Mua bán nhà đất: Hết thời "lách thuế"
Làm thế nào để ngăn chặn tình trạng "Trốn thuế, lách thuế" khi mua bán nhà đất là một chủ đề được không ít tờ báo đề cập trong tuần qua.
Cụ thể, nhiều giao dịch nhà đất có đến 2, 3 hợp đồng với những mức giá mua bán khác nhau, cho nhiều mục đích. Trong đó có hợp đồng giá thấp để giảm nộp thuế thu nhập cá nhân và lệ phí trước bạ khi người mua và người bán bắt tay nhau.
Thực trạng này phổ biến lâu nay, thậm chí đã thành thói quen đối với nhiều người dân khi mua bán bất động sản. Hệ lụy là thất thu ngân sách và quan trọng hơn, Nhà nước không đủ cơ sở thực tế để phân tích định hướng, không kiểm soát được thị trường để đưa ra những quyết sách kịp thời.
Báo Tuổi trẻ đưa ý kiến các chuyên gia nêu lên thực tế hành vi trốn thuế về nguyên tắc sẽ bị xử lý hình sự, phạt hành chính… tùy mức độ, nhưng thời gian qua, để chứng minh hành vi trốn thuế của các bên liên quan, các cơ quan chức năng phải kiểm tra rất công phu, nhưng mức xử phạt thấp thì không bõ công. Vì vậy, ít trường hợp bị xử lý hành chính về hành vi trốn thuế.
Xóa khoảng trống pháp lý để tránh "lách thuế"
Mới đây, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã ký công văn đề nghị Bộ Công an chỉ đạo công an các địa phương phối hợp các cục thuế xử lý nghiêm giao dịch có dấu hiệu trốn thuế. Tuy nhiên theo các chuyên gia chia sẻ trên tờ Lao động , về lâu dài, cần hơn cả là phải xóa khoảng trống pháp lý để tránh "lách thuế".
Chỉ ra nguyên nhân thất thu thuế lớn nhất là khi không thể quản lý được giá trong giao dịch, có ý kiến cho rằng, do cơ sở dữ liệu về giá của nhà nước cũng chưa có hoặc chưa cập nhật nên khó xác định được đâu là giá trị trường. Vì vậy cần phải xem xét chỉnh sửa để bảng giá đất của nhà nước phải áp sát mức 90 - 95% giá thị trường, thay vì chỉ bằng 30 - 40% giá thị trường như hiện nay.
Chống thất thu thuế nhà đất gắt gao hơn
Phải kiểm soát được dòng tiền trong giao dịch bất động sản cũng là yêu cầu được đặt ra bởi các văn bản quy phạm pháp luật hiện nay chưa quy định cơ chế kiểm soát dòng tiền đối với các giao dịch chuyển nhượng bất động sản.
Vì vậy, một giải pháp quan trọng được nhiều chuyên gia nhấn mạnh chính là buộc thanh toán phải qua ngân hàng. Giải pháp này không chỉ giúp quản lý được thuế, mà còn góp phần ngăn chặn tham nhũng, rửa tiền. Các giao dịch minh bạch và cũng phù hợp với xu hướng hạn chế sử dụng tiền mặt trong nền kinh tế, thông tin trên tờ Tuổi trẻ .
Chống trốn thuế chuyển nhượng bất động sản
Việc các chi cục thuế ngăn chặn các hồ sơ có dấu hiệu khai giá thấp, hoặc chuyển cơ quan công an để điều tra đã góp phần hạn chế tình trạng khai gian, né thuế. Tuy nhiên cần phải lưu ý rằng, việc đó sẽ dẫn đến rủi ro cho cán bộ thuế, vì có thể vi phạm thời hạn trả hồ sơ, hoặc đối diện với các vụ kiện ở tòa.
Nguyên nhân là chưa có quy định pháp luật rõ ràng. Do đó, theo tờ Sài gòn giải phóng , để luật thuế được thực thi hiệu quả, công bằng là cần thiết, tuy nhiên cần bổ sung và thay đổi các luật liên quan để giải quyết tận gốc vấn đề chống thất thu thuế chuyển nhượng bất động sản.
Trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cách đây 2 tuần, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, trong vòng 15 ngày đầu của tháng 1 năm nay, qua kiểm tra 85.000 bộ hồ sơ và cho kê khai lại đã tăng thuế được đến 222 tỷ đồng. Một con số không hề nhỏ.
Từ 1/3/2022, Nghị định số 02/2022/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Kinh doanh bất động sản sẽ chính thức có hiệu lực.