Một số phương thức mới của tội phạm vận chuyển tiền trái phép qua biên giới
Một số phương thức mới của tội phạm vận chuyển tiền trái phép qua biên giới Đặng Ngọc Thuỷ Thứ 5, 20/06/2024 | 12:11 0
Hàng năm, lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, môi trường và công an các đơn vị địa phương đã phát hiện, điều tra, xử lý nhiều vụ án vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới.
Tội phạm này được quy định tại Điều 189 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới được hiểu là hành vi vận chuyển hàng hóa, tiền tệ qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa hoặc ngược lại trái pháp luật.
Việc vận chuyển trái phép được thể hiện qua hành vi vận chuyển hàng hóa, tiền tệ nhưng không có giấy phép hoặc không đúng nội dung giấy phép (không nhằm mục đích buôn bán).
Các đối tượng phạm tội vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới thực hiện hành vi theo cả phương thức truyền thống và phương thức mới.
Cụ thể, một số phương thức, thủ đoạn mới như sau. Thứ nhất, đối tượng chỉ đạo lập nhiều công ty trong nước và ngoài nước để thực hiện hành vi mua bán hàng hóa với nhau nhằm hợp thức việc nâng khống giá trị hàng hóa rồi chuyển tiền trái phép từ nước ngoài về Việt Nam hoặc lập hồ sơ mua hàng có giá trị cao ở nước ngoài để hợp thức việc chuyển tiền từ Việt Nam ra nước ngoài.
Điển hình như vụ án Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới xảy ra tại thành phố Hà Nội. Kết quả điều tra xác định, từ năm 2016, Nguyễn Thị Nguyệt (SN 1985, trú Tổ 10, phường Tứ Liên, Quận Tây Hồ) cùng chồng là Phạm Anh Tuấn thuê pháp nhân công ty; mượn chứng minh nhân dân của người thân trong gia đình để thành lập 08 công ty và mua lại pháp nhân 01 công ty để sử dụng pháp nhân chuyển tiền trái phép ra nước ngoài.
Các công ty này không có hoạt động xuất nhập khẩu, Nguyệt chỉ đạo đồng phạm sử dụng con dấu Công ty nước ngoài; ký giả tên giám đốc các công ty nước ngoài... để lập khống hợp đồng mua bán hàng hóa là IC điện tử với công ty tại Trung Quốc hoặc ký hợp đồng mua hàng hóa là IC điện thoại thông minh của các Công ty tại Singapore, sau đó xuất bán cho các Công ty tại Trung Quốc theo hình thức tạm nhập IC điện thoại từ Singapore về Việt Nam, tái xuất sang Trung quốc để lập hợp đồng khống và hồ sơ chuyển tiền trái phép từ Việt Nam ra nước ngoài.
Nhóm đối tượng hưởng lợi số tiền là 0,1% trên mỗi giao dịch chuyển tiền. Trong thời gian từ năm 2016 đến khi bị phát hiện, ổ nhóm do Nguyễn Thị Nguyệt cầm đầu sử dụng pháp nhân của 09 công ty chuyển trái phép số tiền trên 27 tỷ đồng.
Thứ hai, các đối tượng còn thực hiện hành vi chuyển tiền trái phép từ Việt Nam cho người quen đang định cư tại nước ngoài bằng hình thức hợp đồng cho tặng tài sản. Chẳng hạn như: Đối tượng Nguyễn Thị Thanh H. nhận tiền từ nhiều người để giữ hộ cho Nguyễn Thị L. (có quan hệ họ hàng) đang định cư, sinh sống tại Canada.
Thời điểm diễn ra dịch Covid 19, L. nhờ H. làm thủ tục để chuyển khoản tiền nhờ giữ hộ sang Canada. Do nhận biết được khoản tiền L. gửi không chứng minh được nguồn gốc hợp pháp để chuyển sang Canada nên H. đã nhờ bố, mẹ đẻ đứng tên sổ tiết kiệm bằng nguồn tiền của L.
Sau đó đối tượng hợp thức hợp đồng cho tặng tài sản là tiền trong sổ tiết kiệm để chuyển khoản tiền cho đối tượng L. tại Canada. Tổng số tiền H chuyển trái phép từ Việt Nam ra nước ngoài là hơn 10 tỷ đồng.
