“Mù mờ” thông tin bất động sản
Hiện tượng dìm giá, "đôn giá" trong các giao dịch bất động sản (BĐS) thứ cấp tiếp tục gây nhiễu loạn thị trường, thất thoát thuế.
Mặc dù liên tục thăng hạng về chỉ số minh bạch bất động sản toàn cầu, thế nhưng một thực trạng diễn ra nhức nhối hiện nay là giao dịch BĐS trong nước vẫn biến thiên khó lường.
Trong đó, ghi nhận của các đơn vị nghiên cứu thị trường cũng cho thấy đất nền có nơi tăng giá gấp 2 – 3 lần chỉ trong 1 năm. Song, ở chiều ngược lại, giá giao dịch được ghi nhận tại các cơ quan nhà nước thường thấp hơn mức giá thực tế, Bộ Tài Chính và các địa phương phải liên tục cảnh báo và lệnh siết thuế chuyển nhượng BĐS.
Theo chuyên gia kinh tế - TS. Đinh Thế Hiển, hiện tượng đầu cơ, thổi giá đang là lực cản lớn của thị trường hiện nay. Nhất là khi người bán và người mua đều không biết được giá trị thật của BĐS, dẫn đến chuyện “năm người mười giá” thường xuyên diễn ra.
Vị chuyên gia cũng cho biết, mỗi ngày trên các trang rao vặt, có hàng nghìn tin đăng, nội dung không được kiểm soát, cùng 1 thửa đất nhưng có hàng chục, hàng trăm tin rao, gây nhiễu loạn thông tin, khiến thị trường bị “bóp méo”.
Thực trạng ấy cho thấy, thiếu thông tin, không minh bạch về giá đã và đang là “nỗi đau”, cản trở sự phát triển lành mạnh của thị trường BĐS Việt Nam, gây méo mó, biến dạng thị trường.
PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia tài chính kinh tế cho rằng, hiện các giải pháp tiền kiểm hay quy định bắt buộc giao dịch qua ngân hàng cũng vẫn bị lách luật với việc giá trong hợp đồng mua bán thì chuyển khoản nhưng hai bên vẫn có thể ngầm giao dịch tiền mặt với giá khác.
Ông Thịnh cho rằng, chúng ta cần phải xây dựng được kho dữ liệu lưu trữ các thông tin mua bán. Cần sự phối hợp giữa các phòng công chứng khi công chứng các hợp đồng mua bán BĐS cần cung cấp thông tin giao dịch cho cơ quan thuế. Hệ thống cán bộ thuế đến tận thôn, xóm, xã, phường xác định giá đất sát thị trường là hoàn toàn khả thi.