Một thương vụ "gửi nợ" của Chứng khoán Tiên Phong
Không như đa phần các CTCK khác, hoạt động của TPS lẫn CASC tập trung vào nghiệp vụ tư vấn phát hành và giao dịch trái phiếu, chủ yếu với một số đối tác quen thuộc.
CTCP Chứng khoán Tiên Phong (TPS, HSX: ORS) ngày 19/4 đã tổ chức thành công ĐHĐCĐ thường niên năm 2023, thông qua nhiều nội dung quan trọng, trong đó đáng chú ý là phát hành 2.000 tỷ đồng trái phiếu, tăng vốn điều lệ thêm 2.000 tỷ đồng lên 4.000 tỷ đồng, hay thông qua việc vay vốn tại Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank, HSX: TPB).
Nếu các chương trình tăng vốn này được thực hiện, nguồn nội lực của TPS sẽ gia tăng mạnh mẽ. Hiện nay, TPS có vốn điều lệ 2.000 tỷ đồng, tổng tài sản tới cuối quý I/2023 ở mức 6.834 tỷ đồng.
Nguồn lực tăng lên cũng hứa hẹn sẽ giúp bảng cân đối kế toán của TPS phần nào trở nên lành mạnh hơn.
Tại ngày 31/3/2023, tiền và tương đương tiền của TPS chỉ là 13,7 tỷ đồng, tương đương...0,2% quy mô tài sản, thuộc dạng thấp nhất trong hệ thống các công ty chứng khoán, thấp hơn rất nhiều so với các công ty chứng khoán hàng đầu như HCM (34%), TCBS (8%), VPS (4,4%) hay VND (2%).
Chiếm phần lớn cơ cấu tài sản của TPS là các khoản cho vay (863 tỷ đồng), phải thu bán các tài sản tài chính (735 tỷ đồng), phải thu các dịch vụ CTCK cung cấp (3.012 tỷ đồng) hay các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi lỗ FVTPL (2.079 tỷ đồng).
Trong đó, tài sản FVTPL tăng gần 300 tỷ đồng trong 3 tháng đầu năm, chủ yếu do số dư đầu tư trái phiếu chưa niêm yết tăng mạnh lên 1.137 tỷ đồng.
Trái phiếu doanh nghiệp cũng là nghiệp vụ giao dịch chính của TPS trong quý I, với giá trị giao dịch tự doanh gần 47.000 tỷ đồng, trong khi giao tự doanh cổ phiếu chưa tới 100 tỷ đồng, so sánh với giao dịch của nhà đầu tư (chủ yếu là cổ phiếu) chỉ là 5.650 tỷ đồng. TPS không thuyết minh cụ thể các khoản đầu tư trái phiếu, song theo BCTC kiểm toán năm 2022, trong số 851 tỷ đồng trái phiếu TPS nắm giữ tới cuối năm ngoái, phần lớn thuộc về các nhóm có nhiều liên hệ như BCG, R&H Group. Dù vậy, số dư lớn nhất lại là lô DGTH2224001, với giá trị 204,5 tỷ đồng do CTCP Công trình Giao thông Đồng Nai (UpCOM: DGT) phát hành.
Thương vụ được thực hiện vào quý IV/2022, trong bối cảnh các công ty chứng khoán/ tổ chức phát hành chịu áp lực lớn mua lại trái phiếu trước hạn.
Chi 1/10 vốn điều lệ để mua một lô trái phiếu
Đi sâu vào DGT, phần nào cho thấy DGTH2224001 chắc hẳn không chỉ là một thương vụ đầu tư trái phiếu đơn thuần, khi mà quyết định chi ra 1/10 vốn điều lệ để mua lô trái phiếu này mang tới không ít băn khoăn đối với cổ đông của TPS, cả về mức độ hiệu quả, an toàn và minh bạch.
DGT trước đây là một doanh nghiệp nhỏ với vốn điều lệ chưa tới 25 tỷ đồng, hoạt động chính trong lĩnh vực xây lắp và khai thác đá.
Giai đoạn 2019-2020, một nhóm nhà đầu tư có liên hệ tới doanh nhân Lại Minh Hậu - Võ Diệp Cẩm Vân (con gái cựu Chủ tịch TTF Võ Trường Thành) đã mua lại DGT và liên tục tăng vốn khủng thông qua nghiệp vụ phát hành riêng lẻ, kéo vốn điều lệ lên tới 790 tỷ đồng hiện nay, và từng cho biết sẽ nâng lên tới 2.000 tỷ đồng để thực hiện loạt dự án.
