Một Trần Nghệ Tông rất khác trong Nam Ông Mộng Lục
Người đời chỉ biết đến cái lỗi của Trần Nghệ Tông mà không biết đến cái đức, cái nghĩa của ông: từ việc ông thờ vua, thờ cha chu đáo...
Người ta thường biết đến một Trần Nghệ Tông bạc nhược, hèn nhát, dung túng cho quyền thần Hồ Quý Ly để rồi dẫn tới cái họa ngoại thích. Tuy nhiên, cũng có một Trần Nghệ Tông vô cùng khác mà ít người biết đến hơn. Đó là Trần Nghệ Tông nhân đức trong Nam Ông Mộng Lục – một tác phẩm hồi ký do Hồ Nguyên Trừng ghi chép trong khoảng thời gian bị bắt phải lưu lại Trung Quốc. Cũng theo Nam Ông Mộng Lục, cuộc đời của Nghệ Tông còn ứng nghiệm một cách kỳ lạ với bài thơ ông làm khi mới tám, chín tuổi.
Dưới đây là ghi chép của Hồ Nguyên Trừng về vua Trần Nghệ Tông trong Nam Ông Mộng Lục. Bởi vì hồi ký này được viết tại Trung Quốc, nên Nam Ông phải chép là Trần Nghệ Vương để phân biệt với Hoàng đế Trung Hoa, nếu không sẽ bị tội phạm thượng (Người Trung Hoa quan niệm Hoàng đế là Vương chi Vương vì họ luôn cho rằng Trung Quốc là nước bá chủ).
Vua thứ tám nhà Trần ở nước An Nam húy Thúc Minh, con thứ ba của Minh Vương, do thứ phi họ Lê sinh ra. Lúc còn làm Vương tử, hiệu Cung Định Vương, tính thuần hậu hiếu hữu, cung kiệm sáng suốt, học khắp kinh sử, không thích phù hoa.
Lệ cũ nhà Trần, khi con đã lớn, bèn cho kế vị, còn vua cha thì lui về ở Bắc cung, xưng làm Vương phụ, cùng coi chính sự, kì thực là truyền ngôi danh nghĩa để ổn định chuyện sau, phòng khi vội vã, chứ mọi việc đều do vua cha quyết định, tự vương không khác gì Thế tử vậy.
Vốn là, lúc thứ trưởng tử của Minh Vương là Hiến Vương lên ngôi, thì đích tử mới sinh, trưởng là Cung Túc Vương, ngu dốt chuyện đời; thứ là Lộc Tinh, tuổi còn thơ ấu thì Hiến Vương mất, lại vô tự, nên Lộc Tinh đã vâng mệnh lên ngôi, ấy là Dụ Vương. Thứ huynh Cung Tĩnh Vương làm Thái úy, Cung Định Vương làm Tả Tướng quốc.
Cung Định Vương trung tín thành thực, thờ vua thờ cha, chu đáo đến từng chân tơ sợi tóc, không ai chê trách. Giao tiếp không thân không sơ; chính sự không chê không khen. Minh Vương qua đời, để tang ba năm, mắt không ráo lệ, trừ phục, quần áo không màu mè, ăn uống không cầu ngon; quả muỗm cá heo là trân vị phương Nam, từ đấy tuyệt nhiên không tới miệng. Thờ Dụ Vương hơn mười năm. Khi Dụ Vương mất sớm, vô tự, đại thần bàn rằng “Tả tướng rất hiền, nhưng không lẽ anh lại kế ngôi em” , bèn theo lệnh Quốc mẫu đón con của Cung Túc Vương là Vong Danh làm vua.
Bấy giờ, Cung Túc cũng đã sớm mất. Sau khi con Cung Túc làm vua, theo triều nghị, phong Thái úy [Cung Tĩnh Vương] lên làm Thái tể, Tả tướng [Cung Định Vương] làm Thái sư, và em của Tả tướng là Cung Tuyên Vương làm Hữu tướng.
Con Cung Túc nhỏ không chịu học, chỉ thích lêu lổng. Người ta đồn bà mẹ tư thông với kẻ ngoại nhân họ Dương rồi đẻ con, nên Vong Danh thường bị người tôn thất khinh rẻ. Kế vị rồi, lúc cư tang không tỏ vẻ đau buồn, cử chỉ phần nhiều thất lễ, cất nhắc bọn tiểu nhân thân cận, miệt thị tổ phụ, khanh sĩ bất mãn. Năm sau, những người tôn thất bướng bỉnh cùng nhau làm loạn, bị bắt đem chém phanh thây, người liên lụy bị giết oan rất đông. Lại ngầm mưu khử sạch người họ Trần có danh vọng, bèn giết Thái tể [Cung Tĩnh Vương] ngay tại nhà.
