo rẻ nhất toàn cầu. Quốc gia này đã xuất khẩu gạo tới gần 150 quốc gia và xuất khẩu lúa mì tới 68 nước. Chỉ riêng trong giai đoạn 2020-2021, Ấn Độ đã xuất khẩu khoảng 7 triệu tấn lúa mì.


Trước tình trạng giá lương thực toàn cầu leo thang, các thương nhân Ân Độ đã ký hợp đồng xuất khẩu hơn 3 triệu tấn lúa mì trong thời gian từ tháng 4 đến tháng 7. Lượng xuất khẩu của họ đã vượt mức kỷ lục 50 tỷ USD trong giai đoạn 2021-2022.

Theo ông Ashok Gulati, Giáo sư nông nghiệp tại Hội đồng Nghiên cứu Quan hệ Kinh tế Quốc tế, Ấn Độ có khả năng xuất khẩu 22 triệu tấn gạo và 16 triệu tấn lúa mì trong năm tài chính này. Ông nói: "Nếu WTO cho phép xuất khẩu kho dự trữ của Ấn Độ, con số này có thể cao hơn nữa. Điều này sẽ giúp hạ nhiệt giá lương thực toàn cầu và giảm gánh nặng cho các nước nhập khẩu trên thế giới".

Trước mắt Ấn Độ có thể phải đối mặt với vụ thu hoạch kém hơn mong đợi. Vụ lúa mì mới của Ấn Độ đang diễn ra và giới chức ước tính nước này sẽ thu hoạch kỷ lục 111 triệu tấn - mùa vụ bội thu thứ 6 liên tiếp.

Tuy nhiên, các chuyên gia không cho rằng Ấn Độ có thể đạt năng suất như kỳ vọng. Năng suất của Ấn Độ sẽ thấp hơn nhiều vì tình trạng thiếu phân bón và thời tiết thay đổi bất thường. Quốc gia Nam Á này đang phải chật vật vì lượng mưa quá nhiều và nắng nóng gay gắt ngay từ đầu mùa hè năm nay.


Nguồn: Economic Times

Chia sẻ Facebook