Cổ phiếu DGT thời điểm đó từng gây sốt thị trường khi tăng từ vùng 20.000 đồng/CP lên hơn 100.000 đồng/CP vào đầu năm 2020.
Cũng nhóm doanh nhân Lại Minh Hậu - Võ Diệp Cẩm Vân, cần nhấn mạnh, đã thực hiện M&A và tăng vốn khủng tại CTCP In sách giáo khoa Hoà Phát (HNX: HTP), đồng thời thông qua doanh nghiệp này phát hành 2.000 tỷ đồng trái phiếu.
Tuy nhiên, sức khoẻ của nhóm doanh nghiệp này đã xấu đi trông thấy trong năm qua. Vào ngày 2/2/2023, HTP chưa thanh toán nợ trái phiếu đến hạn gồm 520,8 tỷ đồng nợ gốc và 30,2 tỷ đồng nợ lãi với các trái chủ. Công ty kiểm toán Ernst & Young đã lưu ý vấn đề này trong BCTC kiểm toán năm 2022.
Về phần mình, DGT tới nay chưa công bố BCTC kiểm toán năm 2022, sau nhiều lần xin gia hạn, trong đó lần 2 (ngày 8/4, xin gia hạn đến 30/4) với lý do chập điện máy chủ, mất dữ liệu.
Tại BCTC soát xét bán niên năm 2022, Công ty kiểm toán Moore Aisc đã nhấn mạnh nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục của DGT, với khoản lỗ 18 tỷ đồng trong nửa đầu năm, lỗ luỹ kế 29,6 tỷ đồng, và đáng chú ý là lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh âm tới 909 tỷ đồng.
Nguyên nhân dẫn tới dòng tiền âm nặng là các khoản phải thu tăng đột biến, chủ yếu với các cá nhân có liên hệ tới doanh nhân Lại Minh Hậu.
Đây không phải lần đầu đơn vị kiểm toán lo ngại tình trạng hoạt động của DGT, mà thực trạng này đã diễn ra suốt nhiều năm qua.
Cuối năm 2019, dù DGT khi đó nợ quá hạn 70 tỷ đồng đi kèm với ý kiến ngoại trừ của Công ty kiểm toán AASCS, song TPS vẫn đứng ra thu xếp phát hành lô trái phiếu 200 tỷ đồng cho DGT, kỳ hạn 2 năm, ngày đáo hạn là 18/12/2021. 2019, nên nhớ cũng là năm ghi nhận dấu ấn đổi chủ tại DGT, khi nhóm nhà đầu tư Lại Minh Hậu mua phát hành riêng lẻ, tăng vốn doanh nghiệp này từ 24,8 tỷ đồng lên 64,8 tỷ đồng.
Trở lại với lô trái phiếu DGTH2224001 đề cập ở đầu bài, lô này có giá trị 350 tỷ đồng, được phát hành ngày 22/2/2022, hoàn tất ngày 10/3/2022, kỳ hạn 2 năm. Mục đích là tăng quy mô vốn hoạt động.
Tài sản đảm bảo gồm 12 triệu cổ phiếu DGT thuộc sở hữu của cổ đông công ty, và hợp đồng thuê đất, tài sản gắn liền trên đất của lô đất diện tích 15.550m2 tại phường Tràng Dài, Tp.Biên Hoà, Đồng Nai thuộc sở hữu của công ty.
Trong cùng nửa đầu năm 2022, DGT đã hoàn tất phát hành riêng lẻ cho nhóm nhà đầu tư Lại Minh Hậu để tăng vốn từ 200 tỷ đồng lên 790 tỷ đồng.
Số tiền thu về từ phát hành trái phiếu và tăng vốn điều lệ (940 tỷ đồng) nhanh chóng được DGT chuyển...ngược lại cho nhóm ông Lại Minh Hậu, thông qua các hợp đồng hợp tác đầu tư, chủ yếu là chuyển 530 tỷ đồng cho ông Trương Vũ Hiền để tìm kiếm cơ hội đầu tư, hay 325 tỷ đồng cho ông Lương Văn Quang đặt cọc đầu tư cổ phiếu.