Thái sư [Cung Định Vương] đang đêm lẻn trốn, sáng sớm, tông tộc quan liêu mang gia quyến chạy hết, đô thành vì vậy vắng tanh. Thái sư đi đường tắt đến tận vùng Man động, ý muốn tự tận, tả hữu ngăn lại. Người động giữ ở lại hàng tháng, ai cũng biết tiếng. Tông tộc quan liêu nối nhau tìm đến. Con Cung Túc sai quân đi bắt cũng lại quay đầu theo về.
Hữu tướng đốc thúc các quan khuyên mời về kinh để dẹp yên cung cấm. Thái sư sụt sùi từ tạ: “Chư quân sớm về thành ấp, khéo giúp minh quân, chuyển loạn thành trị, tôn an xã tắc, mỗ chết vẫn chịu ơn. Mỗ có tội với Chúa thượng, thoát thân chạy trốn, chờ chết ở chốn núi rừng này đã là may, dám có lòng dạ khác. Chư quân chớ gò ép”. Mọi người xôn xao, ba lần khẩn thiết dâng thư thề chết không đổi, cố ép lên đường, dùng vai làm kiệu đưa xuống núi. Gần xa mây tụ, hò reo vang trời.
Về cách đô thành ba trăm dặm, lão tướng Nguyễn Ngô Lang bảo con Cung Túc tự tay viết thư nhận tội thoái vị, mang ra nghênh tạ. Con Cung Túc phục xuống chịu tội. Thái sư cũng quì xuống đất, ôm lấy, khóc lóc ai oán, nói: “Chúa thượng phải đến thế này sao? Thần bất hạnh, không ngờ có ngày hôm nay” . Hữu tướng tuốt kiếm thét lớn, nói: “Trời sai trị tội, tội nhân sao được lắm lời? Tướng vương lẽ nào vì chút nhân cỏn con mà bỏ đại nghĩa?” . Bèn quát quân tướng lôi con Cung Túc đi, giục Hữu tư chuẩn bị lễ rước Thái sư lên ngôi vua, phế con Cung Túc làm Hôn Đức Công.
Vua vào thành yết miếu, khóc mà cáo rằng: “Ngày này thật ngoài ý muốn của thần. Vì xã tắc bền vững, không thể nào từ chối. Lỗi đạo hiếu trung, thẹn sợ trong lòng. Nguyện tự bỏ tôn vinh để thỏa phần nào chí cũ” . Bèn hạ lệnh không dùng vương xa, quần áo đồ vật sơn đen, không dùng châu báu vàng son. Các thức ăn mặc tiêu dùng tiết kiệm như trước, suốt đời mang tang trở không thay đổi. Bèn dứt loạn chính, noi theo nếp cũ, thưởng phạt công minh, dùng kẻ hiền lương. Thấy con mình bất tài khó đương đại sự, được một năm cho em là Hữu tướng kế vị, cùng coi triều chính, đó là Duệ Vương.
Trước đó, Chiêm Thành thừa lúc trong nước có việc, đến cướp. Duệ Vương lên ngôi được ba năm, thân chinh phạt tội Chiêm Thành, thua to không về. Vương cho con Duệ Vương là Hiện kế vị. Ít lâu sau, nghe lời gian thần, làm việc vô đạo, Vương lo xã tắc nghiêng đổ, than khóc mà phế đi, gọi là Linh Đức Công. Lấy con út là Ngung kế vị, đó là Thuận Vương. Được bảy năm, vua cha mất. Bấy giờ là năm Giáp Tuất, niên hiệu Hồng Vũ thứ hai mươi bảy. Táng ở núi Yên Sinh, thụy là Nghệ.
Xưa kia, Nghệ Vương còn nhỏ, tám chín tuổi theo hầu Minh Vương, trên giường có chiếc chiếu trúc, bảo vịnh thử, ứng khẩu đọc rằng:
Hữu vĩ thử quân,
Trung không ngoại kính.
Tước nhữ vi nô,
Khủng thương thiên tính.
Có nghĩa là:
Có người quân tử cao lớn,
Trong thì vô tư mà ngoài thì ngay thẳng.
Bắt người đó dùng làm đày tớ,
Sợ gây tổn thương thiên tính.
