Một trời xứ mắm An Giang
Thì ở xứ miền Tây Nam Bộ, người ta cũng hay bảo nhau mắm xứ nào là ngon nhứt. Dân xứ biển có mắm cá mồng gà, cá sơn, cá lưỡi trâu, mắm cua, mắm còng…; dân xứ rừng có mắm ong, mắm lóc, mắm rô, mắm trứng…; còn dân đầu nguồn An Giang thì ôi thôi, kể tới mốt cũng không kể hết mắm.
Vùng "túi cá" đầu nguồn thời cá ăn không hết, người ta phải muối để dành mà ra khô, ra mắm . Rồi phải chiều theo khẩu vị người dùng mà thành đặc sản trứ danh.
Vùng đất An Giang một thời "cá ăn không hết" ấy, giờ thì người ta vẫn tự tin rằng "mắm ăn không hết".
Có những cuộc tranh luận bất tận mà chẳng ai biết để làm gì. Tỉ như dân sành nước hoa cứ chê, khen nào là Chanel, Lancome, Chloe, Marc Jacobs hay Estee Lauder… cái nào chất hơn.
Dòng Mekong chảy đến Phnom Penh chia làm hai nhánh. Tả ngạn chảy thẳng vào Việt Nam có tên gọi là sông Tiền, hữu ngạn vào Việt Nam có tên gọi là Bassac hay sông Hậu. Cả hai con sông đều trình hộ chiếu nhập cảnh qua ngõ An Giang.
Ông Út Nghề, ngư dân ở thôn Cỏ Lau, miệt biên giới An Phú (An Giang), nói rằng nếu như lệ thường thì sau mùng 5 tháng 5 âm lịch, nước sẽ xoay chiều từ thượng nguồn chảy về xuôi. Bắt đầu cho những tháng nước lênh láng đồng, kéo theo cơ man là cá.
"Hồi đó tụi tao gọi cho vui là… nước trong cá. Vì cứ tưởng như mùa cá lên chứ không phải mùa nước lên. Cá nhiều quá xuể bây!".
Người ta nói, tới mùa cá về thì không cân kéo nào tính được bao nhiêu ký cá linh. Chưa kể, các "tập đoàn" cá trắng từ vùng nước trên đổ xuống như cá mè, cá sặc, cá trèn, cá chốt… bổ sung thêm cho sản lượng ở những "túi cá" đầu nguồn.
Ngày trước, chúng "làm khó" người dân đầu nguồn, họ chẳng biết phải làm gì cho hết với sản vật trời cho.
Dân làm lưới, đáy ở các con sông vào mùa nước lên luôn có những mối giao hảo với các bạn hàng "vùng trên", miệt Sài Gòn, Chợ Lớn. Mùa cá lên, họ đánh ghe bầu, ghe lườn xuống chở cá.
Cá tính bằng ghe chứ ai hơi sức đâu mà cân. Rồi cũng có lúc cá nhiều đến mức ghe không chở hết, người ta xả lưới cho cá trôi theo nước.
Ông Út Nghề nói, cái thời dân ở đây phí của trời trong sự bất lực, vì không tính sao cho đặng với lượng cá nhiều hết nói nổi ở đây.
Bấy giờ, dân ở đây ít ai nghĩ rằng từ chuyện phải dùng muối để bảo quản cá, mà thành ra các món mắm, món khô. Bởi ngày trước, ở đây không có mùa cực ăn. Chỉ có mùa nhiều cá với mùa… quá trời cá.
Cái thời cư dân miền ngoài, nói giọng khác dân bản xứ thì người ta gọi là "người Huế", đến từ "ngoài Huế", rồi món mắm cũng đã được truyền dạy theo thuở khai hoang mở đất đó.
Dân vùng đầu nguồn An Giang ngoài những câu chuyện khai hoang, mở cõi mà lịch sử còn ghi dấu ở mỗi vùng đất, thì còn cả những mối giao hảo với bạn bè bên kia biên giới.
Dân Khmer vùng Bassac vẫn luôn tự hào về những đặc trưng trong văn hóa, ẩm thực. Trong đó, món mắm bò hóc đậm mùi và đậm vị cũng không hoàn toàn giống món mắm của người Khmer sinh sống ở Campuchia.
Cũng như trong thực đơn mắm ở An Giang, có cả mắm Thái. Nhưng khẩu vị bản xứ thì khác xa mắm Thái ở Thái Lan. Nhưng đố mà sang Campuchia, sang Thái để tìm được địa phương nào nhiều mắm đến mức chóng mặt như xứ An Giang. Đã vậy, người ta còn tiếp tục "nghiên cứu" để ra thêm món, để tìm thêm vị…
Chơi vậy ai chơi lại!