Mối quan hệ mật thiết giữa TPS và nhóm nhà đầu tư nêu trên còn thể hiện qua việc tại CTCP Vận tải Đa phương thức Duyên Hải (HSX: TCO) - một pháp nhân khác có liên hệ mật thiết tới nhóm ông Lại Minh Hậu, Chủ tịch Uỷ ban kiểm toán kiêm Thành viên HĐQT độc lập là bà Nguyễn Thị Minh Hạnh. Bà Hạnh có thời gian dài đảm trách vai trò Trưởng Bộ phận quản lý giao dịch trái phiếu của TPS, trước khi chuyển sang làm Giám đốc Đầu tư CTCP Quản lý quỹ Việt Cát - pháp nhân cùng nhóm TPS.
Với mối quan hệ mật thiết đó, không bất ngờ khi TPS đứng ra mua lại hơn 200 tỷ đồng trái phiếu của DGT trong bối cảnh thị trường trái phiếu doanh nghiệp chịu sức ép rất lớn vào cuối năm ngoái.
Dù vậy, điều bất ngờ là TPS lại không phải tổ chức thu xếp phát hành của lô DGTH2224001, mà là một đơn vị khác - CTCP Chứng khoán Thủ đô (CASC).
"Gạch nối" CASC - TPS
CASC được thành lập vào năm 2006 và suốt một thời gian dài được biết đến là thành viên Gami Group. Cuối năm 2019, nhóm nhà đầu tư có liên hệ tới TPS - BCG đã mua lại CASC.
Tính đến ngày 31/12/2021, cơ cấu cổ đông của bao gồm: Ông Nguyễn Đình Ngôn (26,59% VĐL), CTCP Bamboo Financial Corp (20% VĐL), CTCP Đầu tư NCCT (17,51% VĐL), bà Giáp Thị Phương (12,5% VĐL) và các cổ đông khác (23,4% VĐL).
Trong đó, ông Nguyễn Đình Ngôn từng là Giám đốc khối ngân hàng đầu tư của TPS, trước khi được bầu vào HĐQT CASC vào tháng 10/2021. Còn CTCP Đầu tư NCCT thuộc sở hữu của vợ chồng ông Ngôn.
Dù có quy mô không đáng kể, với tổng tài sản tới cuối năm ngoái chỉ là 379 tỷ đồng, song CASC lại là "tay chơi" đáng chú ý trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp, tương tự như TPS. Trong năm 2022, giá trị giao dịch của nhà đầu tư tại CASC chỉ là 40 tỷ đồng, cho vay margin 15 triệu đồng, song đơn vị này đã tự doanh tới 14.151 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp.
Trong nửa đầu năm 2021, CASC đã làm đại lý phát hành cho một loạt thương vụ trái phiếu được tư vấn phát hành bởi TPS, như lô trái phiếu 400 tỷ đồng của Công ty TNHH Ngôi sao Gia Định hay lô trái phiếu 500 tỷ đồng của Công ty TNHH Du lịch Sinh Thái Cồn Bắp - các pháp nhân có nhiều liên hệ tới BCG Group.
Vào giữa năm 2021, CASC từng ghi nhận một cổ đông lớn là ông Nguyễn Anh Khoa (16,18%). Doanh nhân sinh năm 1996, cần nhấn mạnh khi đó đang là chuyên viên nghiệp vụ thị trường vốn tại TPS.
Đáng chú ý, ông Khoa thời gian đó là cổ đông lớn, nắm 93 triệu cổ phần, tương đương 39% phần vốn ở Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Năng lượng Thành Nguyên - thành viên BCG. Ông Khoa còn là cổ đông sở hữu 255 tỷ đồng vốn góp tại một thành viên khác của BCG là CTCP Đầu tư Thương mại Dịch vụ An Khang Land - chủ đầu tư dự án Giga City ở phường Linh Tây, Tp.Thủ Đức, Tp.HCM.
Khác với nhóm DGT chỉ giới hạn ở TPS, những R&H Group, BCG, hay nhiều tập đoàn tư nhân khác mang đậm vai trò thu xếp nguồn lực của TPBank trong suốt nhiều năm qua, sẽ được đề cập trong bài viết sau
Hoa Liên