Minh Vương ấy làm lạ, vờ mắng rằng: “Chẳng ra lời lẽ, đừng ghi chép lại”. Bèn dặn Sư phó không dạy làm thơ nữa. Người quân tử nói: “Mệnh trời đã hiện, không ai cản nổi” , sau quả nhiên thế. Sau khi lên ngôi, [Nghệ Vương] nhặt hết con cái cháu chắt côi cút trong anh chị em đưa vào cung nuôi nấng, coi như con đẻ. Tông tộc xa gần đều yêu thương đùm bọc. Sau cơn loạn lạc, kẻ nào nghèo khổ không thể cưới xin được, thì lấy vợ gả chồng cho họ; người nào chưa được chôn cất, thì chôn cất cho họ; cả điều vặt vãnh chi tiết, không có gì là không thu nhặt chép lại. Xóm giềng hòa hợp, đầm ấm như tiết xuân. Người trong nước được cảm hóa, phong tục dần dần trở nên thuần hậu. Vua ở đất này cũng có người tốt đến thế ư?
Lời bình : Người đời chỉ biết đến cái lỗi của Trần Nghệ Tông mà không biết đến cái đức, cái nghĩa của ông: từ việc ông thờ vua, thờ cha chu đáo đến từng chân tơ sợi tóc, để tang ba năm, mắt không ráo lệ; đến việc ông lên ngôi vua vẫn không dùng vương xa, quần áo đồ vật sơn đen, không dùng châu báu vàng son, suốt đời mang tang trở không thay đổi… Ông lên ngôi vua rồi lại lo lắng đến từng tôn thất nhà Trần, ở trên vạn người mà lại chăm chút cho từng việc nhỏ nhất, chính là “Tước nhữ vi nô, Khủng thương thiên tính.” (Bắt người đó dùng làm đày tớ, Sợ gây tổn thương thiên tính.)
Trần Nghệ Tông vì bất đắc dĩ phải lên làm vua, sau lại truyền ngôi cho em chứ không truyền ngôi cho con. Em mất, ông lại truyền ngôi cho con của em mình. Ấy chính là “Hữu vĩ thử quân, Trung không ngoại kính.” (Có người quân tử cao lớn, Trong thì vô tư mà ngoài thì ngay thẳng.)
Chỉ tiếc rằng mệnh trời khó cưỡng, người dù nhân nghĩa nhưng “nhân vô thập toàn” , người mà tâm cảnh có chút yếu đuối thì sẽ dễ bị che mờ hai mắt, nói rộng hơn thì khí số nhà Trần đã tận. “Trung không ngoại kính” còn có một ý khác, đó là tin người ngoài mà không tin người nhà. Từ khi Trần Nghệ Tông tin tưởng Hồ Quý Ly thì giống như một người mù quáng vậy, còn theo lời Hồ Quý Ly mà giết hại người nhà Trần, phế con của Duệ Tông, lại lập con nhỏ của mình. Một loạt các hành động sau đó của Nghệ Tông đều cho thấy Hồ Quý Ly đứng đằng sau, chính ứng hợp với câu “Tước nhữ vi nô” . Điều này thật là đáng đau buồn làm sao.
Cuộc đời Trần Nghệ Tông quả đúng như lời thơ khi xưa ông làm trước Minh Tông, không sai một chữ.
“Nam Ông mộng lục” là tập hồi ký chữ Hán đầu tiên và là tác phẩm đầu tiên mở đường cho khuynh hướng viết về những sự việc có thực của nước ta. Cuốn hồi ký này được Hồ Nguyên Trừng biên soạn trong hoàn cảnh nước mất, ông bị lưu vong ở xứ người. Mặc dù được nhà Minh trọng dụng vì chế tạo được súng thần công, thăng đến chức Tả thị lang, nhưng Hồ Nguyên Trừng vẫn tưởng vọng về cố quốc, nên tự gọi là Nam Ông (Ông già nước Nam). Bằng hồi ức của mình, Hồ Nguyên Trừng đã viết lại các mẩu chuyện về những con người tài đức ở nước Nam mà mình không còn được nhìn thấy nữa, và ông coi đó như là một giấc mộng, nên đặt tên sách là “Nam Ông mộng lục”. Trong phần đề tựa, Hồ Nguyên Trừng viết: Sách Luận ngữ từng nói: “Trong cái xóm mười nhà, thế nào cũng có người trung tín như Khâu (tên của Khổng Tử) này vậy”, huống hồ nhân vật cõi Nam Giao từ xưa đã đông đúc, lẽ nào vì nơi hẻo lánh mà vội cho là không có nhân tài! Trong lời nói, việc làm, trong tài năng của người xưa có nhiều điều khả thủ, chỉ vì qua cơn binh lửa, sách vở cháy sạch, thành ra những điều đó đều bị mất mát cả, không còn được ai nghe, há chẳng đáng tiếc lắm sao? |
Quang Minh
Mời xem video :