Mùa đông sắp gõ cửa, tương lai điện hạt nhân nước Đức chưa ngã ngũ
Đức - nền kinh tế lớn nhất châu Âu hiện đang cân nhắc mọi lựa chọn có thể nhằm lấp đầy một phần lỗ hổng do khí đốt Nga để lại khi chẳng mấy chốc mùa đông sẽ gõ cửa.
Châu Âu đang ở giữa cuộc khủng hoảng năng lượng tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ, khiến lạm phát gia tăng và đẩy các quốc gia ở “lục địa già” vào bờ vực suy thoái.
Nga đã cắt giảm mạnh dòng khí đốt tự nhiên chảy qua đường ống Nord Stream 1 tới châu Âu trong bối cảnh xung đột ở Ukraine đang tiếp diễn. Thêm vào đó, thời tiết nắng nóng bất thường khiến sông suối khô cạn đã cản trở việc vận chuyển nhiên liệu qua các con sông chính của châu Âu.
Hoàn cảnh này buộc các chính trị gia phải xem xét tất cả các lựa chọn thay thế có sẵn, bao gồm cả năng lượng nguyên tử.
Ở Đức, quyết định loại bỏ vĩnh viễn điện hạt nhân vào cuối năm nay, được Cựu Thủ tướng Angela Merkel khởi xướng và đa số cử tri ủng hộ, hiện đang bị lung lay và trở thành vấn đề gây chia rẽ ngay trong chính liên minh cầm quyền “đèn giao thông” của chính phủ Đức .
Chờ quyết định cuối cùng
Đức nhiều khả năng sẽ không thể thay thế toàn bộ lượng khí đốt tự nhiên nhập khẩu của Nga trong mùa đông này và có thể phải dùng đến năng lượng hạt nhân để lấp đầy một phần lỗ hổng, 2 nhà lãnh đạo quyền lực nhất của quốc gia Tây Âu cho biết.
Thủ tướng Olaf Scholz trả lời câu hỏi của người dân trong Ngày Mở cửa của chính phủ Đức tại Phủ Thủ tướng, ở Berlin, ngày 21/8/2022. Ảnh: Germany Detail Zero
Phát biểu tại Ngày Mở cửa (Open Door Day) của chính phủ Đức ở Berlin hôm 21/8, cả Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck đều nhấn mạnh rằng mặc dù có một lựa chọn kéo dài tuổi thọ của 3 lò phản ứng hạt nhân còn lại của đất nước sau tháng 12 tới, nó chỉ đang được xem xét và chưa có quyết định cuối cùng, vì công nghệ này không được cho là lựa chọn kinh tế và an toàn nhất hiện có cho nước Đức.
Theo Bộ trưởng Habeck, việc kéo dài tuổi thọ của 3 nhà máy điện hạt nhân này chỉ giúp tiết kiệm tối đa 2% lượng khí đốt sử dụng.
Con số này được cho là không đáng để mở lại cuộc tranh luận về việc Đức có nên trì hoãn hạn chót kết thúc kỷ nguyên điện hạt nhân ở nước này hay không, ông Habeck cho biết trong cuộc thảo luận với người dân vào Ngày Mở cửa.
“Đó sẽ là một quyết định sai lầm khi xét đến số nhiên liệu mà chúng ta sẽ tiết kiệm được”, ông Habeck, một thành viên của Đảng Greens, có nguồn gốc từ phong trào chống hạt nhân trong những năm 1970 và 1980, cho biết.
Thủ tướng Đức Scholz nhắc lại các vấn đề về bảo trì và sửa chữa các lò phản ứng ở Pháp hồi năm ngoái, nhấn mạnh rằng đó là một lời nhắc nhở về những vấn đề mà các nhà máy điện hạt nhân cũ đang gặp phải.
“Điều khiến tôi lo lắng là không có câu trả lời cho câu hỏi điều gì sẽ xảy ra khi chúng ta cạn kiệt khí đốt”, ông Scholz nói. “Nhưng nếu chúng ta quyết định giữ cho các nhà máy điện hạt nhân tiếp tục hoạt động để đảm bảo chúng ta không gặp sự cố năng lượng trong mùa đông này, nó cũng sẽ chỉ đóng góp một phần nhỏ vào việc giải quyết thách thức của chúng ta, bởi vì đó chỉ là về vấn đề sản xuất điện”.
Các nhà khai thác điện hạt nhân ở Đức, bao gồm EON SE và RWE AG, cho biết, họ sẵn sàng thảo luận về lựa chọn kéo dài tuổi thọ các nhà máy của họ với các nhà lập pháp Đức, nhưng nhấn mạnh sự cần thiết của một quyết định nhanh chóng.
Thủ tướng Scholz cho biết, một nghiên cứu về an ninh nguồn cung giúp chính phủ Đức đưa ra quyết định về các nhà máy điện hạt nhân sẽ có vào cuối tháng 8 hoặc đầu tháng 9.
Biểu đồ cơ cấu năng lượng Đức, trong đó khí đốt là loại nhiên liệu ổn định cho sản xuất điện năng. Ảnh: Bloomberg
Ở phía bên kia của cuộc tranh luận, Bộ trưởng Tài chính Đức Christian Lindner của đảng Dân chủ Tự do (FDP) ủng hộ doanh nghiệp nhắc lại lập trường của ông rằng, nên kéo dài tuổi thọ của các nhà máy điện hạt nhân trong một thời gian hạn chế, hơn là đưa các nhà máy than vào hoạt động trở lại.
“Chúng ta không nên quá cầu kỳ mà hãy cân nhắc mọi khả năng”, Bộ trưởng Tài chính nói, và nói thêm rằng ông ủng hộ gia hạn “vài năm” cho điện hạt nhân trong hoàn cảnh hiện tại .
Minh Đức (Theo Bloomberg, Reuters)