Một quốc gia từ làng chài vươn top giàu nhất thế giới nhờ ‘tiền dưới đất chui lên’ nhưng biết sử dụng thông minh
Không còn là làng chài phụ thuộc vào nghề đánh cá, quốc gia chưa đến 3 triệu dân có thu nhập bình quân đầu người năm 2021 là 61.276 USD.
Qatar là nơi sinh sống của khoảng 2,9 triệu người, nhưng chỉ một phần nhỏ (khoảng 10%) là công dân Qatar. Họ được hưởng khối tài sản khổng lồ và những lợi ích nhờ sở hữu một trong những mỏ khí đốt tự nhiên có trữ lượng lớn nhất thế giới.
Quốc gia nhỏ bé nằm ở phía đông Bán đảo Ả Rập, nhô ra trên Vịnh Ba Tư. Đây là nơi có mỏ khí đốt dưới nước lớn nhất thế giới mà Qatar và Iran cùng nhau chia sẻ. Mỏ khí đốt này chiếm khoảng 10% trữ lượng khí đốt tự nhiên đã biết trên thế giới.
Dầu khí đã đưa đất nước 50 tuổi này trở nên giàu có và có tầm ảnh hưởng lớn. Trong vài thập kỷ, công dân Qatar đã thoát khỏi cuộc sống mưu sinh vất vả với nghề đánh cá và lặn mò ngọc trai.
Quốc gia này hiện là trung tâm trung chuyển quốc tế với một hãng hàng không lớn và một mạng lưới tin tức Al Jazeera có tầm ảnh hưởng. Quốc gia này cũng đang đầu tư mở rộng căn cứ quân sự Mỹ lớn nhất Trung Đông.
Dưới đây sẽ là cái nhìn về nền kinh tế của Qatar và cách quốc gia nhỏ bé này chi tiêu khủng cho việc đăng cai World Cup 2022.
Sức mạnh kinh tế
Từ xa xưa, người dân ở Qatar dựa vào nghề lặn mò ngọc trai và đánh bắt cá để sinh tồn. Giống như các khu vực khác trong Vịnh Ba Tư, cuộc sống rất khắc nghiệt.
Qatar dành độc lập từ Vương quốc Anh năm 1971. Vào thời điểm đó, Qatar là một trong những nền kinh tế nghèo nhất Trung Đông vì chủ yếu dựa vào đánh bắt cá. Nhưng trong ba thập kỷ qua, Qatar đã chuyển mình thành một trong những nền kinh tế giàu nhất thế giới.
Tất cả mọi người đều tin rằng việc phát hiện ra dầu và khí đốt vào giữa thế kỷ 20 đã mãi mãi thay đổi cuộc sống ở Bán đảo Ả Rập. Mặc dù dầu mỏ và khí đốt tự nhiên đóng vai trò then chốt biến Qatar trở nên giàu có, nhưng có tài nguyên không có nghĩa là sẽ giàu có.
Không chỉ được thiên nhiên ưu đãi như mọi người thường ví von rằng “tiền dưới đất chui lên”, Qatar còn biết cách sử dụng món quà trời ban một cách hiệu quả. Tại thời điểm phát hiện ra các mỏ dầu đầu tiên vào thập niên 1940 và mỏ khí đốt đầu tiên vào thập niên 1970, Qatar không giàu có ngay lập tức vì nhu cầu không nhiều. Quốc gia này cũng quá xa nơi cần năng lượng, trong khi hình thức vận chuyển khí đốt khi ấy chủ yếu thông qua các đường ống. Vì thế, quốc gia này nhanh chóng quên lãng trữ lượng tài nguyên khổng lồ họ có.
Mãi đến những năm cuối thập niên 1990, Qatar mới bắt đầu đầu tư vào công nghệ như hoá lỏng khí tự nhiên để có thể vận chuyển chúng bằng các tàu lớn giống như dầu. Bằng cách phát triển công nghệ tiên tiến, các quốc gia có nhu cầu về khí đốt bắt đầu chú ý đến Qatar. Từ đó, nơi đây trở thành nước xuất khẩu khí đốt tự nhiên hoá lỏng lớn nhất, đưa nền kinh tế quốc gia trở nên thịnh vượng hàng đầu Trung Đông.
