Một số lãnh đạo Cục Đăng kiểm nhận tiền hối lộ định kỳ

Chia sẻ Facebook
03/02/2023 01:37:25

Tướng Tô Ân Xô cho biết, một số lãnh đạo Phòng Kiểm định xe cơ giới, Cục Đăng kiểm nhận hối lộ định kỳ theo tháng, quý của trung tâm đăng kiểm để bỏ qua vi phạm.


Tại cuộc họp báo thường kỳ Chính phủ chiều 2/2, báo chí đã đề nghị lãnh đạo Bộ Công an biết kết quả điều tra sai phạm ở các trung tâm đăng kiểm đến thời điểm hiện tại. Và giải pháp để hoạt động điều tra vẫn diễn ra theo quy định pháp luật nhưng không đình trệ việc phục vụ nhân dân của các trung tâm đăng kiểm?


Đồng thời, báo chí cũng đề nghị cho biết tiến độ điều tra xử lý các vụ án chống tham nhũng lớn hiện nay, gồm vụ Việt Á, vụ án ở Cục lãnh sự (chuyến bay giải cứu). Khi nào kết thúc điều tra và có mở rộng sang các địa phương khác hay không?


Trả lời các câu hỏi này, Trung tướng Tô Ân Xô, người phát ngôn Bộ Công an cho biết, đến nay đối với vụ án liên quan "chuyến bay giải cứu" , cơ quan điều tra đã khởi tố 41 bị can, phong tỏa, kê biên, ngăn chặn số tiền 80 tỷ đồng.


Đối với vụ Việt Á, cơ quan điều tra đã khởi tố 104 bị can, đồng thời, phong tỏa, kê biên, ngăn chặn số tiền khoảng 1.700 tỷ đồng.


Theo ông Xô, cơ quan điều tra Bộ Công an cố gắng kết thúc điều tra vào quý I/2023, tuy nhiên "án tại hồ sơ nhưng không loại trừ khả năng sẽ có thêm tình tiết mới".

Trung tướng Tô Ân Xô, người phát ngôn Bộ Công an thông tin tại họp báo.


Đối với vụ án liên quan đến các trung tâm đăng kiểm , Cục Đăng kiểm Việt Nam , theo Trung tướng Tô Ân Xô, đến nay công an các địa phương đã khám xét 32 trung tâm đăng kiểm, khởi tố 248 bị can với các tội danh nhận hối lộ, đưa hối lộ, môi giới hối lộ, giả mạo trong công tác, sản xuất, mua bán, trao đổi cung cấp công cụ phần mềm sử dụng vào mục đích trái pháp luật.


Theo ông Xô, đây là vụ án tham nhũng có tổ chức, hành vi sai phạm, tiêu cực có hệ thống, được tổ chức xuyên suốt từ một số lãnh đạo Cục Đăng kiểm, lãnh đạo Phòng kiểm định xe cơ giới đến giám đốc nhiều trung tâm đăng kiểm, gây hậu quả đặc biệt lớn cho xã hội.


"Qua điều tra cho thấy một vài lãnh đạo Phòng kiểm định, Cục Đăng kiểm nhận tiền hối lộ định kỳ theo tháng, theo quý của một số trung tâm đăng kiểm để bỏ qua một số lỗi trong cấp phép hoạt động. Bỏ qua lỗi vi phạm trong quá trình kiểm tra, đánh giá định kỳ hoặc đột xuất hay ký duyệt cấp mã đăng kiểm, thuê viết phần mềm có tính năng chỉnh sửa kết quả kiểm định về khí thải, phanh, đèn...", ông Xô nêu.


Trung tướng Xô cũng chỉ rõ đây là lý do vì sao một số người nói có phương tiện cơ giới trước khi đi đến trạm đăng kiểm thì tất cả các bộ phận của xe đều kêu - trừ còi - nhưng sau khi "làm phép" tại cơ quan đăng kiểm lại vẫn trong tình trạng như vậy. Điều này rất nguy hiểm và là nguyên nhân gây ra tai nạn như nhiều người chờ đèn đỏ nhưng xe vẫn lao lên...


Người phát ngôn Bộ Công an cũng cho hay, khi cơ quan công an thực hiện khám xét, một số ý kiến cho rằng việc này ảnh hưởng tới người dân nhưng thực tế không phải như vậy.


Ông nhấn mạnh từ khi điều tra vụ án đến nay, cơ quan công an không ra quyết định, văn bản tố tụng nào về việc dừng, tạm dừng, đình chỉ hoạt động với các trung tâm đăng kiểm.


Quá trình tố tụng thực hiện đúng luật, chỉ thu giữ tài liệu, vật chứng liên quan trực tiếp đến hành vi phạm tội của đối tượng.


Trung tướng Xô thông tin thêm khi cơ quan công an tiến hành khám xét đã có những cá nhân dự kiến thông báo đến tất cả các trạm đăng kiểm trên cả nước dừng hoạt động nhằm dùng dư luận xã hội tạo áp lực với công an.


"Cơ quan công an đã cảnh báo thủ đoạn của các cá nhân này. Bộ Công an cũng kiến nghị một loạt giải pháp để nâng cao quản lý nhà nước đối với hoạt động đăng kiểm xe cơ giới. Tôi được biết hiện Bộ Giao thông vận tải cũng đang dùng "kháng sinh liều cao" để trị căn bệnh này", ông Xô nêu thêm và mong nhân dân ủng hộ việc xử lý của Bộ Công an .

Chia sẻ Facebook