Mua bức tranh cũ không tới 700 nghìn đồng ở chợ, không ngờ lại có giá đến hàng chục triệu đô
Một người đàn ông đã mua 1 bức tranh ở chợ với giá 30 USD (gần 700.000 VND). Ngay sau khi thẩm định, đến chính bản ông cũng không thể tin nổi, giá trị thực của bức họa lên tới hàng chục triệu USD.
Một người đàn ông đã mua bức tranh cùng một chiếc vòng cổ giả ngọc trong buổi bán đồ thanh lý vào năm 2016. Sau đó ông cất bức tranh trong nhà, thỉnh thoảng đem ra khoe với khách tới nhà chơi. Bức tranh có gì đó rất thu hút, dù ông không biết nguồn gốc của nó.
Hành trình bức tranh được giám định cũng khá ly kỳ. Chủ nhân bức tranh này là bạn của Brainerd Phillipson, người mở cửa hàng sách hiếm tại Holliston, bang Massachusetts. Năm 2019, Clifford Schorer, doanh nhân kiêm nhà buôn tác phẩm nghệ thuật ở Boston, đã ghé qua cửa hàng để mua một món quà.
Tại đây, họ trò chuyện về nghệ thuật và Phillipson nói rằng bạn mình đang sở hữu bức tranh có thể là của Dürer. Chữ ký A.D ở góc bức tranh, là tên viết tắt của Albrecht Dürer, nghệ sĩ nổi tiếng người Đức sinh năm 1471, có thể làm bằng chứng.
Schorer cũng cho biết rằng các bản vẽ của Albrecht Dürer là cực kỳ hiếm và ông nghĩ rằng hầu hết các bức vẽ còn sót lại đều đã được tìm thấy. Ông nói với ông Phillipson: “Là một người am hiểu về Albrecht Dürer, tôi nghĩ điều đó là không thể.”
11 ngày sau, người chủ gửi hình ảnh tác phẩm nghệ thuật cho Schorer, và Schorer đã đến ngay nhà người đàn ông này. Tại đây, ông Schorer đã ngồi xuống bàn bếp để xem lại bức vẽ.
Ông đã phải thốt lên khi thấy nó: “Đây hoặc là một kiệt tác, hoăc là một bức giả mạo giỏi nhất mà tôi từng thấy.”
Schorer – người chuyên phục hồi các bức tranh bị mất, đã đặt cọc 100.000 USD cho người chủ để bán bức tranh theo một thỏa thuận được giữ kín, và nếu bức tranh giả mạo, Schorer sẽ mất trắng 100.000 USD.
Ba ngày sau, Schorer tới Anh, giao bức tranh cho Jane McAusland, một nhà bảo quản tranh, cố vấn cho các viện bảo tàng, đại lý tranh và nhà đấu giá.
Ba tuần sau, McAusland nói với Schorer rằng bức tranh đã được nhuộm lại bằng trà hoặc cà phê để làm cũ đi. Nhưng Schorer yêu cầu McAusland tiếp tục xem lại.
McAusland trả lời qua email vào hôm sau, kèm ảnh bức tranh, cho thấy một hình đinh ba chìm, dấu hiệu chỉ có trong tranh vẽ tay của Dürer.
Theo nghiên cứu, Dürer ưa dùng loại giấy đặc biệt của Jacob Fugger, người bảo trợ của ông, đồng thời là một trong những người giàu nhất thời đó. Chỉ có xưởng vẽ của Dürer mới được dùng loại giấy này, vốn in chìm biểu tượng đinh ba của Fugge, theo Christof Metzger, một chuyên gia về tranh Dürer.
Metzger nhận định bức tranh có niên đại năm 1503, khi Dürer vẽ một bức tương tự về Đức mẹ Đồng trinh ngồi trên ghế băng um tùm cỏ. Metzger tin rằng bản vẽ mới được phát hiện là “bức hoàn chỉnh đầu tiên” của Dürer được phát hiện từ năm 1932 tới nay.
Schorer sau đó đã gặp nhiều chuyên gia khắp thế giới để xác thực bức tranh trong hơn hai năm qua. Chỉ một người trong số đó không đồng ý đây là tranh vẽ tay của Dürer. Các manh mối như giấy, nét bút, phong cách,… đều chỉ ra rằng đây không phải là đồ giả mạo.
Tháng này, hội đồng chuyên gia Bảo tàng Anh tại London tiến hành giám định và tuyên bố bức tranh có tựa đề “Đức mẹ và Đứa trẻ cùng bông hoa trên băng ghế cỏ” này là tác phẩm của Albrecht Dürer.
Hiện tại, bức vẽ đang được trưng bày tại Agnews Gallery ở London và sẽ được trưng bày tại phòng tranh Conaghi ở New York vào tháng tới. Được biết vào tháng trước, phòng trưng bày Agnews tuyên bố đang lên kế hoạch rao bán bức tranh với “giá 8 con số”.
Schorer và chủ nhân của bức tranh hiện tại sẽ nhận được một khoản tiền lớn khi bức tranh được bán ra thị trường. Schorer từ chối suy đoán về giá trị của bức tranh nhưng ông cho biết đây có thể là tác phẩm giá trị nhất của một bậc thầy thời Phục hưng kể từ khi một bản phác thảo bằng phấn của Raphael được bán ra với giá gần 48 triệu USD vào năm 2012.
Schorer cho biết ông đã dành cả đời mình đi khắp thế giới để tìm hiểu về nghệ thuật nhưng ông vẫn ngạc nhiên khi thấy rằng một tác phẩm vĩ đại như vậy lại được tìm thấy theo cách đặc biệt như thế này.
Thiện Thành (t/h)
Từ Khóa :