Trong khi hầu hết các quốc gia trên thế giới vật lộn với suy thoái và lạm phát, Qatar và nhà sản xuất năng lượng vùng Vịnh Ba Tư đang kiếm lời từ giá năng lượng tăng cao. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự kiến nền kinh tế của Qatar sẽ tăng trưởng khoảng 3,4% trong năm 2022. Sự giàu có của Qatar có thể tiếp tục tăng lên khi quốc gia này mở rộng năng lực xuất khẩu khí đốt tự nhiên vào năm 2025.
Một điều đặc biệt hơn giúp Qatar trở nên giàu có là quốc gia này nhận thức được doanh thu dễ biến động từ dầu khí. Họ đã bắt đầu tiết kiệm tiền và mang đi đầu tư trên khắp thế giới.
Cơ quan Đầu tư Qatar (QIA) là thực thể thuộc sở hữu chính phủ, chịu trách nhiệm quản lý quỹ đầu tư quốc gia của Qatar. Đơn vị này quản lý và đầu tư số tiền nhận được từ dầu khí để làm cho nền kinh tế linh hoạt hơn, giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hoá thạch. Tính đến năm 2022, quỹ đầu tư quốc gia của Qatar có trị giá khổng lồ là 360 tỷ USD với nhiều lĩnh vực đầu tư như bất động sản, công ty đại chúng và tiền tệ.
Đặc quyền của công dân
Từ một quốc gia sa mạc lạc hậu, Qatar trở thành nền kinh tế giàu có. GDP bình quân đầu người của Qatar tăng từ 2.755 USD vào năm 1970 lên 61.276 USD vào năm 2021. Đây là một trong những mức cao nhất thế giới.
Giống như các quốc gia dầu mỏ giàu có khác ở vùng Vịnh, Qatar không phải là một quốc gia theo chế độ dân chủ. Hoàng gia Qatar do gia đình Al Thani lãnh đạo và các cố vấn là người giúp hoàng gia đưa ra quyết định.
Chính phủ cung cấp cho công dân những đặc quyền rất lớn. Công dân Qatar được miễn thuế thu nhập, công việc nhà nước sẽ được trả lương cao. Họ sẽ được chăm sóc sức khoẻ miễn phí, hệ thống giáo dục công lập miễn phí. Các cặp vợ chồng mới cưới sẽ được hỗ trợ tài chính. Bên cạnh đó, công dân Qatar được hỗ trợ nhà ở cùng các trợ cấp hào phóng khác về chi phí điện nước và trợ cấp hưu trí hậu hĩnh.
Chiến lược của Qatar cho World Cup
Qatar là quốc gia Trung Đông đầu tiên đăng cai World Cup năm 2022, điều này cho thấy sức mạnh và sự giàu có của Qatar.
Mặc dù chi một số tiền cực lớn để chuẩn bị cho World Cup, quốc gia này vẫn kiếm được nhiều hơn số tiền đã chi ra vào năm 2021, mang lại lượng thặng dư khổng lồ kéo dài đến năm 2022.
Qatar đã chi khoảng 200 tỷ USD để đầu tư cho cơ sở hạ tầng và các dự án phát triển khác kể từ khi công bố là quốc gia đăng cai kỳ World Cup tiếp theo kéo dài trong vòng 5 tuần.
Khoảng 6,5 tỷ USD trong số đó được dùng để xây dựng 8 sân vận động cho các trận đấu, bao gồm cả sân vận động Al Janoub do kiến trúc sư quá cố nổi tiếng Zaha Hadid thiết kế.
Qatar cũng mạnh tay chi hàng tỷ USD để xây dựng một tuyến tàu điện ngầm, sân bay mới, đường sá và các cơ sở hạ tầng khác trước trận đấu.
Công ty nghiên cứu Capital Economics có trụ sở tại London cho biết từ doanh số bán vé cho thấy sẽ có khoảng 1,5 triệu khách du lịch đến Qatar tham dự World Cup. Công ty nghiên cứu cho biết, nếu mỗi du khách ở lại trong 10 ngày và chi tiêu 500 USD/ngày, tổng chi tiêu cho mỗi du khách ước tính lên tới 5.000 USD. Con số đó có thể mang lại cho nền kinh tế Qatar tới 7,5 tỷ USD trong năm nay. Tuy nhiên, một số người hâm mộ có thể bay đến Dubai và các khu vực khác và chỉ đến Qatar để xem một vài trận đấu.
Tổng hợp