Một số cách giúp phụ huynh quản lý con em sử dụng TikTok

Chia sẻ Facebook
31/07/2022 10:22:13

TikTok có đầy đủ mặt trái và những điều tốt đẹp như nhiều nền tảng khác, song các bậc phụ huynh cần quan tâm đến con em khi để các bé sử dụng ứng dụng.

Chính TikTok cũng cung cấp các công cụ giúp cha mẹ để mắt đến con em khi dùng ứng dụng. Do đó, chúng ta cần tận dụng các phương thức này để giúp trẻ em tiếp cận mạng xã hội an toàn hơn.

Dưới đây là nội dung bài viết của Panda Security nhằm cung cấp các thông tin về TikTok, những rủi ro có thể gặp phải và cách tiếp cận an toàn với nền tảng này.

Phụ huynh nên chú ý về cách con em sử dụng các nền tảng mạng xã hội để có các can thiệp phù hợp. (Ảnh: Shutterstock)


TikTok là gì?

TikTok là một nền tảng chia sẻ video, nơi người dùng có thể xem, tạo và chia sẻ các video được quay trên thiết bị di động. Nội dung được tìm thấy trên TikTok rất đa dạng từ âm nhạc, cái bản cover đến các video giáo dục về các chủ đề như khoa giáo hoặc chính trị. Ứng dụng cung cấp một thế giới tương tác của nội dung dựa trên video, nơi người dùng có thể kết nối với nhau.

Yêu cầu độ tuổi chính thức của TikTok là 13 tuổi. Người dùng từ 13 đến 15 tuổi đặt tài khoản của mình ở chế độ riêng tư theo mặc định, điều này cấm họ nhắn tin riêng tư và chỉ cho phép bạn bè nhận xét về video của họ. Chỉ người dùng trên 16 tuổi mới có thể quay video trực tiếp hoặc sử dụng tính năng nhắn tin riêng tư. Dù vậy, quy tắc này nhiều lúc bị bỏ qua và trẻ em vẫn có cơ hội tiếp xúc với TikTok.


Đầy rẫy những rủi ro

Dưới đây là những rủi ro chính cần biết về ứng dụng.


Tiếp xúc với nội dung không phù hợp

TikTok được chia thành hai phần nguồn cấp dữ liệu chính. Nguồn cấp dữ liệu "Đang theo dõi" chỉ hiển thị các video được tạo bởi những người dùng mà bạn theo dõi. Nguồn cấp dữ liệu “Dành cho bạn” sắp xếp luồng video được đề xuất dựa trên hoạt động tài khoản của bạn và loại nội dung thường xem.

Rắc rối phát sinh khi nói đến nguồn cấp dữ liệu “Dành cho bạn” này, ở đó sẽ có thể xuất hiện các video chứa nội dung không phù hợp như nội dung khiêu dâm, tục tĩu hay thậm chí nguy hiểm đến sức khỏe và tính mạng.

Mặc dù các nguyên tắc của TikTok cấm người dùng chia sẻ nội dung bất hợp pháp hoặc không phù hợp trong ứng dụng, nhưng trên nền tảng thỉnh thoảng vẫn xuất hiện các thử thách nguy hiểm hay nội dung không phù hợp trẻ em.


Liên lạc với người lạ

Với hơn 1,1 tỷ người sử dụng TikTok, giao tiếp với người lạ là việc khó tránh khỏi. Các tài khoản do những người trên 16 tuổi tạo theo mặc định được đặt ở chế độ công khai, nghĩa là hoạt động tài khoản của họ được hiển thị với tất cả người dùng khác. Điều này đồng nghĩa với việc họ có thể giao tiếp với bất kỳ ai gặp trên ứng dụng. Mặc dù tài khoản của trẻ em trong độ tuổi 13 - 15 được đặt ở chế độ riêng tư theo mặc định, nhưng “rào chắn” này có vẻ như chỉ mang tính chất tượng trưng do nó có thể dễ dàng bị qua mặt bằng cách nhập sai ngày sinh khi đăng ký tài khoản.

Tệ hơn nữa, tài khoản công khai không chỉ đơn thuần là hiển thị hồ sơ và video của người dùng cho bất kỳ ai trên và thậm chí là ngoài TikTok. Nó còn cho phép tài khoản đó được đề xuất cho những người dùng khác trong ứng dụng, cho phép bất kỳ ai nhận xét về video được đăng và cho phép người dùng khác tải xuống video. Mặc dù các cài đặt này có thể được điều chỉnh để cho phép quyền riêng tư hơn, nhưng khả năng tiếp xúc với người lạ là chắc chắn.


Đe doạ trực tuyến

Sự thật là mạng xã hội và bắt nạt trên mạng luôn song hành với nhau và TikTok không phải là ngoại lệ.

Một hình thức bắt nạt trên mạng phổ biến trên TikTok là body shaming (miệt thị ngoại hình). Một số TikToker nổi tiếng đã lên tiếng về trải nghiệm cá nhân của họ khi bị ám ảnh trong phần bình luận của video và đối mặt với vô số bình luận có hại về cơ thể của họ. Điều này có thể tác động mạnh mẽ đến những người dùng trẻ tuổi do tinh thần và thể chất của họ vẫn chưa hoàn thiện, có khả năng dẫn đến cảm giác tự ti và bị sỉ nhục, thậm chí là trầm cảm.