Trở lại xứ mắm Châu Đốc, theo bà Nguyễn Kim Xuân (73 tuổi) - chủ thương hiệu Cô Tư Ấu vang danh ở Núi Sam, thì mắm là một món mà có thể ăn lúc nào cũng được.
Mắm có thể ăn riêng hoặc nấu chung với món khác. Mắm có thể được "phá phách" làm nhiều món ngon, là cả một trời nghệ thuật ẩm thực, nên không đơn thuần là món dự trữ.
Trước bà Xuân hai thế hệ, gia đình chủ xưởng đá Chín Sum để lại thừa kế xưởng đá cho người con gái thứ năm, vốn giỏi ngoại giao, khéo tính toán. Còn người con gái thứ tư vì mê bếp nên có phần thua thiệt, hưởng của má nghề làm mắm ngon, vốn đã có tiếng từ trào Pháp thuộc.
Thời bà Chín Sum, dân miệt dưới lên Núi Sam hành hương, viếng Bà Chúa Xứ đã nài nỉ bà chủ mỏ đá chia lại mắm cá linh về quê "ăn cho biết".
"Hồi đó, cá ở đây còn nhiều. Mùa nước lên là nhà nào cũng có vài lu mắm, nước mắm dự trữ. Khách thập phương tới ăn ngon quá thì họ hỏi mua. Ai hơi sức đâu mà làm mắm cho hoài. Thì phải bán. Dần dần rồi dân ở đây cũng có nghề mắm, cũng ra đời những tiệm mắm, vựa mắm…".
Đến thế hệ mẹ của bà, bà Tư Ấu mở hẳn thương hiệu mắm Cô Tư Ấu. Cũng từ công thức truyền dạy của bà Chín Sum mà bà Tư Ấu sớm nổi tiếng với nghề mắm gia truyền.
Bà Hai Xuân nói, thời buổi nhà cửa thưa thớt, nhưng người xứ xa cũng lặn lội hỏi mua mắm bà Tư Ấu, bà Giáo Khỏe, bà Giáo Thảo. Đó là những người làm mắm nổi tiếng vùng Châu Đốc. Sau, tên tuổi thành thương hiệu mắm được gần xa biết đến.
"Ngày trước, dân miệt dưới lên Bảy Núi có hai dịp. Mùa mưa thì họ đi mua cá. Mùa khô thì họ đi vía Bà. Mà dân đi vía Bà dù cho giàu có hay nghèo thì khi về cũng tranh thủ mua ít mắm hoặc đường thốt nốt mang về", chị Hai Hoa, một chủ kinh doanh phục vụ khách hành hương ở gần miếu Bà Chúa Xứ Núi Sam, nói.
"Nghề mắm ở đây đầu tiên cũng nhờ khách hành hương đi vía Bà, đi viếng Phật thầy Tây An mua đem về mà nhiều người biết đến", bà Hai Xuân kể. Như một thói quen, nhiều người coi đi vía Bà cũng là dịp mua đặc sản mắm về ăn và tặng người thân.
Mắm Châu Đốc cũng nhờ "kênh phân phối" này mà đi khắp nơi. Hương vị có người quen, người không, nhưng khi nhắc đến mắm, đặc biệt là mắm cá linh, người ta lại nhớ đến vùng này.
Đến khi người ta ăn quen thì lại thèm ăn. Từ xưa đã có những chuyến ghe từ Chợ Lớn ngược xuống An Giang để mua mắm về bán ăn, bán cho các tiệm nấu bún mắm, bún nước lèo ở khắp thành thị. Từ những quán bún nổi tiếng, đến bếp lò đầu hẻm, nếu nghe mùi mắm tỏa ra thì sẽ có người "truy vết" mắm được chở lên từ An Giang.
Cho đến lúc yêu và về làm dâu gia đình một chủ vựa mắm nổi tiếng, cô giáo Lục Tường Vy nói thật rằng cô mới bắt đầu hiểu và cảm nhận với nghề mà trước đây cô "không thân cho lắm".
Sông Hậu chảy qua Châu Đốc bồi lắng lên một cù lao nổi tiếng về sự trù phú và nề nếp - cù lao Khánh Hòa. Về địa vị hành chánh thì cù lao thuộc huyện Châu Phú (An Giang). Vậy nhưng, trước giờ xứ này chẳng khác nào châu thành của Châu Đốc.
Từ chợ búa, mua sắm, giải trí, việc làm… dân cồn cũng hướng đến Châu Đốc. Rồi khi nghề mắm nổi danh xứ cồn, thương lái gần xa cũng gọi là mắm Châu Đốc. Ngặt nỗi, dân ở cồn Khánh Hòa vẫn tin chắc rằng mắm của xứ mình là chất đúng nghĩa mắm Châu Đốc.