Thứ ba, các đối tượng lợi dụng việc thực hiện các giao dịch mua bán tiền kỹ thuật số (USDT) để chuyển tiền trái phép ra nước ngoài.
Điển hình là vụ án Cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự, vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới xảy ra tại tỉnh Quảng Nam. Kết quả điều tra xác định, từ năm 2018 đến nay, nhóm đối tượng mang quốc tịch Trung Quốc gồm Lu Wang (SN 1987), Li Xiao Hu (SN 1983), Wu Jian Chao (SN 1982) cùng nhiều đối tượng người Trung Quốc (đã xuất cảnh) đến Việt Nam tổ chức hoạt động cho vay lãi nặng thông qua các ứng dụng trên điện thoại di động hoặc các đường link website do chúng tạo ra.
Cả nhóm lập 65 app, trong đó riêng app Great Vay cho trên 1 triệu người vay. Số tiền giao dịch cho vay lãi nặng lên đến hơn 20.000 tỷ đồng, thu lợi bất chính trên 8.000 tỷ đồng. Để chuyển trái phép số tiền thu lời bất chính, các đối tượng sử dụng tài khoản của nhiều người Việt Nam để chuyển tiền đến tài khoản cá nhân của Lâm Thị Ngọc Loan (SN 1982). Sau đó, Loan mua USDT và chuyển đến ví điện tử của các đối tượng người Trung Quốc.
Thứ tư, hành vi vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới được thực hiện thông qua việc lập khống các hợp đồng mua bán, chuyển nhượng cổ phần, vốn góp; hợp đồng tư vấn; hợp đồng vay nợ giữa các công ty tại Việt Nam và các công ty, tổ chức ở nước ngoài.
Điển hình như Vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, rửa tiền, vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới xảy ra tại Ngân hàng SCB và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Cơ quan điều tra xác định từ ngày 27/10/2012 đến 07/10/2022, có 21 công ty thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát thực hiện 78 giao dịch chuyển tiền ra nước ngoài trái phép, với tổng số tiền hơn 1,5 tỷ USD.
Ngoài ra, 21 công ty thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát cũng nhận tiền từ nước ngoài chuyển về trái quy định pháp luật với tổng số tiền hơn 3 tỷ USD. Việc chuyển tiền như trên đều thông qua việc lập khống các hợp đồng mua bán, chuyển nhượng cổ phần, vốn góp; hợp đồng tư vấn; hợp đồng vay nợ giữa các công ty tại Việt Nam và các công ty, tổ chức ở nước ngoài.
Trên đây là một số phương thức, thủ đoạn mới của tội phạm vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới. Việc nghiên cứu phương thức, thủ đoạn của tội phạm là cơ sở để đưa ra những dự báo về loại tội phạm này trong thời gian tới, đồng thời là cơ sở để tham mưu, đề xuất các kiến nghị phòng ngừa đối với loại tội phạm này.
Từ thực tiễn hoạt động điều tra các vụ án vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới thời gian gần đây, Bộ Công an đã kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền trong việc sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện các quy định pháp luật có liên quan đến việc thành lập doanh nghiệp; thanh toán quốc tế; hoạt động chuyển tiền từ Việt Nam ra nước ngoài; hoạt động mua, chuyển, mang ngoại tệ ra nước ngoài; các giao dịch chuyển tiền đầu tư ra nước ngoài; các quy định giao dịch chuyển tiền điện tử trong phòng, chống rửa tiền.
Trong đó cần thiết coi trọng một số biện pháp như kiểm tra, giám sát các tổ chức tín dụng thực hiện thanh toán quốc tế; áp dụng các biện pháp từ chối hoặc tạm dừng giao dịch hoặc áp dụng các biện pháp kiểm soát sau giao dịch hoặc xem xét, báo cáo giao dịch đáng ngờ đối với các giao dịch chuyển tiền điện tử không đầy đủ, không chính xác thông tin theo quy định của pháp luật về thanh toán không dùng tiền mặt và quản lý ngoại hối .
Vũ Thị Phương Thảo – Học viện Cảnh sát nhân dân