Bảo mật dữ liệu

Cha mẹ nên hiểu những dữ liệu nào đang được thu thập về con cái họ và cách chúng được sử dụng. TikTok tập hợp những thông tin như vị trí quốc gia, địa chỉ Internet và loại thiết bị bạn đang sử dụng. Với sự cho phép của bạn, nó cũng có thể biết vị trí chính xác, danh bạ điện thoại và hoạt động của bạn trên các kênh truyền thông xã hội khác. Ngoài tuổi và số điện thoại của bạn, TikTok cũng có quyền truy cập vào bất kỳ tin nhắn riêng tư nào được gửi trong ứng dụng.


Gợi ý một số biện pháp an toàn cho phụ huynh

Sau đây là một số những cài đặt cha mẹ có thể quản lý trong TikTok, cùng với một số biện pháp phòng ngừa bổ sung để đảm bảo con em mình luôn an toàn khi trực tuyến.


Tính năng “Gia đình thông minh” (Family Paring)

Gần đây Tiktok cập nhật chế độ ghép nối gia đình dùng để kiểm soát quyền riêng tư trên trên ứng dụng. Cả cha mẹ và con cái đều phải có tài khoản TikTok riêng để sử dụng tính năng này.

Sau khi được bật, cha mẹ có thể liên kết tài khoản với con mình và có quyền kiểm soát các cài đặt bảo mật quan trọng từ thiết bị của chính họ thay vì phải làm trên điện thoại của con như trước đây. Tính năng này cũng được bảo vệ bằng mật khẩu, vì vậy trừ khi con bạn biết được mật mã, chúng không thể truy cập và thay đổi cài đặt được.

“Gia đình thông minh” cho phép cha mẹ quản lý thời gian sử dụng thiết bị, cài đặt nhắn tin trực tiếp và loại nội dung mà con họ có thể xem trên ứng dụng. Để thiết lập tính năng Ghép nối gia đình, hãy tải xuống ứng dụng TikTok trên điện thoại và tạo một tài khoản. Bạn cũng cần điện thoại của con mình và tài khoản TikTok của chúng để đăng nhập và mở. Cài đặt bằng cách: Chọn ba dấu chấm bên cạnh hồ sơ người dùng của bạn, sau đó cuộn xuống “Cài đặt và Quyền riêng tư”; Kéo xuống, chọn “Gia đình thông minh” và chọn điện thoại đang sử dụng thuộc về bạn hay của con bạn.

Một mã QR sẽ được hiển thị trên điện thoại. Để liên kết các tài khoản của cha mẹ, con cái phải quét mã QR này.

Vậy là bạn có thể truy cập và quản lý các tính năng bảo mật trong tài khoản của con mình.

Với tính năng này, bạn có thể kiểm soát con mình sử dụng TikTok như thế nào thông qua các mục như:  Quản lý thời gian sử dụng thiết bị; Tin nhắn trực tiếp; Chế độ hạn chế; Video đã thích; Nhận xét; Đề xuất tài khoản cho người khác

Bạn cũng sẽ nhận được thông báo khi con bạn đã biết và tắt đi tính năng này.


Quản lý tương tác

Phụ huynh cần điều chỉnh cài đặt này trực tiếp từ thiết bị của con. Đây là cách quản lý cài đặt: Chọn ba dấu chấm bên cạnh hồ sơ người dùng của con bạn, sau đó cuộn xuống “Cài đặt và Quyền riêng tư”. Chọn “Quyền riêng tư”.

Tại đây, bạn có thể tùy chỉnh Bật tắt Cho phép tải xuống video của bạn; Chuyển Ai Có thể Gửi Tin nhắn Trực tiếp cho; Chuyển ai có thể Xem ảnh Đã thích của bạn thành Chỉ tôi...


Kiểm soát thời gian sử dụng màn hình, chế độ hạn chế

Nếu bạn không thích quản lý gián tiếp hay không có tài khoản Tiktok để sử dụng tính năng “Gia đình thông minh”, thì sau đây là cách điều chỉnh cài đặt thời gian sử dụng thiết bị trên chính điện thoại của trẻ: Chọn ba dấu chấm bên cạnh hồ sơ người dùng của con bạn, sau đó cuộn xuống “Cài đặt và Quyền riêng tư”. Chọn “Sức khỏe kỹ thuật số”. Chọn “Thời gian sử dụng hàng ngày” và xác nhận mật mã.

Để tắt tắt tính năng này, chỉ cần lặp lại các bước từ một đến bốn, sau đó chọn “Tắt Quản lý thời gian sử dụng”.


Giáo dục trẻ về an toàn mạng

Với từng ấy biện pháp cũng không đảm bảo chắc chắn được cho sự an toàn của trẻ. Chưa kể trẻ em, với tính hiếu kỳ sẵn có cùng với khả năng học hỏi nhanh hơn người lớn, sẽ tìm được cách qua mặt phụ huynh dễ dàng.

Cha mẹ nên dành thời gian để dạy con cái về an toàn mạng, làm sao để tự bảo vệ bản thân trên Internet.


Nguyên Phú (Theo Panda Security)

Chia sẻ Facebook